Một quan chức bộ này cho biết đây là một biện pháp nhằm tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước vốn đang gặp nhiều khó khăn bằng việc mở rộng đối tượng khách hàng ngoài Bộ Quốc phòng nhờ đó mà thúc đẩy sản xuất đại trà giúp giảm chi phí sản xuất.
Trong số các thiết bị nằm trong danh mục nới lỏng lần này có thiết bị bảo vệ và lều quân dụng, ngoại trừ các loại vũ khí sát thương.
Các công ty nhận thầu sẽ được phép bán thiết bị quốc phòng phi chiến đấu cho các bên thứ ba bao gồm cả nước ngoài nếu họ trả cho Bộ Quốc phòng một khoản phí để bộ cung cấp kiến thức quốc phòng cho sản xuất.
Hiện nay, các công ty được bộ đặt hàng sản xuất thiết bị chỉ có thể bán các sản phẩm này cho SDF. Trước thực trạng ngân sách quốc phòng bị thu hẹp, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cắt giảm hàng loạt các thiết bị mà họ có thể mua từ các nhà sản xuất khiến chi phí sản xuất bị đội cao lên.
Ngoài ra, việc sản xuất quy mô nhỏ cũng khiến các hãng sản xuất khó duy trì năng lực công nghệ cần thiết cho phát triển thiết bị. Bộ này cho biết hơn 100 công ty đã rút khỏi việc sản xuất thiết bị quốc phòng trong thập kỷ trước.
Việc nới lỏng các quy định đấu thầu theo dự kiến của Bộ Quốc phòng nước này được cho là một trong những biện pháp nhằm xem xét lại việc cấm vận vũ khí của Nhật Bản. Nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe sẽ sớm xem xét lại lệnh cấm vận này.
Cái gọi là “ba nguyên tắc” trong xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản được cố Thủ tướng Eisaku Sato đưa ra vào năm 1967 và các nguyên tắc này được đưa vào trong một lệnh cấm hồi năm 1976.
Năm 2011, Nhật Bản đã thực hiện những thay đổi mạnh mẽ để nước này có thể cùng tham gia vào các chương trình sản xuất và phát triển vũ khí cùng với các nước khác.
Hồi tháng 7, Bộ này đã tiến hành điều tra dư luận đối với 30 doanh nghiệp quốc phòng về tính khả thi của ý tưởng bán sản phẩm của họ cho các đối tượng khách hàng phi quốc phòng như các chính quyền địa phương.
Dựa trên những kết quả điều tra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ có quyết định cuối cùng về việc có thông qua đề án mua bán thiết bị này hay không.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!