Chiều 15/1, sau khi trưng bày mẫu trực thăng “made in Vietnam” do mình tự chế tạo, anh thợ xe Nguyễn Văn Thắng (Gia Quất, Long Biên, Hà Nội) cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm lần thứ ba do yêu cầu của một đài truyền hình vào chiều 16/1.
Theo anh Thắng, anh không có ý định thử nghiệm chiếc trực thăng này quá sớm, tuy nhiên hai lần thử nghiệm trước đây, anh đã đưa được chiếc máy bay của mình cất cánh khỏi mặt đất 50cm, do đó lần này quyết tâm đưa chiếc trực thăng lên cao hơn.
Tuy nhiên, chiều 16/1, sau khi đưa trực thăng của mình ra bãi đất trống thuộc làng Gia Quất, quận Long Biên cách xưởng sản xuất khoảng 500m, chiếc trực thăng sau khi nhấc bổng lên khỏi mặt đất khoảng 70cm, đã gặp trục trặc và ngã nhào xuống đất.
Tuy người trực tiếp lái thử nghiệm chiếc máy bay là anh Thắng không có nguy hiểm gì, nhưng chiếc máy bay bị hư hỏng nặng phần cánh và càng bánh xe, cần phải sửa chữa mất nhiều thời gian.
Chia sẻ về nguyên nhân thất bại lần này, anh Thắng cho biết: “Thực sự tôi chưa muốn thử nghiệm lần ba quá sớm như vậy, bởi lẽ qua hai lần thử nghiệm trước, tôi biết chiếc máy bay của mình có thể bay cao hơn như một chiếc trực thăng thực thụ, tuy nhiên điều yếu nhất là tôi chưa thể lái chiếc máy bay này một cách thành thạo. Do đó, việc thử nghiệm lần này quả thực là một sự mạo hiểm”.
“Tôi vẫn chấp nhận thử nghiệm bởi bản thân mình vốn là một người mê sáng tạo và chinh phục, do đó tôi đã nghĩ rằng có thể đưa chiếc máy bay của mình lên cao hơn một chút, để phá chính những thông số trước đó của nó, đồng thời chứng minh với mọi người rằng tôi đã thành công.
Ngoài ra để đảm bảo với những người đứng xem, tôi buộc cố định hai càng máy bay bằng 4 sợi dây cáp, và đóng chặt xuống đất bằng 4 đinh sắt dài 50cm. Tuy nhiên trong lúc vận hành máy bay, sai lầm xảy ra khi thay vì đưa phần đầu máy bay lên trước, tôi đưa phần đuôi nhấc lên trước, và một chiếc đinh đã bị tuột ra dẫn đến không thể kiểm soát được máy bay, do đó bị lật nhào, dẫn đến thất bại trong lần thử nghiệm này” – anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi thất bại, người thợ sửa xe mới chỉ học hết lớp 9 này bày tỏ: “Thất bại trong việc thử nghiệm là điều hoàn toàn bình thường với mỗi sáng chế. Quan trọng là sau mỗi thất bại, chúng ta sẽ rút ra được kinh nghiệm gì. Với cá tính của tôi, thất bại chỉ là bước đệm để khẳng định sự thành công sau này. Tôi sẽ tiếp tục làm cho đến khi thành công mới thôi”.
Chia sẻ về những kinh nghiệm mà anh rút ra được từ lần thử nghiệm thất bại này, anh cho biết: “Một điều chắc chắn ở những lần thử nghiệm sau, những người hiếu kỳ đứng xem sẽ phải đứng rất xa ở một khoảng cách an toàn. Và tôi cần phải hoàn thiện kỹ năng lái của mình trước khi thử nghiệm những bước ngoạn mục hơn. Một khóa học lái trực thăng của Thái Lan có giá khoảng 40.000 USD, nhưng tôi sẽ thuê một xưởng đủ rộng, đủ cao để tập lái chiếc máy bay của mình”.
Ngoài lý do chưa thể lái máy bay trực thăng một cách thành thạo và sự cố từ chiếc đinh cố định càng xe bị tuột ra, anh Nguyễn Văn Thắng khẳng định không có trục trặc gì từ việc vận hành của máy bay.
“Chiếc máy bay của tôi đạt tiêu chuẩn như mọi chiếc trực thăng trên thế giới”- anh Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Theo thông tin từ anh Nguyễn Văn Thắng, sự hỏng hóc của chiếc máy bay lần này sẽ tiêu tốn của anh Thắng khoảng 10 triệu đồng cho việc sửa chữa.
Để chế tạo chiếc trực thăng này, anh Nguyễn Văn Thắng cần đến 3 tháng và khoảng 200 triệu đồng. Đồng thời, người thợ máy này phải đọc rất nhiều tài liệu của nước ngoài hướng dẫn về chế tạo trực thăng.
Chiếc trực thăng sử dụng động cơ ô tô Suzuki 38kW,2.0L với vòng tua 4000-4500 vòng/phút, vì quá lớn nên anh phải giảm xuống còn 700 vòng/phút. Trực thăng có cân nặng 185kg, chiều cao 2m60, chiều rộng 1m55, chiều dài thân vào đuôi là 6m80 và chiều dài cánh là 5m50. Là chiếc trực thăng tự chế lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.
Ngoài trực thăng, anh Nguyễn Văn Thắng còn chế tạo thành công chiếc moto 3 bánh 400 phân khối và đang chế tạo một chiếc moto 5 bánh, dự kiến có mui trần và là mẫu xe độc bản duy nhất trên thế giới.
Thu nhập chính của anh Thắng vào thời điểm này là chế tạo xe chuyên dụng cho người khuyết tật và buôn bán ô tô, xe máy.