Âm mưu của Bắc Kinh được tiết lộ trên trang japanmil của Nhật, theo đó TQ đang có ý định hỏi mua tuần dương hạm mạnh nhất thế giới lớp Kirov của Nga.
Thông tin động trời này ngay lập tức nhận được sự chú ý của dư luận, bởi Moscow cũng đang lên kế hoạch để đưa những chiếc tuần dương hạm lớp Kirov có từ thời Liên Xô quay lại biển cả.
Theo báo chí Nhật cho biết, Nga hiện có 3 chiếc tàu tuần dương hạt nhân mang tên lửa điều khiển lớp Kirov, trong tổng số 4 chiếc được chế tạo từ thời Liên Xô, đang dừng hoạt động và bỏ xó từ hàng thập kỷ trước, gồm các tàu: Đô đốc Nakhimov, Đô đốc Lazarev và Đô đốc Ushakov. Chiếc tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov duy nhất hiện đang hoạt động là Pyotr Veliky, tàu chỉ huy của Hạm đội Phương Bắc.
Theo nhiều nguồn tin thì Nga sẽ tái cơ cấu lại 3 chiếc tuần dương hạm lớp Kirov đang nằm đắp chiếu của mình cho kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hải quân tới năm 2020, tuy nhiên nguồn lực tài chính không cho phép Moscow có thể cùng lúc thực hiện nhiệm vụ này, vì thế việc hiện đại hóa từng chiếc siêu tuần dương hạm và tính cửa bán bớt số lượng hiện có nhiều khả năng sẽ nằm trong kế hoạch của người Nga.
Tàu tuần dương lớp Kirov có trọng lượng rẽ nước tối đa 28.000 tấn, chiều dài 252m, rộng 28,5m. Tốc độ di chuyển cực đại của tàu tuần dương lớp Kirov lên tới 32 hải lý mỗi giờ, do được trang bị động cơ hạt nhân với tổng công suất 600 MW, tầm hoạt động không bị giới hạn.
Theo cấu hình thiết kế, tàu tuần dương lớp Kirov được trang bị hệ thống tên lửa đối hạm Granit gồm 20 tên lửa P-700 Granit (SS-N-19 Shipwreck), 14 tên lửa hành trình đối hạm SS-N-14 Silex (chỉ trên tàu Đô đốc Ushakov), 96 tên lửa phòng không tầm xa S-300F (SA-N-6 Grumble), 128 tên lửa phòng không 9K95 Tor (SA-N-9 Gauntlet), 44 tên lửa phòng không OSA-MA (SA-N-4 Gecko), cùng các ống phóng ngư lôi 533 mm. Mỗi tàu tuần dương lớp này còn được trang bị 3 máy bay trực thăng chống ngầm Ka-27PL.
Ý đồ sở hữu siêu tuần dương hạm của Bắc Kinh ngày càng trở nên rõ ràng khi quốc gia này đang cần hiện đại hóa nhanh lực lượng hải quân trong thập kỷ tới để vươn tầm trong khu vực. Trong khi chờ đợi chiếc tầu sân bay thứ 2 của mình thì Bắc Kinh cần có một siêu tuần dương hạm đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ “người lĩnh ấn“ thống soái và tàu tuần dương hạt nhân lớp Kirov là cái tên được mong đợi nhất, tờ japanmil phân tích.
Dù đã lộ ý đồ nhưng để đạt được mục đích của mình cũng không phải là điều dễ đối với TQ, vì thế việc Bắc Kinh đang tích cực đứng sát hơn với Moscow trên bàn cờ thế giới để chứng minh sự thiện chí của mình, “nếu Bắc Kinh thành công với âm mưu của mình, thì sức mạnh biển của TQ sẽ tiếp tục được cải thiện thêm nữa, với chiến lược sử dụng tuần dương hạm để chờ ngày ra mắt tàu sân bay tiếp theo Bắc Kinh đã quyết tâm cải thiện sức mạnh quốc phòng của mình“, tờ japanmil phân tích.
Dù vẫn chưa có thông tin phản hồi lại lập luận trên của báo chí Nhật, nhưng việc Bắc Kinh đang tìm cách sát lại gần Nga hơn cũng đủ khiến các quốc gia khác trên thế giới phải đặt câu hỏi về mối liên minh này.
Và Mỹ, Nhật sẽ là những quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nếu TQ ngày càng mạnh hơn, do vậy đưa ra phương án phòng bị luôn là điều mà cả Tokyo lẫn Washington luôn phải tính tới.