Những "Con mắt thần" cảnh giới bầu trời Tổ quốc (P1)
2. Các loại radar cảnh giới do những quốc gia ngoài Liên Xô/Nga sản xuất
2.1. Radar cảnh giới Vostok-E
Đài nhìn vòng cảnh giới 2 tham số (2D) Vostok-E được Văn phòng Agat/KB Radar (Cộng hòa Belarus) thiết kế với mục đích thay thế cho các đài radar cảnh giới thế hệ cũ P-18 Terek nhằm phát hiện các mục tiêu bay, tự động bám bắt và phân loại mục tiêu cũng như truyền dữ liệu tới hệ thống kiểm soát và chỉ huy tích hợp.
Vostok-E hoạt động trên dải tần 175 MHz có khả năng phát hiện máy bay tàng hình F-117A bay ở độ cao 10.000m từ cự ly 72 km trong môi trường nhiễu mạnh và máy bay ném bom B-52 từ khoảng cách 255 km nếu không bị gây nhiễu, độ sai lệch: cự ly 25m, tốc độ 1,8 m/s, phương vị 10. Vì là radar mạng pha chủ động nên nó có thể hoạt động trong điều kiện tốc độ gió lên tới 35 m/s.
Vostok-E có thể theo dõi đến 120 mục tiêu trong thời gian quét 10 giây liên tiếp. Với các máy bay có trang thiết bị trinh sát hiện đại như AWACS, khoảng cách để phát hiện được đài phát Vostok-E là nhỏ hơn 203 km. Một điểm đặc biệt nữa là radar có thể chế áp được đến hơn 40% mật độ gây nhiễu cực đại của đối phương.
Toàn bộ hệ thống gồm radar, trạm điều khiển và máy phát điện có thể được đặt trên khung gầm của 1 hoặc 2 xe tải việt dã 6x6. Trạm điều khiển tự động có thể triển khai cách xe anten và thiết bị tới 500m. Để bảo vệ radar khỏi các tên lửa tầm nhiệt, máy phát điện có thể đặt cách radar tới 50m.
Radar Vostok-E của Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân
Việt Nam đã có hợp đồng mua tới 20 bộ radar Vostok-E từ Belarus và đã được chuyển giao công nghệ để sản xuất trong nước dưới tên gọi RV-01 (Radar Việt Nam số 1) với một số cải tiến riêng theo yêu cầu của phía Việt Nam.
2.2. Radar cảnh giới tầm thấp 36D6-M (ST-86UM)
Hệ thống radar di động cảnh giới tầm thấp 3 tham số 36D6-M hay còn gọi là ST-86UM (Mã NATO: Tin Shield) do Ukraine sản xuất, được thiết kế để sử dụng như một phần của hệ thống phòng không tích hợp với nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) nhỏ bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và bị động mạnh (tầm giám sát cự ly xa nhất 175 km, độ cao lớn nhất tới 18 km).
Radar hoạt động trên băng tần S với dải tần từ 2.700 - 2.900 MHz. Đài 36D6-M có thể hoạt động một cách độc lập trong vài trò giám sát không phận, phát hiện các mục tiêu bay thấp và rất thấp, cung cấp tham số về mục tiêu cho các hệ thống tên lửa phòng không, hỗ trợ dẫn đường cho tên lửa. Radar có thể xử lý 120 mục tiêu cùng lúc, trong đó có 30 - 60 mục tiêu được xử lý trong chế độ tự động.
Tháp anten và buồng điều khiển của hệ thống được đặt trên khung gầm xe rơ moóc KRAZ mang lại khả năng cơ động rất cao. Anten có thể được đặt trên tháp 40B6M1 với chiều cao 23m để cải thiện khả năng bắt thấp và rất thấp. Mỗi đài radar 36D6 bao gồm 1 xe mang anten, buồng điều khiển cùng 1 xe phát điện.
Giao hàng hệ thống radar 36D6-M cho Việt Nam tại cảng. Nguồn: Tuổi trẻ
Tại Việt Nam, đài radar 36D6-M đã được tích hợp với hệ thống phòng không S-300PMU1 để đảm nhiệm vai trò trinh sát và bám bắt mục tiêu tầm thấp cho tên lửa. Việc Việt Nam có radar 36D6-M chính thức được xác nhận lần đầu tiên trong bài "Chủ động nghiên cứu cải tiến, đồng bộ và tích hợp sử dụng vũ khí, khí tài phòng không" đăng trên báo Quân đội nhân dân.
2.3. Radar cảnh giới ELM-2288 AD STAR
ELM-2288 là loại radar cảnh giới 3D (AD-STAR) tiên tiến do ELTA Systems Ltd, một công ty con thuộc Tập đoàn công nghiệp Hàng không Israel (IAI) sản xuất. ELM-2288 được thiết kế với nhiệm vụ hỗ trợ phòng không, cảnh báo sớm cũng như kiểm soát các hoạt động hàng không. Với hệ thống điện tử kỹ thuật số, loại radar này không chỉ cung cấp dữ liệu 3D có độ chính xác cao mà còn tự động theo dõi mục tiêu dựa trên các thông số được lập trình trước.
Radar ELM-2288 gồm nhiều máy phát và thu kỹ thuật số đảm bảo nhiệm vụ cảnh báo với độ tin cậy và tính sẵn sàng chiến đấu cao. Ngoài ra, radar này còn có thể tích hợp hệ thống nhận dạng địch-ta cùng các anten phụ gắn trên anten chính cho phép giải mã và theo dõi mục tiêu. Anten của ELM-2288 có thể gấp lại cho phép xe tải vận chuyển được trên mọi địa hình hoặc vận chuyển bằng máy bay vận tải C-130.
ELM-2288 gồm hai phiên bản: ELM-2288MR và ELM-2288ER. ELM-2288MR là loại radar tầm trung với một dàn anten gồm 32 hàng có phạm vi hoạt động trên 300 km, còn ELM-2288ER là loại tầm xa mở rộng gồm 60 hàng anten có phạm vi hoạt động lên tới 480 km
Phiên bản radar ELM-2288ER
Phiên bản ELM-2288 mà Việt Nam đang sử dụng đã được báo Quân đội nhân dân xác nhận là ELM-2288ER trong bài báo "Chủ động nghiên cứu cải tiến, đồng bộ và tích hợp sử dụng vũ khí, khí tài phòng không".
2.4. Radar cảnh giới thụ động Kolchuga
Kolchuga là hệ thống trinh sát điện tử thụ động do Ukraine phát triển. Nó có thể phát hiện các mục tiêu bay từ khoảng cách 800 km ở mọi độ cao. Mỗi hệ thống gồm 3 đài thu tín hiệu sóng điện từ có thể bố trí cách nhau 10 km, cùng 1 đài điều khiển xử lý tín hiệu trung tâm, có thể phát hiện và bám sát các loại phương tiện bay bằng việc giao hội sóng điện từ giữa 3 đài thu tín hiệu. Kolchuga có thể cùng lúc bám sát tín hiệu của 32 mục tiêu với đủ 3 tham số (cự ly, góc tà và phương vị). Các đài thu và trạm điều khiển trung tâm đều được đặt trên khung gầm xe vận tải việt dã Kraz 6x6.
Kolchuga được coi là một trong những hệ thống cảnh báo sớm đường không đặc biệt hiệu quả, nó có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình hiện có hoặc sẽ được trang bị trong tương lai thông qua sóng vô tuyến và sóng radar phát ra từ máy bay hoặc nhờ sóng điện từ phát ra từ động cơ.
Theo tính toán, nếu được đặt ở độ cao 100m so với mặt đất và mục tiêu bay ở độ cao 10 km thì Kolchuga có thể phát hiện từ cự ly 450 km, còn mục tiêu bay ở độ cao 20 km thì cự ly phát hiện đạt tới 620 km. Hơn nữa, do Kolchuga là hệ thống cảm biến thụ động nên nó có khả năng sống sót cao vì không phát sóng nên các loại tên lửa bức xạ diệt radar không thể nương theo cánh sóng để bay tới tìm diệt.
Radar thụ động Kolchuga của Việt Nam
Tuy nhiên, sau khi về Việt Nam do gặp phải một số yếu tố ngoại cảnh tác động ví dụ như khí hậu quá nóng khiến hệ thống không hoạt động được như mong đợi. Trước tình hình trên 2 đề tài gồm: “Mở rộng dung lượng bộ nhớ radar Kolchuga” do Trung tá Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn radar 295 chủ trì và “Cải tiến hệ thống điều khiển máy lạnh radar Kolchuga” do Đại úy Nguyễn Trung Hậu, Phó chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn radar 295 thực hiện đã được triển khai. Qua thực tế hoạt động, hệ thống mới cải tiến có độ ổn định cao, phù hợp điều kiện khai thác nên đã được Quân chủng Phòng không - Không quân nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2013.
2.5. Radar cảnh giới thụ động Vera-E
Vera-E là loại radar thụ động do Cộng hòa Czech nghiên cứu và chế tạo, hoạt động trên nguyên lý không phát mà chỉ thu tín hiệu của sóng điện từ trong một môi trường không gian đồng nhất. Loại radar này hoạt động tương tự hệ thống Kolchuga của Ukraine và là phiên bản cơ động, lắp đặt trên khung gầm xe dòng radar thụ động Tamara cũng của Cộng hòa Czech chế tạo.
Khả năng của Vera-E tinh vi tới mức có thể phát hiện máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ từ khoảng cách 250 km. Còn Tamara - hệ thống radar thụ động đời trước, trong quá trình thử nghiệm đã phát hiện mục tiêu là tiêm kích F-16 ở cự ly 400 km, CF-18A là 355 km và F-15 là 365 km. Thời gian trên đủ để hệ thống phòng không, các máy bay trực chiến vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nếu bố trí các trạm radar thụ động Vera-E phân tán xa nhau, khoảng 3 đến 4 trạm thành một cụm, máy tính trung tâm sẽ tổng hợp giao hội đồng thời mọi tín hiệu thu về theo phương pháp định vị “vi sai thời gian tới của tín hiệu” trên các tam giác, tứ giác (số lượng trạm), sẽ xác định được rất nhanh toạ độ mục tiêu.
Vera-E ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Czech Vondra vào năm 2013, trên website chính thức của Bộ Công thương nước này phát đi thông báo từ năm 2010, Việt Nam đã tiếp nhận 3 hệ thống radar thụ động tinh vi Vera-E chuyên dùng để phát hiện máy bay tàng hình.
Radar cảnh giới tầm thấp 36D6-M "Tin Shield"
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA