Những "chim sắt" khét tiếng trên chiến trường thế giới

Những chiếc máy bay chiến đấu phản lực góp phần không nhỏ trong thắng lợi của các cuộc chiến. Trong số đó, nhiều chiếc đã đi vào huyền thoại như: Mustang P-51, MiG-15, F-86 hay F-4 Phantom...

10. F/A-22 Raptor

Lockheed Martin F-22 Raptor (Chim ăn thịt) là một máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ 4.

Ban đầu, nó được thiết kế để trở thành một máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không trước không quân Liên Xô, nhưng được trang bị cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất, trinh sát và tác chiến điện tử.

 

Với giai đoạn phát triển bị kéo dài, nguyên mẫu loại máy bay này được định danh YF-22, sau đó là F/A-22 trong suốt ba năm, trước khi chính thức phục vụ Không lực Mỹ vào tháng 12/2005 với tên F-22A.

Lockheed Martin là nhà thầu chính và chịu trách nhiệm chính về khung, hệ thống vũ khí, và lắp ráp chiếc F-22. Boeing cung cấp cánh, khung thân, cánh đuôi và các hệ thống điện tử tích hợp.

F-22 được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt lần hai Pratt & Whitney F119-PW-100 tích hợp ống xả điều chỉnh hướng phụt.

Hướng điều chỉnh luồng khí chỉ theo chiều lên xuống, với tầm thay đổi ±20 độ. Lực đẩy tối đa được bảo mật.

Tốc độ tối đa được ước tính là Mach 1,72 khi bay ở chế độ tuần tiễu siêu thanh và không mang vũ khí ngoài.

Khi sử dụng các buồng đốt hai lần, tốc độ của nó lớn hơn Mach 2,0 (tương đương 2.120 km/h). Raptor có thể dễ dàng vượt quá các hạn chế tốc độ thiết kế, đặc biệt ở tầm thấp; cảnh báo tốc độ tối đa.

Các hệ thống điện tử gồm hệ thống cảnh báo ra đa (RWR) AN/ALR-94 của BAE Systems E&IS (trước là Sanders Associates), ra đa AN/APG-77 ăng ten mảng quét điện tử chủ động (AESA) của Raytheon và Northrop Grumman, là loại ra đa quét tích cực có tính năng tốt nhất hiện nay, bắt được các mục tiêu tầm xa mà tín hiệu ít bị phát hiện bởi máy bay địch.

Về trang bị vũ khí, Raptor có một pháo nòng quay M61A2 Vulcan 20 mm và tên lửa không đối không như AIM-120D AMRAAM.

9. Sea Harrier FA2

Sea Harrierlà loại máy bay phản lực cất hạ cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL/STOVL) của Hải quân Anh. Nó có chức năng của máy bay tiêm kích, trinh sát và tấn công, là một thiết kế phát triển dựa vào loại Hawker Siddeley Harrier.

Loại máy bay này bắt đầu phục vụ trong Hải quân Hoàng gia Anh vào tháng 4/1980 với tên gọi Sea Harrier FRS.1. Nó còn có tên gọi khác là "Shar". Phiên bản cuối cùng được gọi là Sea Harrier FA2.

 

FA2 được đề cao với ra đa Blue Vixen. Loại ra đa được miêu tả như một trong số nhiều hệ thống ra đa xung doppler tiên tiến trên thế giới.

Blue Vixen được là cơ sở để phát triển ra đa CAPTOR của Eurofighter Typhoon. FA2 mang tên lửa AIM-120 AMRAAM và là máy bay đầu tiên của Vương quốc Anh có khả năng mang loại tên lửa này.

Một vài thông số kỹ thuật của FA2: chiều dài là 14,2 m; sải cánh 7,6 m với diện tích 18,68 m2. Trọng lượng rỗng của FA2 là 6,4 tấn và trọng lượng tối đa là gần 12 tấn.

FA2 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt đẩy Rolls-Royce Pegasus 95,64 kN. Nó giúp FA2 đạt vận tốc tối đa là 1026 km/h với trần bay là 16 km.

Về trang bị vũ khí: FA2 có 2 pháo 30 mm ADEN, mang bom WE.177 và các tên lửa: AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM, R550 Magic và Sea Eagle.

8. Sopwith Camel

Sopwith Camel là kiểu máy bay tiêm kích một chỗ ngồi được Không quân Hoàng gia Anh (RAF) sử dụng trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Đây là kiểu máy bay được đánh giá là tốt và hiện đại nhất trong thời kì này với thành tích bắn hạ 1.294 máy bay của phe Liên minh.

 

Sopwith Camel được thiết kế nhằm mục đích thay thế kiểu Sopwith Pup đang dần trở nên lỗi thời, đồng thời làm chấm dứt ưu thế trên không của không quân đế quốc Đức.

Mẫu thử nghiệm đầu tiên của kiểu máy bay này đã cất cánh vào tháng 12/1916, với động cơ Clerget 9Z 110 mã lực. Khi mới ra đời, nó được gọi là “Big Pup”.

Cái tên “Camel” (Lạc đà) đến từ phần nhô lên trên thân máy bay, chứa hai khẩu súng máy Vickers 7,7 mm có thể bắn nhanh xuyên qua cánh quạt trước.

Sopwith Camel là kiểu máy bay đầu tiên của không quân Hoàng gia Anh được lắp súng máy kế nhau phía trước buồng lái. Kiểu trang bị hỏa lực này sau đó trở thành tiêu chuẩn cho các máy bay Anh trong suốt 20 năm.

Một vài đặc tính kỹ thuật của Camel: chiều dài 5,71 m, sải cánh 8,53 m với diện tích bề mặt là 21,46 m2. Trọng lượng không tải của Camel là 420 kg, tối đa là 660 kg.

Camel được trang bị động cơ cánh quạt 9 xi lanh Clerget 9B có sức đẩy 130 mã lực, giúp đạt tốc độ tối đa là 185 km/h. Trần bay của Camel là 6,4 km với tầm hoạt động 485 km.

Trang bị vũ khí của Camel hơi nghèo nàn với hai khẩu súng máy Vickers 7,7 mm.

7. Me 262 Schwalbe

Messerschmitt Me 262 Schwalbe (tiếng Đức, nghĩa là Chim nhạn) là máy bay phản lực do Đức chế tạo đầu tiên trên thế giới .

Nó được sản xuất trong chiến tranh thế giới II và được biên chế trong các đơn vị của Đức năm 1944 với vai trò là máy bay ném bom hay trinh sát và máy bay tiêm kích hay đánh chặn.

Nó được đặt tên chính thức là Schwalbe, bởi vì chim nhạn là loại chim rất nhanh với tốc độ lao xuống tấn công con mồi và tiêu diệt mục tiêu.

 

Những phi công Đức đặt tên cho nó là Turbo, trong khi quân đồng minh lại gọi nó là Chim báo bão.

Mặc dù có tác động không đáng kể nào trong Thế chiến, nhưng mẫu thiết kế của Me 262 có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển máy bay chiến đấu từ sau chiến tranh.

Có hàng chục phiên bản "hậu duệ" của Me 262 được phát triển: A-1a Schawalbe với các mẫu U1,U2, U3, U4 với trang bị tăng tiến dần.

Từ U1 với 6 khẩu pháo: 2 pháo Mg 151 20 mm, 2 pháp Mk 103 30mm và 2 pháo MK 108 mm; cho đến U2 với radar FuG 220 Lichtenstein NS2 và mẫu U4 với 2 pháo chống tăng 50 mm ở mũi.

Một vài thông số kỹ thuật của Me 262: chiều dài 10,6 m, sải cánh 3,5 m với diện tích 21,7 m2. Chiều cao của Me 262 là 3,5 m. Trọng lượng rỗng của Me 262 là 3.800 kg, trọng lượng tối đa là 7.130 kg.

Me 262 được trang bị hai động cơ phản lực Junkers Jumbo 004B-1 công suất 8,8 kN giúp nó đạt vận tốc cực đại là 870 km/h. Trần bay của Me 262 là 11,45 km.

6. Supermarine Spitfire

Supermarine Spitfire là kiểu máy bay tiêm kích một chỗ ngồi được Không quân Hoàng gia Anh và nhiều nước Đồng Minh sử dụng trong Thế Chiến II đến tận những năm 1950.

Nó được sản xuất với số lượng nhiều hơn cả trong các kiểu thiết kế của Đồng Minh và là máy bay duy nhất của Đồng Minh được sản xuất từ lúc bắt đầu Thế Chiến II cho đến sau khi chiến tranh kết thúc.

Có đến 24 phiên bản của chiếc Spitfire và nhiều tiểu biến thể, từ kiểu động cơ Rolls-Royce Merlin đến kiểu Rolls-Royce Griffon, các phiên bản trinh sát hình ảnh tốc độ cao và các cấu hình cánh khác nhau.

 

Chiếc Spitfire phiên bản Mk V là kiểu thông dụng nhất với 6.479 chiếc được chế tạo. Tiếp theo là 5.665 chiếc phiên bản Mk IX.

Nhiều kiểu cánh khác nhau và hằng loạt các vũ khí khác nhau được trang bị cho đa số các phiên bản: kiểu cánh A trang bị tám súng máy 8 mm, kiểu cánh B có bốn súng máy 8 mm và hai khẩu pháo Hispano-Suiza HS.404 20 mm và kiểu cánh C có thể gắn bốn pháo 20 mm hoặc hai pháo 20 mm và bốn súng máy 8 mm.

Một vài thông số kỹ thuật của Spit Fire: chiều dài 9,12 m với độ cao 3,86 m. Nó có sải cánh 11,23 m với diện tích 22,48 m2. Trọng lượng không tải của SpitFire là 2.309 kg; trọng lượng tối đa là 3.071 kg.

Spit Fire được trang bị một động cơ Rolls-Royce Merlin-45 V12 siêu tăng áp mạnh mẽ với công suất 1.470 mã lực. Động cơ giúp cho nó đạt vận tốc tối đa là 605 km/h. Bán kính chiến đấu của nó là 760 km với trần bay là 11,3 km.

Trang bị vũ khí của Spit Fire là 2 pháo tự động Hispano-Suiza HS 404 20 mm với 60 viên đạn mỗi khẩu cùng bốn súng máy Browning M1919 7,7 mm với 350 viên mỗi khẩu. Đặc biệt là Spit Fire có thể mang theo 200 kg bom.

5. MiG 15

Mikoyan-Gurevich MiG-15 (tên NATO đặt là "Fagot") là một loại máy bay chiến đấu phản lực được Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich thiết kế và phát triển cho Liên Xô (USSR). MiG-15 là một trong những máy bay phản lực thành công với cánh xuôi.

Mig-15 đạt được thành công vang dội đầu tiên trên bầu trời Triều Tiên. Thời kỳ đầu của cuộc chiến, nó đã hạ gục mọi loại máy bay cánh thẳng của đối thủ.

 

MiG-15 là điểm khởi đầu cho sự phát triển MiG-17, loại phản lực tiên tiến hơn nhằm đối chọi với máy bay Mỹ trong chiến tranh Việt Nam những năm 1960.

Số lượng MiG-15 được sản xuất nhiều nhất trên thế giới, với 12.000 chiếc (theo một số thống kê ngoài lề thì con số có thể lên tới 18.000 chiếc).

MiG-15 có số lượng biến thể tương đối lớn: từ những mẫu Mig-15 SB, SP-5, bisR, bisS hay Lim-1,2 do Ba Lan sản xuất, hoặc S-102,103 của Tiệp Khắc.

Một vài thông số kỹ thuật của Mig-15: Chiều dài đạt 10,11 m cùng chiều cao 3,7 m. Sải cánh của nó là 10,08 m với diện tích 20,6 m2. Trọng lượng rỗng của Mig-15 là 3.580 kg và trọng lượng tối đa là 6.105 kg.

Nó được trang bị động cơ phản lực Klimov VK-1 có công suất 26,5 kN. Động cơ khỏe giúp Mig-15 đạt vận tốc cực đại là 1.075 km/h. Tầm hoạt động khá rộng, 1.200 km với trần bay lên đến 15,5 km.

Về trang bị vũ khí, Mig-15 có 2 pháo Nudelman-Rikhter NR-23KM với 80 viên đạn mỗi súng. Một pháp NL-37D với 40 viên đạn. Khả năng chở bom lên đến 220 kg.

4. North American F-86 Sabre

North American F-86 Sabre là một máy bay chiến đấu siêu âm được chế tạo cho Không quân Mỹ trong những năm 1940 sau khi kết thúc Thế Chiến II.

Nó là một trong những máy bay tiêm kích phản lực được các nước Phương Tây sản xuất với số lượng nhiều nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

 

Một biến thể của chiếc F-86 được sản xuất tại Canada dưới tên gọi Canadair Sabre và được bố trí tại không lực của nhiều nước thuộc Khối NATO ngoài Canada.

F-86 Sabre có nhiều phiên bản được phát triển: XF-86 là kiểu nguyên mẫu, sau đó là YF-86A với động cơ phản lực General Electric J47.

Những phiên bản sau như F-86B với thân rộng, bánh đáp lớn hay F-86D với khung thân máy bay lớn để chứa vòm ra đa và động cơ lớn hơn.

F-86 Sabre là chiếc chiến đấu cơ được rất nhiều không quân các nước sử dụng, trải khắp châu Mỹ, châu Âu và Châu Úc, Nam Á.

Một vài đặc điểm kỹ thuật của Sabre: chiều dài thân là 11,4 m với chiều cao 4,5 m. Sải cánh là 11,3m với trọng lượng tải 6.300 kg. F-86 được trang bị một động cơ phản lực General Electric J47 Turbo với lực đẩy 24 kN.

Điều này giúp nó đạt vận tốc tối đa là 1100 km/h với trần bay gần 15 km. Trang bị vũ khí của F-86 tùy từng phiên bản, nhưng mẫu gốc có 6 súng máy 12,7 mm.

3. F-4 Phantom

F-4 Phantom là một loại máy bay tiêm kích-ném bom tầm xa siêu âm hai chỗ ngồi hoạt động trong mọi thời tiết được hãng McDonnell Douglas thiết kế chế tạo. Phantom được dùng trong quân đội Mỹ từ năm 1960 đến năm 1996.

Nó là máy bay tiêm kích ưu thế trên không chủ yếu cũng như máy bay chiến đấu ném bom chính của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam.

 

F-4 cũng được trang bị cho quân đội của nhiều nước khác. Cho đến năm 2001 vẫn còn hơn 1.000 máy bay F-4 đang được sử dụng ở 11 nước trên toàn thế giới.

Mặc dù có kích thước khổng lồ và trọng lượng cất cánh tối đa lớn (27.000 kg), F-4 vẫn có khả năng đạt đến tốc độ siêu âm Mach 2,23 và có thể lên cao được 210 mét mỗi giây. Chỉ một thời gian ngắn sau khi giới thiệu,

F-4 đã lập 16 kỷ lục thế giới, bao gồm kỷ lục tốc độ bay tuyệt đối 2.585,086 km/h và độ cao kỷ lục 30.040 m.

F-4 Phantom có nhiều phiên bản: từ chiếc F-4A, B, J, N dành cho Hải quân và Thủy quân lục chiến của Mỹ cho đến F-110 Spectre với một khẩu pháo M61 Vulcan.

Một phiên bản của quân đội Anh là F-4K, M được trang bị động cơ turbo quạt ép Rolls-Royce Spey hay phiên bản trinh sát F-4X có tốc độ Mach 3.

Một vài đặc điểm kỹ thuật của Phantom: chiều dài 19,2 m cùng chiều cao 5 m. Sải cánh 11,7 m với diện tích bề mặt là 49,2 m2. Trọng lượng không tải của Phantom là 13.757 kg và trọng lượng tối đa là 16.706 kg.

Điểm đáng lưu ý là động cơ mạnh mẽ của Phantom: 2 động cơ General Electric J79-GE 17 A với lực đẩy tới 79,6 kN.

Động cơ khỏe giúp Phantom F-4 đạt vận tốc tối đa là Mach 2,23 (2.370 km/h) ở độ cao 12,2 km. Trần bay của F-4 là 18 km với tốc độ lên cao là 210 m/s. Vì to lớn mà Phantom cần đường băng cất cánh dài, khoảng 1,4 km.

2. F-15C Eagle

F-15 Eagle (Đại bàng) của hãng McDonnell Douglas là một kiểu máy bay tiêm kích chiến thuật hoạt động trong mọi thời tiết, được thiết kế để chiếm lĩnh và duy trì ưu thế trên không trong chiến đấu.

Nó được phát triển cho Không quân Mỹ và bay lần đầu tiên vào ngày 27/7/1972.

Điểm đặc biệt của F-15 ở hệ thống điện tử đa nhiệm gồm một hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay (HUD), ra đa tân tiến, hệ thống dẫn đường quán tính (INS), các công cụ bay, liên lạc tần số cực cao (UHF), và những bộ tiếp nhập Hoa tiêu Chiến thuật trên không (TACAN) và hệ thống Công cụ Hạ cánh (ILS).

 

Ngoài ra, nó còn có một hệ thống tác chiến điện tử tích hợp, hệ thống "nhận dạng bạn thù", thiết bị ứng phó điện tử và một máy tính số trung tâm.

F-15 Eagle được sử dụng chủ yếu trong không quân Mỹ với hơn 500 chiếc, Nhật Bản với khoảng 300 chiếc, Israel với 25 chiếc mua của Mỹ và Ả Rập Saudi với 60 chiếc.

Một vài đặc điểm kỹ thuật của F-15 Eagle: chiều dài 19,44 m cùng chiều cao 5,6 m. Sải cánh ngắn chỉ 13m với diện tích 56,5 m2. Trọng lượng không tải của F-15 là 12.700 kg và trọng lượng tối đa là 30.845 kg.

F-15 được trang bị 2 động cơ Pratt & Whitney F-229 turbo với cánh quạt có tăng áp, tạo lực đẩy 77,6 kN. Điều này giúp F-15 đạt vân tốc cực đại ở độ cao thấp là Mach 1,2 (1.450 km/h) và Mach 2,5(3.018 km/h) ở cao độ cao. Trần bay của F-15 là 20 km.

Trang bị vũ khí của F-15 Eagle là một pháo gatling M61 Vulcan 20 mm gắn trong thân với 940 quả đạn. Ngoài ra, còn trang bị các tên lửa không đối không như AIM-7F Sparrow, AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Sidewinder.

1. P-51 Mustang

North American P-51 Mustang là một kiểu máy bay tiêm kích Mỹ một chỗ ngồi tầm xa được đưa vào sử dụng trong không lực các nước Đồng Minh vào giữa các năm Thế chiến II.

Chiếc P-51 trở nên một trong những kiểu máy bay nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh.

Được thiết kế, chế tạo và bay thử chỉ trong vòng 117 ngày, P-51 thoạt tiên phục vụ cho Không quân Hoàng gia Anh như một máy bay tiêm kích-ném bom và trinh sát, trước khi chuyển sang vai trò máy bay tiêm kích hộ tống ném bom bên trên lãnh thổ Đức, giúp duy trì ưu thế trên không của phe Đồng Minh từ đầu năm 1944.

 

Cho dù là một máy bay có giá thành chế tạo thấp, Mustang là một kiểu máy bay nhanh, được chế tạo tốt và rất bền bỉ. Phiên bản cuối cùng P-51D của chiếc tiêm kích một chỗ ngồi này được trang bị động cơ 12 xy-lanh Packard V-1650-3, có siêu tăng áp hai tầng hai tốc độ, một phiên bản do Packard chế tạo của kiểu động cơ Rolls-Royce Merlin huyền thoại, và trang bị sáu súng máy M2 Browning 12,7 mm.

Sau Thế Chiến II và Chiến tranh Triều Tiên, nhiều chiếc Mustang được chuyển sang sử dụng dân sự, đặc biệt là trong các cuộc đua hàng không. Danh tiếng Mustang lớn đến mức, nhà thiết kế John Najjar của hãng xe Ford đã đề nghị đặt cái tên máy bay cho mẫu xe thể thao Ford Mustang.

P-51 Mustang phục vụ trong quân đội của hơn 55 nước. Đầu tiên là Không quân hoàng gia Anh với những mẫu P-51 nguyên thủy. Hàng loạt các nước khác như Pháp, Đức, Ba lan, Ý, Australia, Thụy Điển, Nhật Bản và Trung Quốc cũng từng sử dụng loại máy bay này.

Một vài đặc điểm kỹ thuật của P-51 Mustang: chiều dài 9,83 m cùng chiều cao 4,17 m. Sải cánh trung bình 11,28m với diện tích 21,83 m2. Trọng lượng không tải của Mustang là 3.465 kg và trọng lượng tối đa là 5.490 kg.

P-51 được trang bị động cơ Packard Merlin V-1650 V-12 siêu tăng áp, làm mát bằng nước với công suất 1.265 kW. Điều này giúp máy bay đạt vận tốc lớn nhất là 703 km/h với trần bay 12,7 km.

Về trang bị vũ khí, Mustang P-51 được gắn 6 súng máy Browning M2 12,7 mm với 400 viên đạn mỗi khẩu. Nó có thể mang gần 1 tấn bom và 10 quả rocket 127 mm.

Điều đặc biệt cuối cùng là tẩm ảnh hưởng của Mustang P-51 trong văn hóa đại chúng, khi nó được lấy làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm điện ảnh: phim Ladies Courageous về một nữ phi công lái máy bay ném bom P-51, hay phim Dragonfly Squadon về chiến tranh Triều Tiên.

Đặc biệt là bộ phim Đế quốc mặt trời mọc của Steven Spielberg với cảnh ba chiếc P-51D tấn công và phá hủy một sân bay Nhật hay phim Giải cứu binh nhì Ryan, hai chiếc P-51D tấn công và tiêu diệt xe tăng Đức Tiger I.

Xếp hạng 10 chiếc máy bay chiến đấu phản lực có thể còn chưa khái quát hết toàn bộ những đóng góp của những chiếc máy bay chiến đấu khác, từ nhiều quốc gia khác nhau cũng có những tiềm lực quân sự mạnh.

Tuy nhiên, nó đã điểm mặt những máy bay thực sự có tầm ảnh hưởng lớn, thể hiện chủ yếu qua các cuộc Chiến tranh thế giới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại