Trang Sina ngày 16/12 dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho hay trong năm nay hải quân Nhật Bản sẽ được biên chế máy bay tuần tra P1 sử dụng động cơ phản lực. Những chiếc P1 đã được vận chuyển tới căn cứ Atsugi hôm 10/12 vừa qua.
Theo Sina, trong văn kiện số 46 Nhật Bản quy đinh, trừ phi trong tình huống khẩn cấp, còn lại hải quân Nhật Bản không được sử dụng máy bay tuần tra động cơ phản lực, do đó động thái này có thể xem như Tokyo đang thay đổi chính sách trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku với Trung Quốc đang leo thang.
Trước đó, mặc dù hải quân Nhật Bản nhiều lần đề nghị thay thế máy bay tuần tra hiện có trong biên chế bằng dòng P1 do nước này chế tạo nhưng đều gặp khó khăn vì ràng buộc bởi văn bản 46.
Văn bản 46 được ban hành năm 1971 bởi cơ quan quân sự địa phương 2 thành phố Ayase và Yamato Yokohama áp dụng cho các đơn vị quân đội Nhật Bản và căn cứ quân sự Mỹ đóng trên địa bàn 2 thành phố này nhằm hạn chế tiếng ồn từ động cơ phản lực ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân bản địa.
Do đó hầu hết các máy bay quân sự sử dụng động cơ phản lực chỉ được cất cánh trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên dòng máy bay trinh sát P3C hiện nay đã quá cũ trong khi yêu cầu nhiệm vụ đối với hải quân Nhật Bản lại ngày một tăng cao, nên điều động P1 thay thế P3C đã được giới chức hải quân Nhật Bản tính đến.
Cả hai dòng máy bay trinh sát P3C và P1 đều có thể vừa đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát, vừa có khả năng tấn công tàu ngầm, tuy nhiên P3C đã phục vụ hơn 30 năm nên đã bộc lộ nhiều hạn chế.