Nhật Bản tìm kiếm năng lực tấn công phủ đầu

Theo bản đề xuất quốc phòng mới nhất của Nhật Bản, có vẻ nước này đang bắt đầu xem xét việc sở hữu năng lực thực hiện các cuộc tấn công quân sự phủ đầu, ngày càng xa rời Hiến pháp về quốc gia hòa bình của nước này.

Theo hãng tin Reuters, đây là đề xuất về chính sách quốc phòng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe và có lẽ sẽ là tiếng chuông báo động đối với Trung Quốc. Bản đề xuất sơ bộ sẽ được công bố vào ngày mai (26/7) và dự kiến kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.

Nhật Bản tìm kiếm năng lực tấn công phủ đầu
Các binh sĩ thuộc Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Khi nhậm chức hồi tháng 12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe, người có tư tưởng bảo thủ, đã cam kết thúc đẩy năng lực quân sự để đối phó với cái mà Nhật Bản coi là môi trường an ninh ngày càng bị đe dọa một phần bắt nguồn từ một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và một Triều Tiên khó lường.

Điều số 9 của Hiến pháp Nhật Bản, do Mỹ thảo ra sau khi Nhật thua trận hồi Chiến tranh thế giới lần II, không cho phép nước này khơi mào chiến tranh và không được sở hữu quân đội. Trên thực tế, hiện nay, Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản là một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất châu Á.

Tờ Yomiuri cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ nghiên cứu cách “củng cố năng lực phòng ngừa và đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo”.

Tuy nhiên, bản đề xuất của Bộ Quốc phòng Nhật tránh đề cập cụ thể tới năng lực tấn công các căn cứ của kẻ thù khi nhận thấy có nguy cơ tấn công đang cận kề.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ cân nhắc mua sắm máy bay không người lái và xây dựng lực lượng lính thủy đánh bộ để bảo vệ các hòn đảo ở xa, như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, tâm điểm của cuộc tranh chấp Nhật – Trung hiện nay.

Việc đạt được năng lực tấn công sẽ là thay đổi căn bản trong chính sách quốc phòng của chúng tôi, một sự thay đổi căn bản về lối tư duy”,  Marushige Michishita, giáo sư Viện nghiên cứu chính sách quốc gia của Nhật, nhận xét.

Để đạt được năng lực đó, Nhật Bản sẽ mất thời gian, tiền bạc, công sức đào tạo và điều này có nghĩa đây mới chỉ là sự thay đổi về luận điệu. “Nói bao giờ cũng dễ hơn làm”, giáo sư Michishita nói thêm.

Một số chuyên gia nhấn mạnh rằng những thay đổi này có tính cách mạng chứ không phải là sự thay đổi đột ngột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. “Đó là một phần trong quá trình Nhật Bản rời xa dần cách diễn giải vô cùng hạn chế của Điều 9 (Hiến pháp Nhật)”, Richard Samuels, giám đốc chương trình MIT-Nhật Bản của Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ Nhật – Trung căng thẳng do quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và về cách nhìn nhận lịch sử Nhật Bản thời kì chiến tranh, rất có khả năng Trung Quốc sẽ phản đối kịch liệt bản đề xuất này. Bản đề xuất được đưa ra sau khi đảng liên minh của ông Abe giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 21/7.

"Bất kể Nhật Bản giải thích ra sao, Trung Quốc sẽ chỉ trích dữ dội bản đề xuất", Michael Green từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, Mỹ nhận định.

Mặc dù Trung Quốc đã trở thành cường quốc hạt nhân được nhiều thập kỷ và Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân, Nhật Bản cho biết nước này không có ý định đi theo hai quốc gia này.

Dư luận Nhật Bản ngày càng tỏ ra ủng hộ đề xuất tăng cường năng lực quân sự do lo ngại về Trung Quốc, tuy nhiên vẫn có những ý kiến phản đối.

Nhật Bản đã thay đổi từ chiến lược bảo về các khu vực ở phía bắc, một di sản của cuộc Chiến tranh lạnh, sang chiến lược bảo vệ các khu vực ở phía nam nơi nước này và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã tìm cách nới lỏng những giới hạn của Điều 9 Hiến pháp và khẳng định nước này có quyền tấn công các căn cứ quân sự của kẻ thù khi kẻ thù lộ rõ ý định tấn công nước này, mối đe dọa lớn và không có sự lựa chọn quốc phòng nào khác.

Tuy nhiên, nếu như các chính quyền Nhật Bản trước đó lảng tránh việc mua sắm vũ khí để đạt mục tiêu đó thì đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe đã thúc giục chính phủ Nhật cân nhắc tìm cách đạt năng lực này.

Hiện chưa rõ loại vũ khí nào sẽ được xem xét và với mức nợ công khổng lồ, có thể Nhật Bản sẽ không có đủ năng lực tài chính để thông qua luật mua vũ khí.

Hiện năng lực tấn công của Nhật Bản còn rất hạn chế, nước này mới sở hữu các chiến đấu cơ loại F-2 và F-15, máy bay giúp nạp nhiên liệu trên không. Nhưng Tokyo có kế hoạch mua sắm 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ và dự kiến 4 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho Nhật Bản vào tháng 3/2017.

Giáo sư Michishita cho rằng để đạt được năng lực tấn công các bệ phóng tên lửa di động của Triều Tiên, Nhật Bản sẽ phải có thêm  máy bay tấn công cũng như năng lực thu thập thông tin tình báo – năng lực mà rất có khả năng Nhật Bản sẽ phải dựa vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng cần xem xét sở hữu tên lửa hành trình.

Các chuyên gia cho rằng để có năng lực tấn công tên lửa vào đất liền Trung Quốc, Nhật Bản sẽ phải đầu tư lớn hơn nữa, để sở hữu các loại tên lửa tầm cỡ như tên lửa xuyên lục địa.

Sẽ phải tốn rất nhiều tiền, thời gian, công sức huấn luyện đào tạo để đạt nước năng lực quân sự lớn mạnh và có ý nghĩa”, giáo sư Michishita nhận xét.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại