Những cuộc tập trận có chủ đích
Trong cương vị một cường quốc, tự tin vào sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc đang ngày càng khéo léo trong việc sử dụng những cuộc tập trận để biểu lộ tâm ý của mình.
Gần đây nhất, hôm 11/9, Nhật Bản kỷ niệm một năm quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Không đao to búa lớn, không cảnh báo đe dọa trên các diễn đàn ngoại giao, Trung Quốc lẳng lặng mang đến một món quà sinh nhật là cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển tỉnh Phúc Kiến, cách không xa Senkaku.
Với việc huy động quân đoàn 31, Hạm đội Đông Hải và Nam Hải cùng biệt đội không quân trong khu vực, và 40.000 binh sĩ, cuộc tập trận lần này mô phỏng khả năng triển khai quân nhân và trang thiết bị quân sự của Trung Quốc ra nước ngoài.
Động thái này của Trung Quốc khiến lực lượng phòng vệ Nhật Bản bị đặt vào thế “sẵn sàng chiến đấu” với tất cả sự cảnh giác cao độ. Đây cũng được coi là hoạt động quân sự quy mô lớn nhất và khoảng cách gần nhất với Senkaku/Điếu Ngư từ trước tới nay.
Trong năm 2012, Trung Quốc chỉ tiến hành 7 cuộc tập trận, thì cho đến nay, nước này đã tiến hành tới 8 cuộc tập trận trên biển.
Ngày 31/1/2013, biên đội tàu hải quân Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako Kaikyo (nằm giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản), tiến ra tây Thái Bình Dương để tổ chức cuộc tập trận.
Đây cũng là cuộc tập trận đầu tiên của hải quân Trung Quốc ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất (gồm 4 điểm quan trọng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines).
Ngày 19/3/2013, hải quân Trung Quốc lại tổ chức biên đội gồm 4 tàu chiến thuộc Hạm đội Nam Hải, xuất phát từ quân cảng Tam Á xuống khu vực Biển Đông của Việt Nam và tiến ra khu vực tây Thái Bình Dương để tiến hành cái gọi là cuộc tập trận tuần tra viễn dương trong điều kiện chuẩn bị cho cuộc chiến.
Ngày 10/4/2013, biên đội tàu gồm tàu khu trục mang tên lửa Lan Châu, tàu hộ vệ tên lửa Hoành Thủy xuất phát từ quân cảng Tam Á, tiến ra khơi xa để tổ chức cuộc tập trận viễn dương.
Ngày 6/5/2013, biên đội tàu hải quân Trung Quốc gồm tàu hộ vệ tên lửa Hoài Hóa, Phật Sơn và tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp Thiên Đảo Hồ, xuất phát từ căn cứ ở Phúc Kiến ra khơi xa tiến hành tập trận. Biên đội tàu đi qua tây Thái Bình Dương, qua eo biển Bashi và quần đảo Hoàng Sa, với tổng hành trình 4.000 hải lý.
Ngày 25/5/2013, biên đội gồm 3 tàu thuộc Hạm đội Bắc Hải xuất phát từ quân cảng ở thành phố Thanh Đảo để tới tây Thái Bình Dương tiến hành tập trận.
Trong vòng tháng 6 và tháng 7, Trung Quốc cùng Nga cũng tiến hành 2 cuộc tập trận chung trên biển. Những cuộc tập trận này nhằm vào việc Nhật Bản và Mỹ tiến hành tập trận trên đảo Mỹ.
Gần đây nhất là cuộc tập trận ngay sát vùng biển Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/9.
Qua đó để thấy, Trung bình mỗi tháng Trung Quốc đều tiến hành một cuộc tập trận trên biển và càng ngày càng lộ rõ mục đích nhắm vào Nhật Bản. Khi Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, ngay lập tức Trung Quốc cũng thể hiện mối quan hệ đối trọng với Nga.
Nhật chuyển mình quốc phòng
Thời gian qua, Nhật Bản với sự dẫn dắt của Thủ tướng Shinzo Abe đã tích cực thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, cường quốc thứ hai thế giới này lại nghĩ khác, làm khác.
Hiện tại, sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc đã nhỉnh hơn Nhật Bản, điều này cho phép Trung Quốc có thể trả những mối thù quá khứ và mưu tính sâu xa hơn trong tương lai.
Trong khi đó, một điều đáng chú ý, Nhật Bản không chỉ biết giải quyết mọi việc qua kênh ngoại giao. Trong năm tài khóa 2013, Nhật đã chi mạnh cho ngân sách quốc phòng của mình, đặc biệt đối với lực lượng hải quân.
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là 4.940 tỷ Yên (khoảng 49 tỷ USD), trong khi đó ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 110 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc phải chi số tiền này cho một quân đội đông đảo và trải dài trên một lãnh thổ rộng lớn. Còn với Nhật Bản, số tiền này được dùng gần như hoàn toàn để phục vụ cho hải quân và không quân.
Điều này cho thấy, tuy Trung Quốc gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật, nhưng riêng về hải quân, chưa chắc Trung Quốc đã hiệu quả hơn Nhật Bản.
Nguy cơ từ Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản có cớ để thay đổi Hiến pháp nước này về quốc phòng. Trong thời gian tới, chắc chắn sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẽ khiến bất kỳ quốc gia nào cũng phải e dè. Điều này cũng lý giải phần nào cho việc Trung Quốc ngày càng gấp gáp trong các hoạt động đe dọa và cô lập Nhật Bản trên diễn đàn ngoại giao.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!