Ngày 11-3, hai nước Hàn Quốc, Mỹ tổ chức cuộc tập trận có tên gọi “giải pháp then chốt” như kế hoạch đã định. Đây vốn là cuộc tập trận thường niên của hai nước.
Tuy nhiên, tình hình năm nay lại khác, cách đây không lâu Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến Triều Tiên.
Trong bối cảnh này, vấn đề Trung Quốc quan tâm là, nhìn nhận như thế nào về hành động của Triều Tiên? Cục diện bán đảo liệu có rơi vào tình trạng mất kiểm soát hay không?
Triều Tiên “siêu cứng rắn”
Trước cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Hàn và nghị quyết trừng phạt được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 100% phiếu thuận thông qua, Triều Tiên đã tỏ thái độ cứng rắn hơn bao giờ hết.
Theo tin của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, Triều Tiên đã tổ chức đại hội dân quân tại nhiều khu vực, lên án “hành vi đối địch chống lại Triều Tiên”, “vẽ ra” nghị quyết trừng phạt, xuất quân rầm rộ tổ chức “hoạt động khiêu khích chiến tranh mang tính xâm lược” của Mỹ. Quốc gia này tuyên bố sẽ dùng “biện pháp chiến tranh theo mô hình Triều Tiên” để đối phó với kẻ thù.
Nhân dân nhật báo cho rằng đây chính là lời ủng hộ đối với tuyên bố của người phát ngôn Bộ tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên. Ngày 5-3, người phát ngôn của Bộ tư lệnh tối cao nước này đã phát biểu tuyên bố rằng “Trong thời khắc cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai khó tránh khỏi” này, Triều Tiên sẽ thực hiện quyền lợi phát động chiến tranh hạt nhân phủ đầu đối với “kẻ xâm lược”.
Phía Triều Tiên còn tuyên bố, không tiếp tục công nhận Hiệp định đình chiến và cắt đứt mọi hoạt động của cơ quan đại diện ở vùng đệm quân sự Panmunjeom.
Quan chức quân sự của Triều Tiên còn tiết lộ, quân đội Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để nhấn chìm Seoul và Washington trong biển lửa. Một chuyên gia nghiên cứu quân sự của Hàn Quốc dự đoán, tháng 12-2012, Triều Tiên phóng thành công tên lửa tầm xa “Ngân Hà 3”, tầm phóng của tên lửa tầm xa lên tới trên 10.000 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Trước thái độ cứng rắn của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng lạnh lùng đáp trả: “Nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Hàn Quốc, chính quyền hiện tại của Triều Tiên sẽ biến mất khỏi địa cầu”.
Phô trương thanh thế?
Trước hàng loạt động thái của Triều Tiên, nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng đó chỉ là sự phô trương thanh thế. Vì đã nhiều lần Triều Tiên sử dụng thái độ “siêu cứng rắn” để đối đầu với sự “cứng rắn” của Mỹ và Hàn Quốc.
Khác với những lần trước, việc Triêu Tiên tuyên bố hủy Hiệp định đình chiến Triều Tiên lần này có phần đột ngột. Vì nếu Hiệp định đình chiến Triều Tiên mất hiệu lực thì đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể phát động chiến dịch tấn công từ các phía, bao gồm các vùng biển đang tồn tại tranh chấp.
Xe tăng của quân đội Triều Tiên
Có chuyên gia chỉ ra rằng, thực ra hiệp định này đã hữu danh vô thực. Ngay từ năm 1994, vì các bên trong hiệp định ý kiến bất đồng, Ủy ban đình chiến quân sự được dựng lên trong hiệp định chỉ tồn tại như một cái tên, Ủy ban giám sát trung lập cũng không còn tồn tại. Sau đó, Triều Tiên đã thành lập cơ quan đại diện ở Panmunjeom để thay thế cơ chế hiệp định đình chiến ban đầu.
Hầu hết chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho rằng, phần lớn “động thái siêu cứng rắn” mà Triều Tiên dựng lên chỉ là màn kịch, chủ yếu là vẫn muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ, cùng Mỹ ký kết Hiệp định hòa bình, đồng thời cũng là thể hiện sự bất mãn với nghị quyết trừng phạt mà Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới đưa ra.
Ngoài ra, “siêu cứng rắn” cũng là động thái đối phó với Hàn Quốc. Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức chưa lâu, chính sách Triều Tiên còn đang ở trong giai đoạn điều chỉnh. Triều Tiên lấy công làm thủ, cũng là muốn ép chính phủ mới của Hàn Quốc nới không gian rộng hơn cho chính sách Triều Tiên.
“Đàn” sắp đứt dây?
Sau khi rất nhiều sự kiện xảy ra, liệu Triều Tiên và Hàn Quốc có nổ ra cuộc chiến trên quy mô lớn, hoặc như lời Triều Tiên nói, sẽ nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai? Dù sao, việc hai bên nổ súng va chạm cũng là "chuyện thường ngày ở huyện".
Pháo kích ở Yeonpyeong là vụ xung đột quân sự xảy ra vào hồi 14h30 ngày 23-11-2010. Sau khi Hàn Quốc bắn mấy chục quả đại bác trong cuộc tập trận quân sự thường niên, Triều Tiên lập tức pháo kích các đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.
Hàn Quốc cũng lập tức đáp trả bằng hơn 80 quả đại bác, hai bên bắt đầu bắn sang nhau. Trong 170 quả đại bác mà Triều Tiên bắn, có 60 quả rơi vào đảo Yeonpyeong. Cư dân trên đảo Yeonpyeong vội sơ tán, Hàn Quốc cử máy bay chiến đấu F-16 đến tuần tra vùng không phận trên hòn đảo này.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, hiện tại khả năng này không cao.
Sự kiện pháo kích ở đảo Yeonpyeong chính là hành động Triều Tiên dùng vũ lực để đối phó với sức ép từ phía Hàn Quốc, Mỹ. Tuy nhiên tình hình hiện nay cho thấy, Triều Tiên đã ý thức được rằng, biện pháp này tương đối nguy hiểm, chính vì vậy đã tỏ ra thận trọng hơn, chuyển sang dùng hình thức phát ngôn để gây sức ép cho Mỹ, Hàn Quốc.
Mặt khác, mục đích cuối cùng của Triều Tiên là cải thiện quan hệ với Mỹ. Muốn ký kết Hiệp định hòa bình là mục đích ngoại giao của Triều Tiên. Nếu xảy ra chiến tranh thật thì một là Triều Tiên không đủ thực lực, hai là không đem lại lợi ích gì cho quốc gia này.
Tuy nhiên, Nhân dân nhật báo phân tích, Triều Tiên hữu ý nhưng Mỹ lại vô tình. Vì một khi đã ký kết Hiệp định hòa bình cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận Triều Tiên có vị thế quốc gia hạt nhân. Đây rõ ràng là đi ngược với lợi ích của Mỹ. Càng huống hồ Triều Tiên vừa thử hạt nhân lần thứ ba.
Nhưng các chuyên gia Nga nhắc nhở rằng, đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên, cũng cần phải xem xét lập trường từ phía Triều Tiên. Vì những cố vấn xung quanh nhà lãnh đạo Triều Tiên đều đã trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên. Họ biết sức mạnh quân sự của Mỹ, huống hồ họ còn nhìn thấy những tấm gương rõ nét là Iraq và Lybia.
Cuối cùng tờ Nhân dân nhật báo kết luận, kể cả bán đảo Triều Tiên không xảy ra chiến tranh trên quy mô lớn nhưng tình hình cũng vẫn rất nghiêm trọng. Tuy nhiên trừng phạt không phải là cách giải quyết duy nhất, các bên có liên quan cần nỗ lực để xoa dịu tình hình, đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên quay trở lại với bàn đàm phán sáu bên.