Defense News đăng bài viết cho hay: Nhật Bản đã quyết định trang bị trên các tàu ngầm lớp Soryu sắp đóng với pin Lithium-ion thay vì hệ thống AIP như hiện nay - bước đi này có thể làm tăng các mối lo ngại sau khi hàng loạt vấn đề đã xảy ra với pin Lithium-ion trên các máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã gạt đi các mối lo ngại và cho rằng đây là bước nhảy vọt về công nghệ giúp gia tăng sức mạnh, hiệu suất hoạt động cũng như giảm chi phí bảo trì. Ngoài ra, công nghệ này còn có thể giúp tàu ngầm của Nhật Bản tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.
Phát ngôn viên của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, ông Yasushi Kojima cho biết thay đổi có thể áp dụng ở 4 tàu ngầm lớp Soryu tiếp theo, trong tổng số 10 tàu ngầm lớp này đã và sẽ được đóng của Nhật Bản.
Các quan chức cấp cao của Australia, những người vừa ký một thỏa thuận về công nghệ quân sự mang tính bước ngoặt với Nhật Bản vào tháng 6 vừa qua, nói với tờ Defense News rằng họ đã biết việc chuyển đổi sang sử dụng pin Li-ion và vẫn mong muốn theo đuổi công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản.
Các tàu ngầm lớp Soryu hiện tại sử dụng công nghệ AIP dựa trên giấy phép chế tạo động cơ Kockums Stirling tại Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki, việc sử dụng công nghệ AIP giúp tàu ngầm có thể lặn lâu hơn thông thường. Mẫu động cơ này đã giúp tàu ngầm lớp Gotland của Thụy Điển hoạt động trong vòng 2 tuần liên tục và di chuyển với tốc độ 5 hải lý/giờ.
Tàu ngầm lớp Gotland của Thụy Điển
Các tàu lớp Soryu hiện được lắp đặt 1 động cơ cỡ lớn bao gồm 3 nguồn cung cấp năng lượng khác nhau: động cơ diesel, động cơ AIP và các pin năng lượng chính. Động cơ diesel cần oxi cho quá trình đốt cháy cung cấp năng lượng cho tàu khi đi nổi. Động cơ AIP đốt cháy một khối lượng nhỏ nhiên liệu diesel và oxi lỏng được sử dụng trong hành trình lặn dưới nước với tốc độ chậm, giúp tiết kiệm năng lượng của pin. Các pin năng lượng được sử dụng khi tàu cần hoạt động thật yên tĩnh cũng như giúp di chuyển dưới nước với tốc độ cao nhưng điều này lại làm nhanh chóng cạn kiệt năng lượng của pin.
Bằng việc chuyển sang sử dụng pin Lithium-ion, các tàu ngầm lớp Soryu mới vẫn có thể giữ lại động cơ diesel chính nhưng được trang bị các pin năng lượng mạnh hơn và dễ bảo trì hơn các loại pin acid-chì đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Các tàu ngầm của Nhật Bản đã trở thành mối quan tâm chính của Hải quân Hoàng gia Australia, vốn đang mở chương trình trị giá 33 tỷ USD nhằm thay thế 6 tàu ngầm lớp Collin vốn đã cũ và ngốn nhiều chi phí bảo trì bằng đội tàu ngầm mới lớn hơn, có đủ khả năng bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng ở biển Đông và Hoa Đông.
Vào tháng 6 qua, sau cuộc thảo luận sâu rộng giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cùng 2 người đồng cấp của Australia Julie Bishop và David Johnston, Nhật Bản và Australia đã cùng đồng ý cùng hợp tác phát triển công nghệ tàu ngầm.
Bộ quốc phòng Australia chưa có câu trả lời cho việc liệu rằng họ có chuyển sang công nghệ sử dụng pin Li-ion hay không.
"Chưa có bất kỳ quyết định nào được đưa ra về thiết kế cũng như việc đóng các tàu ngầm thế hệ mới của Australia. Tuy nhiên, sẽ có nhiều tàu được đóng và con số chính xác sẽ được đề cập trong sách trắng quốc phòng. Như Thủ tướng đã phát biểu rằng việc mua sắm quốc phòng phải dựa trên nhu cầu thực tế chứ không phải chính sách về công nghiệp hay khu vực," Bộ trưởng quốc phòng Australia, ông David Johnston cho biết.
6 trong tổng số 10 tàu ngầm lớp Soryu (vốn mất 4 năm để đóng) của Nhật Bản đã hoàn thành. Bộ quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu cấp ngân sách 589,5 triệu USD để đóng 1 tàu lớp Soryu mới từ tháng 04/2015, chiếc tàu này cùng 3 tàu tiếp nữa sẽ được trang bị pin Lithium-ion.
Một số thông tin cho biết các pin Lithium-ion trên các tàu lớp Soryu mới được cung cấp bởi GS Yuasa Battery, đây cũng chính là nhà cung cấp các bộ pin năng lượng cho máy bay Boeing 787 Dreamliner từng gặp sự cố nghiêm trọng.
Máy bay Boeing 787 Dreamliner
Các sự cố cháy nổ và một số lo ngại khác đã khiến 2 hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airlines đình chỉ bay toàn bộ phi đội Dreamliner vào tháng 1/2013, khiến cho lần đầu tiên kể từ năm 1979, Cục quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã phải đình bay tất cả những chiếc Boeing 787 phục vụ trong các hãng hàng không Mỹ.
Mặc cho những nỗ lực điều tra của Mỹ và Nhật Bản do FAA chỉ đạo, vào tháng Một năm nay, Japan Airline thông báo xuất hiện thêm tình trạng cháy và tan chảy của các bộ pin trên máy bay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng pin Lithium-ion mặc dù không tuyệt đối an toàn nhưng các công nghệ khác như AIP vẫn có thể mang lại những rủi ro về kỹ thuật. Trong khi đó, pin Lithium-ion hứa hẹn mang lại nhiều ưu thế về tốc độ và khả năng hoạt động cho tàu ngầm. Theo họ, các tàu ngầm lớp Soryu lớn hơn khoảng 1/3 so với hầu hết các tàu ngầm của châu Âu sử dụng công nghệ AIP, nên việc tăng hiệu suất của pin sẽ giúp tàu ngầm hoạt động dài ngày hơn và tốc độ cao hơn. Nhiều lực lượng hải quân có thể cân nhắc mua tàu ngầm Nhật Bản nhờ tầm hoạt động được mở rộng và khả năng hoạt động dưới nước lâu hơn mà loại pin mới có thể mang lại.