Những "cú ngã" đau điếng của chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Boong tàu sân bay là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, kể cả trong thời bình.

Những chiến đấu cơ với đầy bom đạn và nhiêu liệu liên tục di chuyển, cất và hạ cánh với tốc độ cao trong một không gian vô cùng chật hẹp. Do đó, mọi hoạt động trên tàu sân bay cần phải được chuẩn hóa và phối hợp cực kỳ chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn có những sai sót xảy ra, và có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Tháng 11/1998, trên boong tàu sân bay hạt nhân USS Enterprise của hải quân Mỹ, một máy bay săn ngầm S-3B Viking vừa hạ cánh. Ngay sau đó, một máy bay tác chiến điện tử EA-6B cũng giảm độ cao chuẩn bị hạ cánh. Sĩ quan giám sát đường băng phát tín hiệu cảnh báo nhưng đã quá muộn. Chiếc EA-6B lao thẳng vào S-3B, đẩy nó văng khỏi boong tàu và rơi xuống biển.

Cả 2 phi hành đoàn kịp kéo cần thoát hiểm. Tuy nhiên trong khi 2 phi công của chiếc S-3B sống sót một cách kì diệu thì cả 4 người trong phi hành đoàn chiếc EA-6B đều thiệt mạng.

 

Một trong những cơn ác mộng lớn nhất cho các phi công hải quân là khi biển động mạnh, khiến đường băng trên boong tàu di chuyển với biên độ lớn. Đó là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn cho chiếc F-18 trên boong tàu sân bay USS Lincoln trong clip sau. Máy bay đập mạnh xuống đường băng và bốc cháy. Phi công kịp thời phóng ra ngay trước khi nó rơi xuống biển và may mắn đáp xuống boong tàu. Có thể thấy ghế thoát hiểm phóng ra ở giây thứ 25.

 

Còn vụ tai nạn trong clip sau xảy ra vào năm 2001, khi một máy bay vận tải C-2A đang chở theo một số quan chức nước ngoài đáp xuống tàu sân bay USS Nitmitz. Lúc này chiếc Nimitz đang ở ngoài khơi Mũi Sừng, điểm cực nam của Châu Mỹ, một nơi khét tiếng vì thời tiết khắc nghiệt. Trong ngày hôm đó, biển động rất mạnh. Vì vậy chiếc C-2A đã đáp chệch tâm đường băng và gần như rơi xuống biển. May mắn cho phi hành đoàn và các hành khách là máy bay dừng lại kịp lúc.

 

Một mối nguy hiểm nữa nằm ở các dây cáp hãm. Như trong clip dưới đây, một chiếc F-18 vừa hạ cánh xuống tàu sân bay thì cáp hãm bị đứt. Chiếc F-18 chạy hết đường băng và rơi xuống biển. Viên phi công kịp thời phóng ra ngay khi máy bay vừa bắt đầu rơi khỏi boong tàu.

Tuy nhiên nguy hiểm không chỉ xảy ra với phi công mà còn với tất cả những người có mặt trên boong khi đó. Dây cáp hãm sau khi bị đứt sẽ bật lại với vận tốc hơn 160km/h. Tại giây 0:50 trong clip có thể thấy một thủy thủ nhảy lên 2 lần để tránh dây cáp. Nhưng 7 thủy thủ khác thì bị dây cáp văng trúng. Trong đó 3 người bị thương nặng và phải được chở đi cấp cứu bằng trực thăng.

 

Một tình huống tương tự là móc hãm của máy bay bị đứt, như điều đã xảy ra với chiếc F-14 trong đoạn clip dưới đây. Qua camera nhìn đêm, có thể thấy rõ 2 chớp sáng khi máy bay vừa rời khỏi đường băng. Đó là khi 2 phi công vừa kịp phóng ra ngoài, trong lúc máy bay vẫn tiếp tục bay vọt lên. Ở một góc quay khác, có thể thấy rõ hình ảnh chi tiết móc hãm của máy bay bị văng ra sau khi máy bay tiếp đất.

 

Nếu quá trình hạ cánh xảy ra vấn đề thì một trong số ít giải pháp cuối cùng cho các phi công là lưới hãm. Như trường hợp xảy ra với 1 chiếc F-18 dưới đây. Càng đáp mũi của máy bay bị kẹt, và do đó tàu sân bay USS Nimitz phải cho triển khai lưới hãm. Thiết bị này đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và giữ máy bay an toàn trên boong. Đoạn clip dưới đây bao gồm nhiều góc quay của sự kiện trên:

 

Nguyên nhân tai nạn cũng có thể từ chính chiếc máy bay hoặc phi công, như vụ tai nạn xảy ra với Kara Hultgreen, phi công chiến đấu cơ nữ đầu tiên của hải quân Mỹ. Vụ tai nạn xảy ra vào 25/10/1994 khi chiếc F-14 đang chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay USS Abraham Lincoln sau một phi vụ huấn luyện.

Một sự cố đã khiến động cơ bên trái của máy bay ngừng hoạt động. Kara quyết định dừng việc hạ cánh và tăng công suất động cơ còn lại, bên phải, để đưa máy bay lên. Việc này tạo ra lực đẩy bất đối xứng và làm máy bay xoay ngang về bên trái. Cùng lúc này máy bay đang ở góc tấn lớn. Kết hợp của 2 điều kiện trên khiến chiếc F-14 mất khả năng điều khiển và lao xuống biển.

Phi công phụ kích hoạt quy trình thoát hiểm tự động và được phóng ra ngoài an toàn. Theo quy trình tự động thì phi công chính được phóng ra 0,4 giây sau đó. Tuy nhiên lúc này máy bay đã lật ngang và ngửa bụng lên trời. Ghế thoát hiểm của Kara được phóng thẳng xuống mặt nước. Tác động từ cú va đạp khiến Kara tử vong ngay lập tức. Thi thể của cô cùng xác máy bay được trục với 19 ngày sau đó từ độ sâu 1.100m.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại