Những “con mắt thần” đầu tiên bảo vệ bầu trời Việt Nam

P-8 là đài radar cảnh giới phòng không 2 tham số hiện đại vào thời điểm đó, có tầm phát hiện mục tiêu lên đến 150km, độ cao phát hiện lên đến 10km, tốc độ quay radar 2 vòng/phút.

Hệ thống radar cảnh giới đường không P-8

Tranh thủ những năm tháng hòa bình tạm thời trên miền Bắc (1954-1964), Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng, quyết liệt hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hàng loạt quân binh chủng mới và hiện đại được thành lập. Đặc biệt, để đối phó với lực lượng không quân hùng mạnh của Mĩ, chúng ta đã sớm chú trọng xây dựng bộ đội radar phòng không.

Ngay từ giữa năm 1956, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra lệnh thành lập Đoàn 4 - một đơn vị tuyệt mật - có nhiệm vụ chuẩn bị cho sự ra đời của bộ đội radar phòng không sau này.

Nhiều cán bộ của Quân chủng Phòng không – Không quân được cử đi học về chuyên ngành radar ở các thành phố Leningrad, Kiev, Odessa, Minsk … của Liên Xô. Tháng 8-1958, Đoàn 4 được tổ chức lại thành Trung đoàn đối không cần vụ 260, trung đoàn trưởng là Lương Sưu Sắt, chính ủy trung đoàn là Lê Đình Truy. Biên chế của trung đoàn gồm 6 đại đội radar (phiên hiệu 1, 2, 3, 4, 5, 6) trang bị radar cảnh giới P-8 của Liên Xô, và 3 đại đội quan sát mắt (phiên hiệu 7, 8, 9). Đây là trung đoàn tình báo phòng không đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

“Mắt thần” P-8

Nhằm thay thế các đài radar P-3 đã dần lạc hậu, từ năm 1949, Viện Nghiên cứu Khoa học công nghiệp vô tuyến Liên Xô đã nghiên cứu phát triển một loại radar cảnh giới trên không mới có sức chiến đấu cao hơn.

Đây là một đài radar cảnh giới phòng không hai tham số rất hiện đại vào thời điểm đó, có tầm phát hiện mục tiêu lên đến 150km, độ cao phát hiện lên đến 10km, tốc độ quay radar 2 vòng/phút. Radar P-8 (tên mã định danh NATO là Knife Rest A) có tổng trọng lượng trạm là 17 tấn, sử dụng băng sóng dài VHF, công suất bức xạ phát sóng là 70-75kW, độ nhạy của máy thu là 7mV, độ phân giải theo tầm xa là 2,5km, theo góc phương vị là 24 độ. Toàn bộ tổ hợp của đài radar P-8 được bố trí trên hai xe vận tải quân sự Zil-157.

Đài radar P-8 có 2 tầng anten với 4 anten Yagi, hoạt động trên máy phát và máy thu. Trong thành phần đài có khối bảo vệ chống nhiễu và máy đáp vô tuyến mặt đất NR3-1 với anten riêng để hoạt động trong hệ thống nhận dạng địch – ta Kremni-1. Để chống lại nhiễu thụ động , P-8 sử dụng hệ thống chọn lọc mục tiêu đang di chuyển đơn giản nhất với bộ dao động cao tần kết hợp trong khí tài thu không có hệ thống điều chỉnh xung động qua các giai đoạn. Để chống nhiễu tích cực ở tần số thấp, P-8 sử dụng hệ thống chọn lọc các tín hiệu thu theo biên độ và theo tầm xa.

Trong giai đoạn 1949-1950, đài radar P-8 đã được thử nghiệm thành công trên bãi thử Donguzsk và được tiếp nhận vào trang bị trong Hồng quân Liên Xô.

Năm 1951, hai kỹ sư quân sự M.M.Lobanov và A.I.Obkezin đã có một sáng kiến mới: Thiết kế cột trụ “Unzha” cao 30m cho anten của đài radar P-8. Việc đưa anten lên cao cho phép tăng cự li phát hiện mục tiêu. Với cột anten Unzha, đài radar P-8 có thể phát hiện máy bay địch bay cao 10km ở cự li từ 200-250km, còn khi mục tiêu bay thấp – xác suất phát hiện cũng tăng thêm 60-70%. Cột trụ “Unzha” sau đó đã được tiếp nhận rộng rãi trong thông tin liên lạc vô tuyến và kỹ thuật quân sự.

Ông M.M.Lobanov, người đóng góp lớn trong việc phát triển đài radar P-8

Radar P-8 và phiên bản sau đó là radar P-10 (tên mã định danh NATO là Knife Rest B và Knife Rest C) được sử dụng cho nhiệm vụ cảnh giới đường không, đồng thời cũng có thể hỗ trợ cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 (SA-2) đời đầu. Tuy có cùng cấu trúc và tính năng tương tự như P-8, nhưng khác với radar P-8 triển khai cột anten thu - phát sóng trên mặt đất, radar P-10 có thể triển khai cột anten trên xe tải, cho sức cơ động cao hơn.

Học tập làm chủ khí tài và lập công xuất sắc

Một nghịch lí ở Đoàn 4 khi mới thành lập, đó là tuy nhiệm vụ rất nặng nề: Phải học tập tiếp thu khí tài và sử dụng thành thạo các đài radar P-8 rất hiện đại lúc bấy giờ (mới ra đời cách đó chưa đầy 10 năm), nhưng nhiều cán bộ chiến sĩ ở đơn vị lại có trình độ văn hóa rất thấp.

Công việc đầu tiên của đơn vị tối mật này, đó là mở 17 lớp bồi dưỡng văn hóa cấp tốc, để đảm bảo toàn đơn vị phải có trình độ văn hóa từ cấp II trở lên, sau đó mới có thể học tập về sử dụng khí tài radar. Với quyết tâm cao và tinh thần học tập hăng say, chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ chiến sĩ Đoàn 4 đã bổ sung, hoàn thiện kiến thức văn hóa, và đi vào học tập chuyên môn.

Sau khi Trung đoàn đối không cần vụ 260 được thành lập, ngày Quốc khánh 2-9-1958, đơn vị vinh dự được đón đồng chí Phó Thủ tướng Trường Chinh về thăm. Phó Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi cán bộ chiến sĩ trung đoàn, và căn dặn: “Thời bình cũng như thời chiến, bộ đội radar vẫn luôn làm nhiệm vụ ở phía trước. Dù các đồng chí đặt máy ở Hà Nội thì vẫn là vị trí tuyến đầu. Không một phút nào được lơi là tinh thần cảnh giác cách mạng. Phải phát hiện địch từ xa, không bỏ sót và thông báo kịp thời”.

Sau khi hoàn thành công tác tổ chức và huấn luyện, các đại đội của trung đoàn lần lượt tỏa đi khắp miền đất nước, lập trạm đặt máy radar. Đúng 0 giờ ngày 1-3-1959, các đài radar đóng ở Điện Biên, Đồ Sơn (Hải Phòng), Trùng Quang (Nam Định), Quảng Xương, Điền Lư (Thanh Hóa) đồng loạt mở máy phát sóng. Cánh sóng radar tỏa rộng, canh giữ bầu trời miền bắc xã hội chủ nghĩa. Kể từ đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có phương tiện cảnh báo sớm, từ xa, để kịp thời ứng phó với những cuộc tập kích đường không của kẻ thù. Ngày 1-3 sau này đã được chọn làm ngày truyền thống của bộ đội radar Việt Nam.

Và cũng chỉ hai ngày sau, ngày 3-3-1959, đại đội radar 4 đã sử dụng các đài radar P-8 kịp thời phát hiện chiếc máy bay vận tải C-47 của địch xâm nhập từ hướng biên giới Việt – Lào vào miền tây Thanh Hóa, tạo điều kiện cho quân dân tỉnh Ninh Bình tóm gọn toán biệt kích do chiếc máy bay này thả xuống. Đó là chiến công đầu của bộ đội radar, mở đầu cho hàng loạt những chiến công to lớn, góp phần quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mĩ toàn thắng.

Bên cạnh radar P-8 được viện trợ trực tiếp từ Liên Xô, Việt Nam cũng nhận được các phiên bản radar P-8 viện trợ theo ngả Trung Quốc, được gọi là radar cảnh giới đường không 513K. Một phiên bản P-8 khác được Trung Quốc sản xuất là radar cảnh giới đối hải 517K cũng được viện trợ cho Việt Nam. Sau này, cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mĩ diễn biến ngày càng ác liệt, nên đài radar P-8 đã nhanh chóng lạc hậu trước những thủ đoạn chế áp của đối phương, và được thay thế bằng các đài radar hiện đai hơn như P-12, P-35 … Dù vậy, chúng cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc canh giữ bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại