Bắt nguồn từ súng trường tấn công IMI Galil
Vào cuối những năm 1950, Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) đã thông qua việc đưa vào sử dụng súng trường tấn công FN FAL 7,62 x 51 mm. Sau đó hai biến thể chính dựa trên FAL đã ra đời, đó là súng trường cá nhân Aleph và súng máy cấp tiểu đội Beth.
Các khẩu súng mới đã được nhìn thấy sử dụng phổ biến trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Tuy nhiên chúng nhanh chóng bộc lộ các nhược điểm như: độ tin cậy kém trong điều kiện chiến trường đầy cát bụi của Trung Đông, quá dài và cồng kềnh.
Cũng trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày, Israel đã thu được chiến lợi phẩm hàng ngàn súng trường AK-47 và bắt đầu tìm hiểu, đánh giá chúng. Rõ ràng AK-47 là vũ khí đáng tin cậy và dễ kiểm soát hơn nhiều so với FAL. Bởi vậy, IDF đã tiến hành quá trình mua sắm hoặc thiết kế một súng trường tự động mới.
Đây có thể coi là một hợp đồng béo bở mà các công ty vũ khí nước ngoài không thể bỏ qua. Mỹ chào hàng M16A1, Nga thì AK-47, Đức là HK 33 và Uziel Gal (người chế tạo ra khẩu Uzi) cũng có một khẩu súng của riêng mình.
Ngoài ra, còn một thiết kế nội địa khác được đề xuất bởi Yisrael Galil, đây là khẩu súng trường dựa trên mẫu RK-62 của Phần Lan. Nhưng trong khi RK-62 bắn đạn 7,62 x 39 mm giống như AK-47 thì súng trường của Galil sử dụng đạn 5,56 x 45 mm M193 nhỏ hơn.
Các thử nghiệm tiến hành từ cuối thập niên 1960 tới đầu những năm 1970 với kết quả Galil được tuyên bố chiến thắng. Khẩu súng mới được đặt tên theo người chế tạo ra nó - Galil và được thông qua vào năm 1972 như một sự thay thế cho FN FAL.
Vào năm 1983, một khẩu súng mới có thiết kế chính dựa trên Galil AR (phiên bản súng trường tấn công của Galil) được giới thiệu tới IDF. Đây là biến thể nâng cấp của Galil AR với tên gọi Galatz - rút gọn của Galil Tzalafim, có nghĩa là Súng bắn tỉa Galil (Galil Sniper, một tên gọi khác của khẩu súng này).
Ngôi sao mới của đội tuyển bắn súng quân dụng Việt Nam
Tương tự như M21 và Dragunov SVD, Galatz đôi khi không được xem là súng bắn tỉa thực thụ, mà là một súng trường dành cho lính thiện xạ (DMR). Nó được thiết kế để sử dụng bởi các tay thiện xạ trong tiểu đội, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động tổng thể, hỏa lực và độ chính xác, khác với súng bắn tỉa thông thường.
Phiên bản “truyền thống” của Galatz có khối lượng cơ bản 6,4 kg, chiều dài 1.112 mm, khi gập báng còn 845 mm với nòng dài 508 mm.
Nòng súng dài và nặng hơn Galil AR giúp hãm và kiểm soát tốt hơn đầu đạn có năng lượng lớn. Phần đầu nòng được trang bị bộ phận hãm nảy kiêm loa che lửa với thiết kế nhiều lỗ tròn và rãnh.
Phần thân của súng được rèn thép cứng phay, giúp tăng độ cứng và tránh hiện tượng bị bung do bắn nhiều như cách làm bằng thép tấm rồi ghép lại bằng đinh tán.
Súng gần như không sử dụng polymer trong thiết kế. Dễ nhận thấy, Galatz có báng gỗ đặc với tấm đệm rất dày phía sau giúp giảm lực tác động vào vai. Báng súng cũng có thể tinh chỉnh các yếu tố như chiều dài báng và chiều cao của tấm tựa vào má.
Do phần tựa vào má nằm ở bên trái nên khẩu súng này có vẻ thích hợp với xạ thủ thuận tay phải hơn. Khi không sử dụng, báng súng có thể gấp lại về phía bên phải để tiết kiệm không gian.
Ốp lót tay trước của Galatz cũng được làm bằng gỗ với tấm lót cách nhiệt bên trong. Một chân chống chữ V của Harris được trang bị sẵn ở vị trí cuối ốp lót để tăng độ ổn định khi bắn, chân chống này cũng có thể gập về phía trước.
Với một khẩu súng bắn tỉa hay dành cho thiện xạ như Galatz thì ống ngắm quang học là phụ kiện không thể thiếu. Súng sử dụng một hệ thống ray riêng biệt chứ không phải Picatinny như như nhiều mẫu súng khác.
Điểm đặc biệt là hệ thống ray này nằm bên thân trái của súng cũng như ống ngắm được lắp hơi lệch về bên trái một chút. Điều này giúp Galatz có thể sử dụng đồng thời cả ống ngắm lẫn thước ngắm cơ khí.
Galatz sử dụng ống ngắm Nimrod 6x40 hoặc một kính nhìn đêm chuyên dụng. Nimrod 6x40 cho độ phóng đại 6 lần, với một số tính năng cơ bản của ống ngắm thông thường, khả năng tháo lắp cũng rất nhanh chóng và dễ dàng.
Thước ngắm cơ khí của súng là có hình chữ L với tầm bắn điều chỉnh trong mức 500 m. Thước ngắm phía sau có thể bù độ cao còn điểm ruồi phía trước bù được gió. Ngoài ra, thước ngắm và điểm ruồi còn có 3 điểm phát sáng tự nhiên tritium, ban đêm xạ thủ sẽ lật lên để định vị mục tiêu tốt hơn trong cự ly 100 m.
Máy súng Galatz giống như những đại diện khác của gia đình Galil nhưng được thiết kế dành cho cỡ đạn lớn hơn. Súng sử dụng cơ chế nạp đạn bằng khí nén kiểu Kalashnikov rất tin cậy và đơn giản với khóa nòng xoay hai móc, giúp khóa viên đạn vào vị trí cố định.
Khóa an toàn của súng có hai chế độ là an toàn và bán tự động. Cò súng là loại hai nấc với khả năng điều chỉnh lực nhấn sao cho phù hợp nhất với từng xạ thủ.
Galatz sử dụng đạn 7,62 x 51 mm NATO, sơ tốc đầu đạn đạt 815 m/s với tầm bắn hiệu quả lên tới 600 - 800 m. Súng thường sử dụng hộp tiếp đạn có sức chứa 12 hoặc 25 viên với cơ chế tháo giống như dòng súng AK.
Theo đánh giá, Galatz có độ chính xác khoảng 1,5 MOA, thấp hơn khi so với con số 1 MOA của M21. Tuy nhiên đối với một khẩu súng có ưu điểm bắn khá nhanh như Galatz thì con số 1,5 MOA hoàn toàn chấp nhận được.
Chiến sĩ Hải quân đánh bộ Việt Nam đang tập bắn SR-99. Ảnh: Quân đội nhân dân
Hiện tại, một số phiên bản hiện đại của Galatz đã được phát hành với việc thay thế gỗ bằng polymer nhằm giảm bớt khối lượng. Báng súng có dạng khung nhôm cũng như ốp lót tay trước làm bằng polymer, giúp cho thiết kế của súng trở nên hiện đại và sử dụng thoải mái hơn.
Hiện tại, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa vào sử dụng mẫu Galatz truyền thống và SR-99 - một phiên bản nâng cấp hiện đại hóa của Galatz.