Dưới đây là bài viết của nhà báo David Axe trên tờ The Daily Beast (Mỹ):
Mỹ cắt giảm số lượng tàu LCS
Tàu tác chiến cận bờ (LCS) được xem như đại diện cho tương lai của các tàu chiến cỡ nhỏ, tốc độ cao và linh hoạt. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là chương trình gây tranh cãi vì những thiếu sót lớn và nghi vấn về độ tin cậy.
Sau nhiều năm tiêu tốn hàng tỷ USD cho chương trình này, Hải quân Mỹ đang thu hẹp kế hoạch xây dựng một hạm đội gồm các tàu như vậy để tuần tra gần bờ. Chương trình LCS đã mắc phải nhiều lỗi thiết kế, hệ thống quản lý kém và các trục trặc kỹ thuật.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ không vui vẻ gì khi phải cắt giảm quy mô hạm đội.
Quyết định giảm số lượng tàu LCS từ 52 xuống 40 chiếc và không khoán cho 1 nhà máy duy nhất để đóng toàn bộ số tàu này đã phản ánh những tranh cãi đang diễn ra trong Lầu Năm Góc về chiến lược quân sự của Mỹ.
Chiến hạm USS Independence (LCS-2) thuộc lớp Independence.
Một bên là những người ủng hộ chiến lược “tăng cường hiện diện” của các nhà hoạch định kế hoạch quốc phòng Mỹ.
Theo chiến lược này, Mỹ sẽ bố trí nhiều binh sĩ, các loại máy bay, tàu chiến không quá đắt đỏ đến gần các “điểm nóng” trong khu vực để trấn an đồng minh của Mỹ và xua đuổi kẻ thù. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp ngăn cản chiến tranh mà không cần nổ súng.
Trong khi đó, bên đối lập là những người đề cao “khả năng chiến đấu” của con tàu.
Họ muốn quân đội Mỹ tập trung bố trí các lực lượng, hệ thống vũ khí tinh vi hơn (dù kéo theo đó là số lượng ít hơn và đắt đỏ hơn) ngay tại Mỹ, cũng như các căn cứ quân sự chủ chốt của Washington ở nước ngoài.
Mỹ sẽ duy trì số binh sĩ và vũ khí này cho tới khi một cuộc chiến thực sự bùng nổ và quân đội Mỹ buộc phải hành động kiên quyết.
Quyết định cắt giảm tàu LCS là chiến thắng dành cho bên đối lập và là dấu hiệu cho thấy một chuyển biến mới đang diễn ra trong chiến lược của Mỹ, từ kế hoạch triển khai quân sự quy mô lớn, dài hạn sang hướng tiếp cận cẩn trọng và dè dặt hơn.
Chiến hạm USS Freedom (LCS-1) lớp Freedom.
Yêu cầu cắt giảm chương trình LCS do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (bên đối lập) đưa ra trong thông báo ngày 14/12 gửi tới Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus (bên ủng hộ).
Trong đó, ông Carter tuyên bố Hải quân Mỹ không thể nhận được số tàu LCS như mong muốn và chỉ đạo ông Mabus trích một khoản trong số gần 5 tỷ USD dùng để đóng thêm tàu sang đầu tư cho các chương trình máy bay chiến đấu, tên lửa và máy bay không người lái.
Ông Carter cho rằng những vũ khí này sẽ “có khả năng cần thiết để đánh bại các đối thủ của Mỹ, thậm chí là những đối thủ có trang bị tiên tiến nhất”.
Hải quân Mỹ vốn định dựa vào 52 tàu LCS để tăng khả năng hoạt động tại các vùng nước nông ven biển, giảm thiểu chi phí sức người (thủy thủ đoàn của LCS là 75 người) và tăng số lượng tàu tiền tuyến từ 282 lên đến hơn 300 tàu vào năm 2019.
Dự đoán, quyết định cắt giảm số lượng các tàu LCS sẽ làm giảm nhẹ tốc độ phát triển của Hải quân Mỹ.
Tai tiếng và thất bại
Được phát triển từ những năm 1990, chương trình LCS đã gặp phải quá nhiều tai tiếng, thất bại và những vấn đề đáng xấu hổ.
Ban đầu, chi phí cho mỗi tàu ước tính vào khoảng 500 triệu USD. Song, công tác thiết kế mẫu tàu này kéo dài hơn so với kế hoạch.
Ngoài ra, thay vì khoán cho một nhà máy duy nhất đóng tàu LCS, Mỹ lại lựa chọn 2 công ty Lockheed Martin và Austal để mỗi bên chế tạo 1 phiên bản riêng của LCS.
Chiến lược xây dựng này dẫn tới việc 2 phiên bản tàu khác nhau đòi hỏi các chương trình huấn luyện thủy thủ, hậu cần riêng, gây tốn kém và lãng phí.
Tệ hơn nữa, khi những con tàu dài hơn 120m này đi vào hoạt động năm 2008, Hải quân Mỹ đã phát hiện ra nhiều vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Những chiếc tàu đầu tiên gỉ sét quá nhanh. Pháo chính trên tàu rung lắc quá mạnh nên không thể bắn thẳng.
Hải quân Mỹ muốn LCS có kết cấu “module”, kết hợp nhiều hệ thống cảm biến và vũ khí để phục vụ nhiều loại nhiệm vụ như chống ngầm, thủy lôi, chống tàu chiến mặt nước.
Tuy nhiên 7 năm sau, khi chiếc USS Freedom (LCS-1) do Lockheed chế tạo di chuyển tới cảng nhà ở San Diego, Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu này.
Thậm chí nếu có module, trang bị trên tàu LCS vẫn bị đánh giá là còn yếu, với 1 pháo 57mm và một số ít tên lửa tầm ngắn.
Điều này thúc đẩy Hải quân Mỹ lên kế hoạch bổ sung thêm tên lửa cho một số tàu LCS, song chúng vẫn chưa thấm vào đâu so với các tàu khu trục và tuần dương cỡ lớn của Hải quân Mỹ (với pháo 127mm và khoảng 100 tên lửa chống hạm tầm xa).
Những chiếc tàu mới cũng tỏ ra không đáng tin cậy. Hiện nay, Hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế 6 tàu LCS. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm, mới có vài chiếc hoàn thành 2 đợt triển khai ít ỏi ở nước ngoài.
Trong khi đó, tính trung bình, với khoảng thời gian như vậy, 6 tàu LCS của Hải quân Mỹ (dù thuộc phiên bản nào) cũng cần phải thực hiện tới 12 đợt triển khai.
Bên trong chiến hạm USS Milwaukee Hải quân Mỹ vừa biên chế ngày 21/11.
Sự cố “đáng xấu hổ” mới nhất của Hải quân Mỹ xảy ra vào ngày 11/12, chiếc USS Milwaukee (LCS-6) đã gặp vấn đề khi đang di chuyển từ nhà máy đóng tàu Wisconsin (Lockeed) tới Florida.
Hải quân Mỹ đã phải huy động tàu kéo để đưa USS Milwaukee về căn cứ ở Virginia sửa chữa.
Chỉ 3 ngày sau sự cố, ông Carter yêu cầu hủy bỏ kế hoạch đóng 12 tàu LCS và cảnh báo rằng 1 trong 2 công ty thi công sẽ bị loại khỏi chương trình này.
Khách quan mà nói thì quyết định cắt giảm đã phải được Bộ trưởng Quốc phòng cân nhắc trong nhiều tháng và không thật sự là do sự cố của tàu Milwaukee.
Song, thông báo của ông Carter lại châm ngòi cho một cuộc tranh luận mới giữa 2 phía ủng hộ và phản đối chương trình này.
“Quá sốc” là những gì mà cựu Đại úy Hải quân Mỹ Jerry Hendrix mô tả thông báo của ông Carter.
Trong khi đó, theo chuyên gia hải quân Norman Polar, sự thay đổi này sẽ có lợi cho nước Mỹ và lực lượng hải quân của họ.
“Số lượng quan trọng nhưng cũng cần phải có khả năng tác chiến mạnh mẽ” – Polar nói.
Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm 12 tàu LCS giúp tiết kiệm hàng tỷ USD. Polar cho rằng Hải quân Mỹ cần khẩn trương thiết kế một mẫu tàu chiến có kích cỡ tương đối nhỏ nhưng bền bỉ hơn và được vũ trang mạnh hơn.