Theo tờ "Quan sát" Trung Quốc ngày 26/9, tàu Izumo lần này được chạy thử bên ngoài cảng Yokosuka đánh dấu chiếc tàu sân bay trực thăng này đã cơ bản hoàn thành, sẽ bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ Biển sau khi hoàn thành thử nghiệm.
Không phải ngẫu nhiên tàu khu trục Izumo (theo cách gọi của Nhật Bản) được đánh giá là tàu có khả năng tác chiến chống ngầm hiệu quả nhất thế giới. Ngoài ra, Izumo còn có chức năng “Bộ tư lệnh tiền tuyến“, tăng cường chỉ huy thống nhất và hoạt động cho “ba quân“ trên biển-trên mặt đất-trên không.
Theo thông tin được Nhật Bản tiết lộ, tàu Izumo được hạ thủy vào tháng 8/2013, tàu có số hiệu 183, thuộc Type 22DDH, dài 248 m, rộng 38 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 19.500 tấn, lượng giãn nước đầy là 27.000 tấn và có kế hoạch đưa vào hoạt động năm 2015.
Theo kế hoạch trang bị cho tàu Izumo được Nhật Bản được tiết lộ, Izumo sẽ được trang bị chiến đấu cơ hàng đầu dành cho Hải quân là F-35B. Theo đó, con tàu này có sức chứa cho khoảng 20 tiêm kích F-35B. Khi trang bị tiêm kích hiện đại F-35, con tàu này sẽ biến thành một tướng tiên phong trong cuộc xung đột, đủ khả năng xông xáo trên chiến trường.
Tuy nhiên, theo thiết kế ban đầu, Nhật Bản sử dụng Izumo như một tàu khu trục khổng lồ, khi mang theo 14 máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K Sea Hawk, đồng thời cho cất cánh 5 máy bay trực thăng chiến đấu.
Nhật Bản cho biết, Izumo sẽ được trang bị máy bay vận tải Osprey Mỹ có thể cất hạ cánh thẳng đứng, làm cho con “tàu khu trục“ khổng lồ này trở thành tàu chiến chi viện lớn nhất, tăng cường chỉ huy thống nhất và hoạt động cho “ba quân“ trên biển-trên mặt đất-trên không.
Như vậy, Nhật Bản đang muốn biến Izumo trở thành trung tâm của quân đội khi tác chiến trong vùng biển Hoa Đông. Và Izumo đang thực sự khiến những đối thủ phải lo ngại bởi khả năng linh hoạt trong tác chiến của nó.
Dù hiện nay, thông tin về hệ thống vũ khí được trang bị trên Izumo vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo học giả Sái Dực của Đài Loan cho rằng, chỉ với 12 chiếc F-35B trên Izumo đã có sức mạnh vượt trội hơn 48 chiếc J-15 của Liêu Ninh. Và Trung Quốc cần ít nhất 2 đội tàu sân bay để đối chọi với 1 đội tàu của Nhật Bản.
Nhận xét trên hoàn toàn có cơ sở, bởi theo những gì được Trung Quốc công bố, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh sở hữu hỏa lực không quá mạnh. Theo đó, Liêu Ninh được trang bị hệ thống FL-3000N là hệ thống phòng thủ tên lửa dùng cho tàu chiến thế hệ mới của Trung Quốc.
FL-3000N sử dụng kỹ thuật radar và tia hồng ngoại, có thể ngăn chặn hiệu quả những tên lửa chống tàu có tốc độ cận âm thanh hoặc siêu thanh, có thể phối hợp bố trí linh hoạt, dễ lắp đặt. Tổ hợp tên lửa đối không FL-3000N thiết kế tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không tầm dưới 10km. Tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị 4 bệ phóng FL-3000N, mỗi bệ lắp 18 quả tên lửa.
Nếu tên lửa đối phương vượt qua được những “mũi tên lửa”, chúng sẽ phải đối mặt với các tổ hợp pháo phòng không Type 1030. Tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Type 1030 do Trung Quốc tự thiết kế để tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không. Trên tàu Liêu Ninh bố trí 3 tổ hợp Type 1030 ở phía trước và phía sau.
Tổ hợp Type 1030 trang bị pháo tự động 10 nòng cỡ 30mm và hệ thống điều khiển hỏa lực. Trong đó, pháo 10 nòng cỡ 30mm có tốc độ bắn lên tới 9.000-10.000 phát/phút, tầm bắn khoảng 5.000m. Với tốc độ bắn cực cao như vậy thì Type 1030 có xác suất trúng mục tiêu rất lớn.
Ngoài FL-3000N và Type 1030, Liêu Ninh còn trang bị hệ thống rocket săn ngầm (12 đạn) tầm gần nằm ở đuôi tàu. Nhìn chung, hệ thống phòng vệ của tàu sân bay Liêu Ninh tương đối hiện đại. Nhưng những vũ khí này chỉ hiệu quả ở tầm 10km đổ lại, quá gần, quá nguy hiểm với tàu sân bay. Trong ảnh: Tàu Liêu Ninh do vệ tinh quân sự Mỹ chụp được.