Những "con mắt thần" cảnh giới bầu trời Tổ quốc (P1)

Bạch Dương |

(Soha.vn)-Lực lượng phòng không VN hiện được trang bị nhiều loại radar cảnh giới do các quốc gia khác nhau sản xuất, có thể phát hiện mọi mục tiêu trên không kể cả tên lửa đạn đạo.

1. Các loại radar cảnh giới do Liên Xô/Nga sản xuất:

1.1. Radar cảnh giới P-14 Oborona

P-14 Oborona (mã định danh NATO: Tall King C) là một loại radar cảnh giới VHF 2 tham số (2D), được chế tạo và phát triển bởi Liên Xô, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1959. P-14 làm việc trên dải sóng mét, có cự ly phát hiện xa với tầm hoạt động 400 km, tốc độ quét 2-6 vòng/phút, độ cao tìm kiếm cực đại 46 km.

Radar P-14 gồm 3 biến thể 1RL113 Lena (NATO định danh Tall King A), 44Zh6 Furgon (Tall King B), đây là 2 biến thế cơ động và biến thể cố định 5N84A Oborona-14 (Tall King C). Loại radar Việt Nam được Liên Xô viện trợ chính là biến thể 5N84A Oborona-14 (Tall King C).

Radar P-14 Oborona của Việt Nam

Radar P-14 Oborona của Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân

P-14 là một trong những radar cảnh báo sớm có tầm trinh sát xa nhất hiện nay của Việt Nam. Khi hoạt động radar P-14 sẽ kết hợp với một radar đo cao PRV-11 hoặc PRV-16 để cung cấp đủ 3 tham số về mục tiêu cho các hệ thống phòng không.

Tuy nhiên P-14 của Việt Nam là phiên bản cố định lại có kích thước lớn với đường kính lên tới 33m nên rất dễ bị tiêu diệt bởi các tên lửa chống radar, việc tháo lắp và di chuyển tốn khá nhiều thời gian trong khi radar lại có độ kháng nhiễu thấp và độ chính xác không cao nên có lẽ sẽ sớm bị thay thế bởi các hệ thống radar mới hiện đại hơn.

Thông số kỹ thuật: Kíp chiến đấu 15 người; tần số VHF; bước sóng mét; tầm hoạt động 400 km; độ cao 46 km; góc phương vị 3600; góc tà 12 - 170; độ sai lệch 1,2 km; công suất 900 kW.

1.2. Radar cảnh giới P-18 Terek

P-18 Terek (mã định danh GRAU: 1RL131, mã định danh NATO: Spoon Rest D) là một loại radar bắt mục tiêu và cảnh báo VHF 2D, được sản xuất và phát triển bởi Liên Xô. Đây là loại radar làm việc trên dải sóng mét, tầm hoạt động tối đa 250 km, có thể theo dõi cùng lúc 120 mục tiêu, P-18 được chính thức đưa vào sử dụng năm 1970.

P-18 được chế tạo trên cơ sở đài radar vô tuyến P-12NA và được sản xuất hàng loạt trong Liên doanh cổ phần OAO “Nitel”. Các đài radar vô tuyến này bảo đảm sự chỉ thị mục tiêu chính xác hơn cho tổ hợp tên lửa phòng không và dẫn đường cho máy bay chiến đấu.

Radar P-18 trên đảo Trường Sa lớn

Radar P-18 trên đảo Trường Sa lớn. Nguồn: Quân đội nhân dân

Thông số kỹ thuật: Tần số VHF; bước sóng mét; tầm hoạt động 250 km; độ cao 35 km; góc phương vị 3600; góc tà -5 - 150; độ sai lệch 1 km; công suất 260 kW.

Hiện nay các đài radar P-18 của Việt Nam đã được công ty RETIA, Cộng hòa Séc chuyển giao công nghệ nâng cấp lên chuẩn P-18M với nhiều cải tiến như: Áp dụng công nghệ kỹ thuật số, cải thiện hiệu suất hoạt động của radar, tăng cường khả năng kháng nhiễu, tăng cường độ tin cậy, tuổi thọ cũng như nguồn phụ tùng thay thế, tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta, giảm chi phí vận hành…

Màn hình hiển thị hiện đại trong xe điều khiển của đài radar P-18M

Màn hình hiển thị hiện đại trong xe điều khiển của đài radar P-18M.

1.3. Radar cảnh giới tầm thấp P-19 Danube

P-19 Danube (mã định danh GRAU: 1RL134, mã định danh NATO: Flat Face B) là một loại radar cảnh giới kiêm giám sát mục tiêu do Liên Xô chế tạo và phát triển trên cơ sở radar P-15 thế hệ cũ. Đây là loại radar di động hoạt động băng tần UHF, có khả năng phát hiện số lượng lớn các mục tiêu tầm thấp.

P-19 thường được trang bị trong các đại đội radar cảnh giới tầm thấp, trung đội radar độc lập thuộc quân chủng Phòng không Liên Xô. Ngoài ra, P-19 còn có thể làm nhiệm vụ của đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu tầm thấp trong tổ hợp tên lửa phòng không S-125.

Thông số kỹ thuật: Tần số UHF; bước sóng dm; tầm hoạt động 260 km; Tầm phát hiện mục tiêu cỡ Mig-17 bay ở độ cao 500m: đến 60 km, ở độ cao 3.000 m: đến 140 km.

Radar P-19 đang được Viettel tiến hành nâng cấp, hiện đại hóa

Radar P-19 đang được Viettel tiến hành nâng cấp, hiện đại hóa. Nguồn: Quân đội nhân dân

Hiện nay, Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel đang có dự án hiện đại hóa các đài radar cảnh giới P-19 của Việt Nam bằng cách thay thiết bị cũ sử dụng công nghệ analog sang công nghệ số nhằm tăng khả năng chiến đấu và kéo dài tuổi thọ. Đây là một bước đi rất tích cực, cần tiếp tục nhân rộng.

1.4. Radar cảnh giới P-35 Saturn

P-35 Saturn (Mã định danh NATO : Bar Lock) là một loại radar cảnh giới 2 tham số (2D) hoạt động trên băng tần E và F, được thiết kế dựa trên người tiền nhiệm P-30, chính thức sử dụng trong quân chủng Phòng không - Không quân, Phòng không Hải quân và trong các đơn vị Phòng không Lục quân Liên Xô từ năm 1958. Năm 1961 phiên bản nâng cấp P-35M ra đời, P-35M khác với P-35 ở thiết kế lưới anten, tăng các giới hạn và độ nghiêng của lưới.

P-35 được thiết kế để phát hiện và theo dõi mọi mục tiêu trên không ở tầm xa đến 350 km, độ cao tối đa 25 km. P-35 được trang bị cho lực lượng Phòng không Việt Nam từ trong Kháng chiến chống Mỹ và cho tới ngày nay, nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới radar cảnh giới bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Radar cảnh giới P-35M của Việt Nam

Radar cảnh giới P-35M của Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân

Thông số kỹ thuật: Băng tần E và F; bước sóng dm; tầm hoạt động 350 km; độ cao 25 km; góc phương vị 3600; độ sai lệch 500m; công suất 1 MW.

Các đài radar P-35M của Việt Nam giống như P-14 Oborona đã rất lạc hậu, khó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới nên rất cần được nhanh chóng thay thế bằng các loại radar cảnh giới hiện đại hơn (có thể cân nhắc thay thế bằng phiên bản 3D 1L117).

1.5. Radar cảnh giới 55ZH6UE NEBO-UE

Sau chiến tranh vùng Vịnh, nhận thấy rõ ưu thế của tên lửa hành trình và máy bay tàng hình được sử dụng bởi quân đội Mỹ và đồng minh và trước thực tế các hệ thống radar cảnh giới do Liên Xô sản xuất đã lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Việt Nam đã quyết định ký hợp đồng với Nga để mang về một trong những loại radar cảnh báo sớm hàng đầu thế giới.

Radar cảnh giới 55Zh6UE NEBO-UE thuộc loại radar mảng pha 3D kỹ thuật số quét độ cao lớn và trung bình do tập đoàn Almaz - Antey nghiên cứu phát triển. Nó có thể tích hợp với các hệ thống chỉ huy đồng bộ hoặc không đồng bộ của các đơn vị Phòng không - Không quân.

Hiện nay trên thế giới không loại radar nào có tính năng tương tự NEBO-UE, nó có khả năng phát hiện máy bay chiến đấu có diện tích phản xạ radar (RCS) 2,5 m2 bay ở độ cao 500 m từ cự ly 65 km, nếu bay ở độ cao 10 km thì cự ly phát hiện là 310 km và lên đến 400 km nếu độ cao hành trình của mục tiêu ở mức 20 km.

Đặc biệt, radar này có khả năng phát hiện tên lửa hành trình tốc độ siêu âm có RCS 0,9 m2 bay ở độ cao 10 km từ cự ly tới 250 km, lên đến 300 km nếu bay ở độ cao 20 km. Như vậy NEBO-UE có thể hoạt động với vai trò như một radar cảnh báo sớm tên lửa.

NEBO-UE hoạt động ở băng tần UHF/HF độ cao trinh sát lên đến 65 km, số lượng mục tiêu theo dõi cùng lúc với đủ 3 tham số lên đến hơn 100 mục tiêu. Đây được xem là loại radar chủ động có tầm trinh sát cao nhất trong biên chế lực lượng radar cảnh giới Việt Nam.

Radar NEBO-UE của Việt Nam

Radar NEBO-UE của Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân

1.6. Radar cảnh giới tầm thấp KASTA-2E2

Radar nhìn vòng bắt thấp 3 tham số Kasta-2E2 được thiết kế cho nhiệm vụ kiểm soát vùng trời và cung cấp tình báo tham số cự ly, phương vị và độ cao của các loại mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar thấp trong điều kiện nhiễu địa hình địa vật và nhiễu khí tượng cường độ mạnh.

Kasta-2E2 có thể bắt được mục tiêu trong cự ly từ 5 - 150 km với góc phương vị 3600, tầm cao phát hiện mục tiêu từ 10 - 6.000m. Tuy vậy, khi tên lửa có cánh hoặc máy bay bay thấp khoảng 100m thì Kasta-2E2 chỉ phát hiện được mục tiêu từ 55 km trở lại; khi máy bay trên độ cao 1.000 mét thì bắt xa tới 95 km.

Tổ hợp Kasta-2E2 có thiết kế dạng khối linh kiện với khối phát dùng đèn bán dẫn, khối xử lý tín hiệu kỹ thuật số và đồng bộ có khả năng kháng triệt nhiễu tương tác điện từ của các khí tài điện tử khác hoạt động trong đội hình ở cự ly gần (khả năng kháng nhiễu đạt tới 50 dB), khối kiểm chỉnh lỗi đồng bộ, khối anten thu phát gắn trên xe cao 14m để phát hiện mục tiêu bay thấp, khối anten thu phát trên xe kéo cao 50m và khối trạm điều khiển từ xa.

Thông số kỹ thuật: bước sóng dm; tầm hoạt động 150 km; độ cao 6 km; góc phương vị 3600; góc tà 250; độ sai lệch: cự ly 100m, độ cao 900m, phương vị 40 phút (góc); công suất 23 kW.

Radar Kasta-2E2 của Việt Nam

Radar Kasta-2E2 của Việt Nam. Nguồn: Tuổi trẻ

Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam hiện đã đưa vào khai thác sử dụng 3 tổ hợp Kasta-2E2, biên chế cho các trung đoàn radar 293 (F361), 292 (F377) và 294 (F367). Các đài cảnh giới nhìn vòng bắt thấp này sẽ chỉ mở máy tăng cường giám sát bầu trời khi có lệnh và huấn luyện chứ không tham gia trực chiến cảnh giới thường xuyên như các trạm radar khác.

Radar cảnh báo sớm P-14 Oborona

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại