Tin liên quan: Khủng hoảng Ukraine: Hủy HĐ bán Mistral, Pháp sẽ bị phạt cực nặng
Một sĩ quan giấu tên của Nga tiết lộ với tờ ARM-TASS rằng Pháp sẽ phải trả cho Nga hơn 1,2 tỷ euro tiền bồi thường nếu cắt đứt hợp đồng đóng và vận chuyển tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Nga.
Số tiền này bao gồm giá trị hợp đồng của 2 chiếc Mistral và tiền phạt vì không chuyển giao tàu, trong đó giá trị hợp đồng là 1,1 tỷ euro.
Nếu đúng như vậy thì mức tiền bồi thường trên có phần gây ngỡ ngàng khi mà trước đó một nguồn tin giấu tên từ Tập đoàn Đóng tàu thống nhất Nga (USC) đã nói với tờ Itar-Tass rằng nếu có bất cứ sự gián đoạn nào trong hợp đồng đóng 2 tàu Mistral, Pháp sẽ bị phạt rất nặng.
"Về khía cạnh tài chính, cần lưu ý rằng hợp đồng năm 2011 đã dự kiến những biện pháp phạt nặng dành cho bên nào không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình" - Nguồn tin nói.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cảnh báo rằng trước khi cắt hợp đồng, Pháp nên tính toán mức thiệt hại sẽ phải chịu.
"Sóng gió trên bán đảo Crimea sẽ lặng dần và các mối quan hệ sẽ được khôi phục. Khi các chính trị gia châu Âu đưa ra một tuyên bố như vậy ngày hôm nay, họ nên nghĩ về hậu quả, chủ yếu liên quan tới lợi ích của chính đất nước họ. Cá nhân tôi đề nghị Ngoại trưởng Pháp và các chính trị gia châu Âu hãy bình tĩnh. Nếu không, họ sẽ có những bước đi mà chắc chắn kéo theo những hậu quả đáng kể" - Ông Rogozin nói.
Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình TF-1 hôm 17/3, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay Pháp có thể sẽ cân nhắc hủy hợp đồng bán tàu đổ bộ Mistral cho Nga, do những leo thang ngày càng tăng ở Crimea, trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine.
Theo hãng tin Itar-Tass, hợp đồng 1,1 tỷ euro đóng 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral được ký kết giữa tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport và hãng đóng tàu DCNS (Pháp) vào tháng 6/2011.
Theo hợp đồng, mỗi tàu Mistral sẽ được đóng tại Pháp trong 36 tháng. Chiếc đầu tiên mang tên Vladivostok dự kiến sẽ được đưa về thành phố St. Petersburg (Nga) vào tháng 12/2014. Tại đây, con tàu sẽ được trang bị các loại vũ khí của Nga, cũng như tích hợp nhiều hệ thống khác.
Sau khi công đoạn này và việc đào tạo thủy thủ hoàn tất, tàu Vladivostok sẽ di chuyển về cảng nhà của Hạm đội Thái Bình Dương.
Chiếc tàu thứ 2 mang tên Sevastopol dự kiến được chuyển về St. Petersburg vào tháng 11/2015, sau đó sẽ gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương vào nửa sau năm 2016.
Thủy thủ phục vụ trên 2 con tàu (mỗi tàu 177 người) và 60 hướng dẫn viên (đội ngũ sẽ giúp thủy thủ vận hành tàu) đang được đào tạo bởi các chuyên gia Pháp.
"Giai đoạn huấn luyện đầu tiên đã bắt đầu vào tháng Hai năm nay và sẽ tiếp tục cho tới cuối tháng Năm. Giai đoạn hai sẽ bắt đầu từ tháng Sáu cho tới tháng 10 tại Saint-Nazaire (Pháp) cả trên bờ và trên tàu Vladivostok. Chi phí huấn luyện đã được bao gồm trong hợp đồng" - Một đại diện của Nga nói với hãng Itar-Tass.
Ngoài 2 chiếc tàu này, Nga còn mua công nghệ của Pháp dành cho các hệ thống liên lạc và kiểm soát thông tin tác chiến.
Căn cứ cho tàu Vladivostok và Sevastopol sẽ được xây dựng vào cuối năm 2015. Căn cứ này sẽ được hoàn thiện tại thành phố Vladivostok, miền Viễn Đông vào cuối tháng 12/2017.
Nga sẽ cân nhắc mua thêm 2 chiếc tàu nữa từ Pháp, sau khi xem xét hoạt động của 2 chiếc đầu tiên.
Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral tải trọng 21.000 tấn dài 210m, tốc độ hải trình 18 hải lý/h và phạm vi hoạt động lên tới 20.000 dặm. Thủy thủ đoàn 170 người, con tàu cũng có thể chuyên chở thêm 450 người. Lực lượng không quân trên tàu gồm 16 trực thăng, 6 trong số đó có thể cất cánh cùng lúc. Năng lực vận tải với khả năng chứa hơn 40 xe tăng và 70 xe cơ giới. Tàu đổ bộ lớp Mistral có thể tiến hành 4 nhiệm vụ, tiếp nhận trực thăng, đổ bộ lực lượng, hoạt động như một trung tâm chỉ huy và có thể sử dụng như bệnh viện nổi.