Nền võ thuật cổ truyền ấy được gọi là “võ trận”, võ chiến đấu, dùng để tiêu diệt kẻ thù khỏe hơn, to lớn hơn nên nó không có sự hoa mỹ, thừa thãi. Võ đặc công là môn tổng hợp, kết tinh từ nhiều miếng võ, bài võ của các môn phái khác nhau…
Đó là lời của Đại tá Dương Trọng Tâm, Chính ủy Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công), người có thâm niên hơn ba mươi bảy năm gắn bó với những người lính đặc biệt này.
Bóng cờ đổ dài trên sân tập, anh em Liên đội 57 gồm các lực lượng trinh sát, đặc nhiệm, chống khủng bố xếp thành hai hàng ngang đi quyền, sau đó chuyển bài đánh địch bằng tay không, đánh địch có vũ khí, tốp địch sử dụng vũ khí.
Chúng tôi trầm trồ, thực như mãnh long quá giang, vừa nhu vừa cương, biến đổi khôn lường, những động tác tưởng đơn giản mà khắc chế đối phương trong nháy mắt rồi ra tay tiêu diệt nhanh gọn...
Trung úy Phạm Văn Quốc, chiến sĩ đặc nhiệm chia sẻ: "Bọn em phải rèn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu một cách kỹ càng. Với quan niệm võ thuật đóng vai trò chủ đạo, kỹ chiến thuật làm then chốt, nên để trở thành một chiến đấu viên giỏi, em luôn cố gắng học thật tốt, không những từ thầy mà còn từ đồng chí đồng đội, tranh thủ tìm hiểu thêm các môn võ cổ truyền của dân tộc...".
Các chiến đấu viên Lữ đoàn đặc công 113.
Quốc đứng lên biểu diễn cho tôi xem một thế khóa, quật địch ngã nghiêng và tiêu diệt của đặc công, sau đó chuyển qua một thế cổ truyền, cùng một kiểu tiêu diệt đối phương nhưng thế đặc công hiểm hơn, dứt khoát, nhanh gọn và bất ngờ, tính thực dụng trong cận chiến cao hơn.
Quốc cười: "Văn ôn, võ luyện, mỗi ngày bọn em phải luyện tập từ kẻng báo thức tới khi lên giường đi ngủ, một động tác làm đi làm lại đến khi thuần thục, thành kỹ năng".
Rồi Quốc nói thêm, tập luyện là vậy, nhưng để có được thành quả, người chiến sĩ đặc công phải có tinh thần “thép”, ý chí, nghị lực vô cùng lớn. Quá trình rèn luyện võ thuật cũng như kỹ chiến thuật, trong phạm trù khả năng con người phải ở mức “ngưỡng” và vượt “ngưỡng”.
Muốn giỏi võ thì không sợ đau, sợ khổ, kỹ chiến thuật đặc công thì phải cực kỳ nhẫn nại, chiến thắng được nhiều yếu tố khách quan như địa hình, thời tiết, côn trùng… và quan trọng là chiến thắng chính mình.
Rời bộ phận luyện võ, chúng tôi leo lên ngọn Thằn Lằn, để nhập vào một khung cảnh khác: Những chiến sĩ đang trình diễn kỹ thuật gỡ mìn, khắc phục địa hình, leo tường, đột nhập hàng rào dây thép gai diệt địch trong lô cốt.
Những thân hình trẻ trung, đầy sức sống với áo cộc, quần cộc trườn, bò trên gạch đá, mảnh chai mảnh sành sắc nhọn như không...
Vừa lúc đó, khẩu lệnh đứng dậy từ người chỉ huy phát ra, chúng tôi ngỡ ngàng, một dải cỏ mật, cỏ chông vụt lên trước mặt-thì ra các chiến sĩ khoác áo cỏ đã nằm đây từ rất lâu, trong im lặng tuyệt đối, đi sát bên cạnh, không thật để ý sẽ không thể nhận biết được.
Bất ngờ hơn nữa, cạnh những đống than, đống đất ngay lối lên cũng vụt dậy những “bức tượng” người. Ngắm nhìn những thân người hòa lẫn trong màu đất, màu than, màu cỏ quyện vào nắng đã nhạt mà tưởng không gian chậm lại trong xúc cảm đẹp đẽ.
Các chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công 113 (Binh chủng Đặc công) trong giờ huấn luyện. Ảnh: MINH TRƯỜNG
Tôi nhớ lời nói ngắn gọn, khúc chiết của vị Chính ủy Lữ đoàn: "Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi, cái tài và giỏi của người chiến sĩ đặc công là nhờ vào sự khổ luyện.
Với các binh chủng khác, vũ khí ngày càng hiện đại, nhưng với những người lính đặc công, phương tiện chiến đấu lại luôn đơn giản như tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo, dao găm... cộng một ý chí và bản lĩnh thép để làm nên chiến thắng".
Hỏi ra mới biết anh chàng da ngăm ngăm, bắp tay, khuôn ngực vồng lên rắn chắc vừa trả lời tôi tên là Vũ Tuấn Ngọc, trung sĩ thuộc Mũi 1, Đội 2, Liên đội 27 quê ở thành phố Vĩnh Yên, cách đơn vị gần hai mươi cây số.
Ngọc nhập ngũ hơn hai năm, thuộc diện chờ đi đào tạo chuyển quân nhân chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong quân đội. Tôi bước đến gần và nắm lấy tay em, một bàn tay chai sần, hơi khô.
Để trở thành những người lính đặc công giỏi thì đôi tay của họ phải thường xuyên cứng cỏi khi cầm cuốc, xẻng, những dụng cụ lao động thô sơ nhất đào hầm hào, công sự; những bàn tay ấy cũng phải thật linh hoạt khi thao tác kỹ thuật trên vũ khí trang bị, khi luyện võ.
Và, đôi mắt phải thật sáng để nhìn rõ kẻ thù ẩn nấp trong đêm tối. Tôi mê mải trong dòng suy nghĩ ấy nên nắm tay Ngọc hơi lâu, em rút tay lại, hơi bẽn lẽn: "Bọn em xác định rồi anh ạ, được vào bộ đội đặc công là vinh dự lắm, nên trong mũi của em ai cũng hồ hởi, huấn luyện tốt, chấp hành kỷ luật thật nghiêm".
Còn chiến sĩ Sái Minh Tú, người Vĩnh Yên cho biết, em đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Khoa Quản lý Văn thư lưu trữ, nhân có đợt xét tuyển vào đặc công nên viết đơn tình nguyện.
Mới đầu cảm giác có chút gò bó, nhưng qua hơn một tháng nhập ngũ, em đã yên tâm phấn đấu thật tốt để được phục vụ lâu dài trong quân đội.
Về chiều, những đọt gió lành từ hồ Đại Lải tràn vào tạo cho tôi cảm giác lâng lâng. Bất giác, nghĩ về những dáng người đi dưới cỏ, những “siêu nhân” đầy huyền thoại trong những trận đánh năm xưa.
Chỉ với tấm lòng quả cảm, sự tinh thông võ nghệ, họ lẫn vào cỏ, vào bóng đêm để bò đến tận hang ổ của địch, sử dụng một lối đánh táo bạo, bất ngờ và vô cùng nguy hiểm “nở hoa trong lòng địch” mà diệt thù trong những trận công đồn, diệt hạm, phá kho tàng… với lối đánh truyền thống của dân tộc “lấy nhỏ thắng lớn, lấy đoản chế trường”, tạo nên danh tiếng của một binh chủng “đặc biệt”, tinh nhuệ bậc nhất, anh dũng bậc nhất.
Một ngày, khó có thể nói và hiểu hết về những chiến sĩ đặc công Lữ đoàn 113, tôi coi như một sự phác thảo, thêm một nét vẽ về họ, để yêu và thương hơn những con người của một binh chủng “đặc biệt tinh nhuệ”, những chàng trai “mình đồng da sắt” tài giỏi của quân đội và nhân dân ta…