Ngày 13/06, Hãng thông tấn Jiji Press cho biết, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã tổng kết một dự luật mang tên “Luật bảo vệ an ninh khu cảnh giới 12 hải lý đảo Senkaku”. Dự luật này nhấn mạnh đến quyền hạn và giới hạn phòng vệ của lực lượng tự vệ trên biển của Nhật Bản khi thực hiện nhiệm vụ cảnh giới khu vực biển trong phạm vi 12 hải lý, xung quanh đảo Senkaku.
Jiji Press cho biết, trong dự luật này, Đảng Dân chủ Tự do đã đề cập đến vấn đề trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra chấp pháp ở khu vực biển 12 hải lý xung quanh đảo Senkaku, các tàu công vụ của Nhật Bản thuộc lực lượng bảo vệ an ninh trên biển và lực lượng tự vệ trên biển sẽ hiệp đồng chặt chẽ với nhau để đối phó với tàu hải quân và tàu công vụ Trung Quốc.
Điểm quan trọng nhất là 2 lực lượng này là sau khi đề nghị các tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của mình, nếu tàu thuyền Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo, Nhật Bản sẽ cho phép lực lượng tự vệ và lực lượng an ninh trên biển được phép dùng vũ khí để tiến hành “cưỡng chế trục xuất”.
Tuy nhiên, Hãng tin “Jiji Press” không nói rõ là trong dự luật này quy định các lực lượng của Nhật được phép sử dụng loại vũ khí quân dụng hay các loại súng bắn pháo sáng, pháo hiệu và nếu là vũ khí quân dụng thì cụ thể là loại nào. Tuy vậy, chỉ có sử dụng vũ khí quân dụng mới thực hiện được hành động “cưỡng chế trục xuất”, đây là vấn đề chưa có tiền lệ và rất nhạy cảm.
Tháng 1 năm nay Nhật đã cho phép các máy bay của mình được phép dùng đạn pháo sáng để bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera khẳng định, nếu máy bay Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo qua sóng vô tuyến, Nhật sẽ bắn pháo hiệu như là một “phản ứng phù hợp với các quy tắc quốc tế”.
26 năm trước, vào ngày 09/12/1987, 4 chiếc F-4 Nhật thuộc căn cứ Naha - Okinawa cũng đã 2 lần bắn pháo sáng cảnh cáo 4 máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô xâm phạm không phận. Khi đó, lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản đã phát tín hiệu vô tuyến cảnh cáo bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Sau khi 1 chiếc máy bay Liên Xô phớt lờ cảnh báo, không hề e sợ, cứ tiếp tục tiến vào không phận Nhật Bản, chỉ huy của trung đoàn không quân hỗn hợp Tây Nam của Nhật đã ra lệnh cho phép biên đội F-4EJ được bắn cảnh cáo, đuổi các máy bay Liên Xô ra khỏi không phận nước mình.
Tuy nhiên sau đó, Thủ tướng Nhật đương thời là ông Noboru Takeshita đã đưa ra kháng nghị với Liên Xô, nhưng ông đồng thời cũng bảo đảm với các nhà lãnh đạo Xô Viết rằng, đó chỉ là hành động báo hiệu đơn thuần, sau khi các phi công Liên Xô “không hiểu những cảnh báo của Nhật” chứ họ không có ý bắn hạ chúng.