Người chế trực thăng xin tài liệu "cha đẻ" tàu ngầm Trường Sa Người thợ máy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, anh thường có những giao lưu với ông Nguyễn Quốc Hòa qua điện thoại và khâm phục người kỹ sư này.
Gần đây, ông Nguyễn Quốc Hòa, doanh nhân đang chế tạo chiếc tàu ngầm mini Trường Sa 1 tại Thái Bình, có thể chế tạo thành công chiếc trực thăng một cách đơn giản, có thể bay được với giá thành 200 triệu đồng.
Biết được thông tin này, anh Nguyễn Văn Thắng (Gia Quất, Long Biên, Hà Nội), người đang tự nghiên cứu chế tạo một chiếc máy bay trực thăng đã có những nhận định.
Chia sẻ với phóng viên, anh Thắng cho biết: “Với giá thành 200 triệu đồng thì tôi nghĩ có thể làm được. Chiếc máy bay của tôi ước đoán cũng hết khoảng tiền đó. Đắt nhất trong đó là động cơ, tôi sử dụng một động cơ ô tô cũ. Tuy nhiên, để làm thành công tới mức bay được ngay, tôi nghĩ đó không phải là một điều dễ dàng.”
“Dù ông Hòa có chế tạo thì cũng cần phải thử nghiệm nhiều lần, tôi e rằng khó có thể trong một sớm một chiều mà thành công. Đồng thời, muốn bay được còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trong đó điều đơn giản là cũng cần phải biết lái.
Tôi đồng ý về quan điểm mình chế tạo ra được thì sẽ lái được. Nhưng khi bay lên độ cao nhất định, những yếu tố gió, độ cao sẽ tác động rất lớn đến sự hoạt động của cánh quạt chính và cánh quạt điều hướng. Chế tạo là điều không khó, nhưng kiểm soát được nó có lẽ cần phải mất nhiều thời gian để thử, tập.” – Anh Thắng nhận định.
Người thợ máy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ thêm, anh cũng thường có những giao lưu với ông Nguyễn Quốc Hòa qua điện thoại và khâm phục người kỹ sư này.
“Qua cách nói chuyện của ông, tôi cảm thấy ông dễ gần, và có kiến thức cơ khí thực sự, bài bản. Và quan trọng là ông ấy có máu đam mê, cũng giống như tôi. Nếu ông Hòa muốn chế tạo trực thăng, tôi nghĩ ông ấy sẽ làm được” - anh Thắng nói.
Anh Thắng cũng cho biết đã từng nhiều lần muốn xin ông Hòa tư liệu về cách thức chế tạo máy bay, tuy nhiên đến thời điểm này anh chưa nhận được nhiều chỉ dẫn.
Người chế tạo trực thăng (ảnh trái) và người chế tạo tàu ngầm (ảnh phải)
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hòa đã từng nhận định chế tạo một chiếc máy bay không khó. Nó chỉ như một cái ghế cắm cánh quạt trên đầu là có thể bay. “Tôi mê câu cá, đợt nọ định làm vài cái trực thăng mini đi câu. Tôi là dân chế tạo máy, nên tôi sẽ bào, sẽ tiện, sẽ tính để cánh quạt và cái trục quay thật cân, thật chuẩn, gắn động cơ ngoại nhập vào, giá một helicopter (trực thăng) thế có thể chỉ 150-200 triệu đồng/chiếc. Không có gì là khó cả. Cái khó nhất là giấy phép để bay. Để có được cái giấy lên bầu trời đó, mới là một điều khó như tìm đường lên trời".
Bên cạnh đó, ông quả quyết rằng: "Tôi cam kết, nếu được cho phép, tôi sẽ sản xuất được, bán với giá 200 triệu/chiếc. Cũng như giờ thử nghiệm thành công tàu ngầm rồi, nếu ai đó bỏ 4-5 tỉ đồng ra, phối hợp sản xuất chiếc tàu ngầm dài 20m, hiện đại hơn Trường Sa 1, tôi sẽ làm được”.
Tất cả những việc làm của ông đều hướng đến một mục đích cao cả, đó là: “Việc của tôi là đốt một que diêm để thắp lên giấc mơ sản xuất tàu ngầm và trực thăng trong những người dám ước mơ. Việc sản xuất những cỗ máy tuyệt vời hơn dạng này, là trách nhiệm của những người dám ước mơ tiếp theo.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thắng hôm 16.1.2014 đã thử nghiệm chiếc trực thăng tự chế lần thứ ba, và đã thất bại, khiến chiếc máy bay bị hư hỏng phần cánh quạt chính. Tuy nhiên ngay sau đó, anh đã bị đoàn công tác thuộc quân đội lập biên bản không cho phép chế tạo thử nghiệm. Gần đây, anh Thắng còn tiếp tục phải ký một biên bản với công an quận Long Biên.