Tờ Wen Wei Po (có trụ sở tại Hong Kong) trích dẫn phân tích của chuyên gia Koide Hiroaki tại Viện nghiên cứu lò phản ứng thuộc trường đại học Kyoto (Nhật Bản), cho rằng lý do thực sự khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không từ bỏ điện hạt nhân bởi vì ông muốn phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản đã nhận được nhiều lời kêu gọi xem xét lại lĩnh vực năng lượng hạt nhân sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần, gây ra thảm họa hạt nhân lớn nhất thế giới sau Chernobyl.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi được chụp từ trên cao.
Bất chấp những rủi ro, ông Hiroaki cho rằng Tokyo vẫn quyết tâm phát triển bom hạt nhân. Nhật Bản không được phép nhập khẩu plutonium để sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng nước này có thể tự sản xuất plutonium cần thiết từ chất thải hạt nhân tại các nhà máy điện.
Các chuyên gia phân tích người Mỹ ước tính rằng Nhật Bản hiện tại có đủ lượng plutonium để phát triển ít nhất 1.000 quả bom hạt nhân. Theo hiến pháp Nhật Bản, quốc gia này không được phép sở hữu bất cứ loại vũ khí nào có khả năng tấn công, bao gồm bom hạt nhân. Mặc dù vậy, ngày càng nhiều chính trị gia Nhật Bản kêu gọi hủy bỏ "Ba nguyên tắc phi hạt nhân" của nước này khi căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Ba nguyên tắc phi hạt nhân được đưa ra bởi cựu Thủ tướng Nhật Bản Eisaku Sato trong một bài phát biểu tại quốc hội vào năm 1967. Theo những nguyên tắc này, Tokyo không được sở hữu hay sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy, theo tờ Wen Wei Po, để giành được sự ủng hộ từ phe cánh hữu, Thủ tướng Shinzo Abe đã tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, bất chất sự phản đối từ trong và ngoài nước. Tờ Wen Wei Po cho rằng đây là động thái rất nguy hiểm vì nó chỉ mang lại sự bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.