Quyết tâm theo đuổi
Theo thông báo chính thức từ Chính phủ Ấn Độ, chương trình chế tạo xe chiến đấu bộ binh tương lai (FICV) mà nước này đang theo đuổi sẽ được tiếp tục thực hiện. Theo đó, Ấn Độ sẽ không mua loại xe BMP-3 của Nga mà tự sản xuất FICV để thay thế cho những chiếc BMP-1/2 từ thời Liên Xô cũ.
Quyết định này đã được phía Ấn Độ thông báo cho Nga từ ngày 18/11 trong phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, song mới được báo chí đăng tải trong những ngày gần đây.
Hồi tháng 12/2012, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm tới New Delhi đã khuyên phía Ấn Độ nên từ bỏ chương trình FICV được đánh giá sẽ tiêu tốn tới 10 tỷ USD. Nhà lãnh đạo Nga đã đề nghị chuyển giao cho Ấn Độ toàn bộ công nghệ vốn được sử dụng cho BMP-3.
Theo đánh giá của giới phân tích, đề xuất này không chỉ giúp Nga củng cố vị thế tại thị trường vũ khí Ấn Độ, mà còn giúp Ấn Độ không phải tiêu tốn quá nhiều tiền.
Dự án FICV được bắt đầu từ cuối những năm 1990 và hoàn tất thiết kế trước năm 2001. Market đầu tiên được giới thiệu vào tháng 6/2005 song cho tới nay nguyên mẫu đầu tiên vẫn chưa được hoàn thiện. Tên gọi dự kiến của loại xe chiến đấu bộ binh này là Abhay.
Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ sản xuất 2.600 chiếc FICV để thay thế cho những chiếc BMP-1/2. Yêu cầu đặt ra là mẫu xe này ngoài kíp lái 3 người, cần có khả năng vận chuyển được tối đa 8 binh sĩ, chống được đạn 14,5 mm. Ngoài ra, FICV còn phải có khả năng lội nước và thiết kế phù hợp để đổ bộ đường không.
FICV sẽ nặng khoảng 23 tấn, có khả năng đạt tốc độ tối đa 70 km/h. Vũ khí chính của FICV dự kiến sẽ là pháo và các tên lửa chống tăng.
Đặc biệt, tham gia chương trình FICV sẽ chỉ có các công ty trong nước của Ấn Độ. Chính phủ sẽ tài trợ 80% chi phí phát triển. Sau đó, công ty giành chiến thắng sẽ được quyền sản xuất hàng loạt mẫu xe này cho Lục quân Ấn Độ.
Dù các công ty nước ngoài bị “cấm cửa”, song trên thực tế các công ty quốc phòng của Ấn Độ tham gia dự án FICV vẫn tìm kiếm các đối tác nước ngoài. Điển hình là trường hợp của Mahindra Defence Systems ký thỏa thuận hợp tác với BAE Systems của Anh. Các công ty khác của Ấn Độ như Larsen & Toubro, Tata Motors, Ordnance Factories Board hay Rheinmetall cũng tìm kiếm các đối tác từ Đức và các nước khác.
Điều này có thể giải thích được từ góc độ kỹ thuật. Nhiều khả năng các công ty của Ấn Độ chưa đủ khả năng để tự nghiên cứu phát triển và sản xuất FICV theo yêu cầu đặt ra. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong thời gian tới sẽ rút gọn danh sách các công ty tham gia dự án xuống còn 2.
Tuy nhiên, ngay cả Lục quân Ấn Độ cũng tỏ ra không đồng tình với dự án FICV. Lục quân Ấn Độ cho rằng mua giấy phép sản xuất BMP-3 của Nga sẽ có lợi hơn. Theo các tướng lĩnh Ấn Độ, việc tự phát triển FICV là quá tốn kém, trong khi phải mất ít nhất 10 năm để những chiếc xe đầu tiên được đưa vào biên chế.
Mất lòng tin
Ở chiều ngược lại, cũng có những ý kiến ủng hộ dự án FICV bởi họ đã mất “lòng tin” vào các đối tác Nga. Những ví dụ được đưa ra là các dự án hợp tác hiện nay như tên lửa siêu thanh BraMos hay tiêm kích thế 5 FGFA. Ấn Độ được tham gia quá ít, Nga vẫn chưa chuyển giao toàn bộ công nghệ, trong khi Ấn Độ vẫn phải chia sẻ chi phí ngang nhau.
Ngoài ra, phía Ấn Độ thời gian qua cũng thường xuyên phàn nàn rằng Nga chậm trễ trong việc cung cấp các thiết bị phụ tùng thay thế, giá bán quá cao hoặc dịch vụ sau bán hàng quá tồi.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng BMP-3 trước sau cũng cần nâng cấp và nếu lại phải nhờ tới Nga thì chi phí là quá đắt đỏ. Trường hợp của BMP-2 hiện nay là ví dụ. Ấn Độ từng công bố kế hoạch nâng cấp 1.400 chiếc BMP-2 với chi phí 1,8 tỷ USD. Ấn Độ muốn tăng cường hỏa lực, sức mạnh động cơ và khả năng tác chiến đêm cho BMP-2.
Theo đó, BMP-2 sẽ được trang bị các hệ thống quan sát, trinh sát, điều khiển hỏa lực mới, các tên lửa chống tăng tiên tiến và súng phóng lựu tự động 30 mm. Về mặt động cơ, Ấn Độ muốn có các động cơ 350-380 mã lực để thay thế cho những động cơ của BMP-2 có có công suất 285 mã lực.
Hiện nay, kế hoạch nâng cấp BMP-2 của Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ thất bại vì chỉ riêng về động cơ, các công ty nội địa đã không thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Đây chính là nguyên nhân hồi năm ngoái, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phải hủy bỏ việc mua 2.000 động cơ mới cho BMP-2. Ấn Độ hiện phải tìm kiếm sự hợp tác với các công ty nước ngoài. Nếu thành công, các động cơ này sẽ do Ordnance Factories Board lắp ráp.
BMP-2 và BMP-3
BMP-2 vốn được Liên Xô phát triển trên cơ sở BMP-1 từ năm 1972 và đưa vào biên chế từ năm 1980. Đặc điểm chung về khung gầm của BMP-2 tương tự BMP-1 với chiều dài 6,7 m, rộng 3,1 m, cao 2,4 m và nặng 14 tấn. Xe có khả năng lội nước, tốc độ tối đa 65 km/h. Xe có kíp lái 3 người và chở tối đa 7 binh sĩ.
Về vũ khí, BMP-2 có 1 pháo 2A42 30 mm, súng máy 7,62 mm, tổ hợp tên lửa chống tăng 9M111 Fagot/9M113 Konkurs, tổ hợp tên lửa phòng không 9K34 Strela-3 hoặc tổ hợp chống tăng RPG-7.
Trong khi đó, BMP-3 được bắt đầu nghiên cứu từ năm 1977. Trong giai đoạn 1983-1986 được thử nghiệm và bắt đầu đưa vào biên chế quân đội Liên Xô từ năm 1987. Tuy nhiên, phải 3 năm sau (1990), Liên Xô mới công khai BMP-3 trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ nhiệm 45 năm Ngày Chiến thắng.
BMP-3 dài 6,7 m, rộng 3,3 m, cao 2,3 m và nặng 18 tấn. Xe có khả năng lội nước, tố độ tối đa 70 km/h. Xe có kíp lái 3 người và chở tối đa 7 binh sĩ.
Điểm nổi bật của BMP-3 chính là hỏa lực mạnh với pháo 2A70 100 m, pháo 2A72 30 mm cùng động cơ cực mạnh có công suất 500 mã lực. Ngoài ra, BMP-3 còn có nhiều điểm khác biệt về hệ thống chống tăng, điều khiển hỏa lực, quan sát, trinh sát, liên lạc…và vẫn tiếp tục được hiện đại hóa.
BMP-3 được đánh giá tương đương với các loại xe chiến đấu bộ binh M2A1 Bradly của Mỹ, MCV80 Warrior của Anh hay Puma của Đức.
Ngoài quân đội Nga (hơn 700 chiếc), BMP-3 hiện có trong biên chế của nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Ukraine, Indonesia, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông, châu Âu khác. Năm 1997, Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất BMP-3 của Nga và tự sản xuất mẫu nội địa với tên gọi Type 97.
Hiện nay, các loại xe bọc thép trong biên chế của Lục quân Ấn Độ hiện nay chủ yếu do Liên Xô sản xuất. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Ấn Độ sẽ phải chi tới 30 tỷ USD trong những năm tới để hiện đại hóa hoặc thay thế toàn bộ số vũ khí này. Không ít tướng lĩnh Ấn Độ hiện đang ngả theo hướng mua vũ khí tương tự của Mỹ.