Lục quân Mỹ dành một khoản tiền trị giá 50 triệu USD để thành lập Viện công nghệ nano quân sự nhằm nghiên cứu, chế tạo ra loại quân phục siêu phàm này. Công nghệ nano giúp chế tạo các máy tính và máy móc nhỏ đến mức chúng chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Chúng là các rôbốt có kích thước bằng các con vi trùng. Những rôbốt nano này sẽ được sử dụng để chế tạo ra những bộ “trang phục thông minh” và bảo vệ người lính theo những cách phi thường.
Một nhà khoa học tiết lộ: “Viện công nghệ nano quân sự đã tìm ra một chất cực kỳ đặc biệt. Chất này trông giống như bùn nhưng khi cho dòng điện chạy qua, các rôbốt tí hon trong chất này được kích hoạt khiến cho chất bùn đó cứng như thép”.
Công nghệ này sẽ được sử dụng để chế tạo một loại áo giáp mới mềm dẻo nhưng có khả năng siêu phàm trong việc bảo vệ tính mạng cho các chiến binh. D’gay cho biết: “Chiếc áo này được mặc giống như một chiếc áo sơmi bình thường cho đến khi nó cảm nhận thấy sự tấn công của một viên đạn, và ngay lập tức, chiếc áo mềm dẻo bỗng trở nên cứng như thép để ngăn cản viên đạn xuyên vào cơ thể người lính”.
Quần áo thông minh cũng sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của người lính và truyền thông tin đó tới các bác sĩ quân y. D’gay nói: “Trong môi trường tác chiến ngày nay, bác sĩ thường đến chỗ người lính nào đang kêu la to nhất, mà không biết rằng chỉ cách đó vài mét một người lính khác đang lặng lẽ mất máu đến chết”.
Thậm chí, trước khi bác sĩ tới, bộ quần áo thông minh vẫn sẽ hoạt động để giữ lấy tính mạng người lính. “Garô được chế tạo sẵn bên trong”, D’gay nói. “Người lính nhấn một nút và các nguồn năng lượng được khởi động. Trong trường hợp người lính bất tỉnh không thể tự khởi động được thì hệ thống này có thể được kích hoạt từ xa. Garô đặc biệt sẽ làm cân bằng các mạch, cho phép máu lưu thông qua chỗ vết thương”. Hơn thế, bộ quần áo thông minh thậm chí còn mang lại cho các chiến binh sức mạnh phi thường.
“Công nghệ nano tích hợp vào bộ quần áo đóng vai trò như các sợi cơ trên cơ thể con người khi được sử dụng đến”, D’gay lý giải. “Nó phát huy sức mạnh của họ để mang vác những trọng lượng nặng hơn. Người lính chỉ phải sử dụng từ 15 đến 20% sức mạnh cơ thể bình thường của họ và bộ khung xương bên ngoài sẽ bổ sung phần sức lực còn lại”.
Các chiến binh tương lai sẽ có khả năng phá tung cửa ô tô và xuyên thủng các bức tường. Họ cũng sẽ dư sức trong trận đấu tay đôi với một con khỉ đột nặng cả nửa tấn, hoặc có thể chạy hàng tiếng bởi bộ quần áo thông minh sẽ làm phần lớn công việc đó… giống như vận động trong trạng thái không trọng lượng trên mặt trăng.
Chưa hết, khả năng kinh ngạc nhất của bộ quần áo thông minh sẽ là khả năng vô hình. Chiến binh tương lai sẽ hòa lẫn vào môi trường giống như loài tắc kè hoa. D’gay nói: “Lục quân Mỹ luôn sống với khẩu hiệu: “Chúng ta sở hữu bóng đêm. Và tới đây, chúng tôi sẽ làm cho người lính trở nên vô hình. Một trong những bước tiến mang tính quyết định nhất mà chúng tôi đang nghiên cứu là giúp người lính có khả năng ngụy trang như loài tắc kè hoa. Công nghệ nano giúp chúng tôi thay đổi hình thức hóa trang trên bộ quần áo chỉ trong chốc lát hoặc tạo ra một hình ảnh phản chiếu”.
Nguồn cảm hứng cho việc nghiên cứu ra công nghệ này xuất phát từ bộ phim Predator do nam diễn viên Arnold Schwarzenegger thủ vai. Trong bộ phim này, một kẻ ngoài hành tinh được ví như cỗ máy giết người săn lùng đặc nhiệm Mỹ trong các khu rừng rậm. Điều khiến sinh vật đó trở nên nguy hiểm đến mức như vậy là do công nghệ của người ngoài hành tinh cho phép nó trở thành vô hình bằng cách phản chiếu chính xác môi trường xung quanh. Cụ thể, nếu sinh vật đó ở gần bụi rậm, thì nó trông giống như bụi rậm; còn nếu nó ở dưới nước thì nó giống hệt nước.
Đây không phải là một ý tưởng kỳ quặc đối với quân đội Mỹ. Các cuộc thử nghiệm với công nghệ này thành công đến mức Lục quân Mỹ đã tuyên bố nghiên cứu này được xếp vào hàng tuyệt mật.
Trong một thế giới, nơi mà các lực lượng tác chiến đặc biệt và khả năng tàng hình đang ngày càng trở nên quan trọng, khả năng vô hình có thể trở thành một “quả bom nguyên tử” mới thì những nước nào sở hữu công nghệ này sẽ trở nên hùng mạnh, ngược lại nước nào không có sẽ bị thuần phục.
Việc ứng dụng các công nghệ này còn mất nhiều thời gian, nhưng chắc chắn những người lính Mỹ sẽ không phải “chờ đợi” quá lâu. Minh chứng cho việc này là một số công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng để xây dựng một lực lượng siêu đặc nhiệm có tên là Lữ đoàn Striker. Lữ đoàn này đang được huấn luyện ở bang California và có thể được thử nghiệm trong các chiến dịch đối phó với các phần tử nổi dậy ở Ápganixtan và Irắc. Bước tiếp theo của quân đội Mỹ là sẽ chuyển đổi toàn bộ quân đội Mỹ thành một “siêu lực lượng”.
Tuy nhiên, với việc Chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao nước Mỹ lại phải đầu tư quá nhiều cho việc phát triển những cỗ máy giết người nguy hiểm nhất thế giới như vậy?