Tổng quan về Tu-160
Tupolev Tu-160 Beliy Lebed (NATO định danh: Blackjack) là máy bay ném bom siêu âm chiến lược cánh cụp cánh xòe, được thiết kế bởi Cục thiết kế Tupolev vào những năm 1970.
Đây được coi là những kỳ hạm trên không của Không quân Chiến lược Nga, vốn đang vận hành bộ ba máy bay ném bom gồm Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160.
Bắt đầu được biên chế từ năm 1987, Tu-160 là loại máy bay ném bom chiến lược cuối cùng được thiết kế cho Không quân Liên Xô.
Ngày nay, Không quân Chiến lược Nga đang được trang bị 16 chiếc Tu-160, trong đó 12 chiếc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, 4 chiếc dành cho huấn luyện. Phi đội Tu-160 đã trải qua quá trình nâng cấp hiện đại hóa hệ thống điện tử từ đầu những năm 2000.
Chương trình Tu-160M đã cho ra những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2014.
"Thiên nga trắng" Tu-160 thực hành tiếp dầu trên không.
Những bí mật thú vị về Thiên nga trắng
Tu-160 là loại máy bay chiến đấu lớn và nhanh nhất thế giới
Dù có nhiều mẫu máy bay dân sự và máy bay vận tải quân sự có kích thước lớn hơn, Tu-160 được coi là loại máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới, cũng như là máy bay siêu âm lớn nhất và là loại máy bay sử dụng thiết kế cánh cụp cánh xòe lớn nhất thế giới.
Tu-160 có chiều dài 54,1m, sải cánh 35,6m (cụp 60 độ) đến 55,7m (xòe 20 độ), chiều cao 13,1m. Trong lượng rỗng của máy bay là 110 tấn, trong khi trọng lượng cất cánh tối đa là 275 tấn.
Trong lịch sử, chỉ có mẫu North American XB-70 Valkyrie có trọng lượng rỗng và tốc độ tối đa cao hơn. Ngoài máy bay vận tải, Tu-160 là mẫu máy bay quân sự có trọng lượng cất cánh cao nhất.
Động cơ Kuznetsov NK-321 của Tu-160 cũng là loại động cơ mạnh nhất từng được lắp lên máy bay chiến đấu. Ở chế độ thông thường, mỗi động cơ tạo ra lực đẩy khoảng 13,7 tấn.
Khi bật tăng lực tối đa, mỗi chiếc NK-321 có thể tạo ra lực đẩy 24,5 tấn. Với 4 động cơ NK-321, Tu-160 đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2,05, tương đương 2 lần tốc độ âm thanh.
Tu-160 là máy bay ném bom đầu tiên của Liên Xô có hệ thống fly-by-wire
Mẫu máy bay đầu tiên trang bị hệ thống fly-by-wire của Liên Xô là Sukhoi T-4, nhưng loại máy bay này chỉ có một mẫu thử nghiệm duy nhất. Các công nghệ từ T-4 sau đó được áp dụng lên Su-27, loại máy bay đầu tiên của Liên Xô trang bị hệ thống điều khiển fly-by-wire.
Song song với đó, Tu-160 cũng được trang bị hệ thống fly-by-wire. Điều đó làm giảm yêu cầu về thể lực đối với phi công điều khiển.
Một tác dụng phụ của việc sử dụng fly-by-wire chính là cần lái của Tu-160 được thiết kế tương tự các máy bay tiêm kích, thay vì là loại vô lăng sử dụng hai tay như các máy bay ném bom chiến lược khác như Tu-22M3 hay Tu-95MS.
Có hơn 100 máy tính được lắp đặt trên Tu-160 để điều khiển quá trình bay, cũng như nạp tham số cho tên lửa hành trình trước khi phóng.
Tu-160 là máy bay ném bom đầu tiên của Liên Xô được trang bị bếp điện và nhà vệ sinh
Với tầm bay tới 12.300km mà không cần tiếp nhiên liệu, Tu-160 có thể bay liên tục trong 12 giờ liền. Con số này còn cao hơn nữa nếu đội bay phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra hoặc bay tới những nơi xa xôi như từ Nga tới Venezuela.
Để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho phi công, Tu-160 được trang bị đầy đủ các tiện nghi như nhà vệ sinh và bếp điện, cũng như máy cung cấp nước nóng cho phi công.
Buồng lái của Tu-160.
Tu-160 là máy bay đầu tiên của Liên Xô trang bị hệ thống định vị vệ tinh
Hệ thống định vị này được thiết kế riêng cho Tu-160, thậm chí ra đời trước cả GPS của Mỹ và Glonass của Nga sau này.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine là nước sở hữu nhiều Tu-160 nhất
Tới năm 1990, mới chỉ có 35 chiếc Tu-160 được sản xuất. Khi Liên Xô tan rã, 19 trong tổng số 35 chiếc Tu-160 này đang đóng quân tại Pryluky (Ukraine). Quốc hội nước này ngay sau đó tuyên bố sẽ kiểm soát toàn bộ các đơn vị quân sự của Liên Xô trên lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, Trung đoàn ném bom cận vệ số 121 của Nga chỉ có 6 chiếc Tu-160 hoạt động vào năm 1994.
Tới giữa những năm 1990, Trung đoàn Pryluky đã mất khả năng chiến đấu. Toàn bộ 19 chiếc Tu-160 đều phải dừng bay vì không bảo đảm kỹ thuật. Ukraine có ý định bán số máy bay này cho Nga, nhưng mức giá 3 tỷ USD mà nước này đưa ra không được Nga chấp nhận.
Vào đầu năm 1998, Ukraine bắt đầu phá hủy các máy bay Tu-22M3 và Tu-160 theo thỏa thuận Nunn-Lugar với Mỹ.
Đã có 11 chiếc Tu-160 bị phá dỡ, 8 chiếc ở trong điều kiện kỹ thuật tốt nhất được Nga mua lại cùng 3 chiếc Tu-95MS và 575 tên lửa Kh-55 với tổng giá trị 285 triệu USD.
các máy bay ném bom chiến lược của nước này đã tiến hành những đợt không kích đầu tiên vào IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria.
Các máy bay ném bom tầm xa Tu-95, Tu-22 và Tu-160 đã cất cánh từ các sân bay của Nga và trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tu-160 và tên lửa Kh-55.
Mỗi chiếc Tu-160 đều mang một tên gọi riêng
Truyền thống đặt tên cho máy bay đã xuất hiện tại Liên Xô từ thời Thế chiến thứ hai. Nhưng Tu-160 mới là dòng máy bay được đặt tên đại trà.
Mỗi chiếc Tu-160 đều được đặt theo tên của một nhân vật có ảnh hưởng trong ngành hàng không Nga, như Tư lệnh Không quân Chiến lược Liên Xô Vasily Reshetnikov hay tổng công trình sư thiết kế động cơ NK-321 Nikolai Kuznetsov.