Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh

Trung tá, Tiến sỹ Phạm Thanh An |

Cùng với những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám hiện đại đã hình thành và phát triển, đem lại hiệu quả cao cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng.

Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KHCN) mạnh mẽ và sâu sắc, làm thay đổi hình thức và nội dung mọi hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội của loài người.

Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam đã và đang tích cực, đẩy mạnh áp dụng những thành tựu, tiến bộ mới của các lĩnh vực KHCN mũi nhọn nhằm tạo cơ hội đi tắt đón đầu, phát huy lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá và chủ động hội nhập.

Cùng với những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám hiện đại đã hình thành và phát triển, đem lại hiệu quả cao cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng.

Công nghệ viễn thám ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực như: Điều tra cơ bản, khai thác và quản lý tài nguyên; giám sát và bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; tổ chức và quản lý lãnh thổ; quốc phòng - an ninh (QP-AN)...

Nhờ các khả năng, hiệu quả đa ứng dụng nêu trên, công nghệ viễn thám đã có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển lâu bền của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, công nghệ viễn thám bắt đầu được ứng dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ và khẳng định tính ưu việt của công nghệ viễn thám so với các phương pháp thu thập, phân tích thông tin truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) địa hình và thông tin địa lý.

Tuy nhiên, do nhiều tác động của điều kiện khách quan và chủ quan, công nghệ viễn thám ở Việt Nam phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước tiên đó là kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực nhằm làm chủ công nghệ còn hạn chế, việc nghiên cứu ứng dụng còn dàn trải và trùng lặp, thiếu định hướng mang tính chiến lược lâu dài.

Ngày 14/6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137/2006/QĐ/TTg phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam, với nhiệm vụ tạo ra tiềm lực về KHCN vũ trụ, bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị, triển khai ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh, đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.

Đây là một trong những yếu tố then chốt góp phần phát triển công nghệ viễn thám ở nước ta.


Lãnh đạo Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu tham dự Lễ ký Hợp đồng thực hiện các đề tài cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ (tháng 4/2014).

Lãnh đạo Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu tham dự Lễ ký Hợp đồng thực hiện các đề tài cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ (tháng 4/2014).

Trong quân đội, những năm qua, ngành Địa hình quân sự nói chung và Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) nói riêng đã có các phương án cụ thể để tiếp cận và triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ nhiệm vụ QP-AN.
Cụ thể, ngành Địa hình quân sự đã cử cán bộ đi học tập, đào tạo chuyên sâu ngắn và dài hạn trong và ngoài nước, mở rộng phạm vi hợp tác, chuyển giao công nghệ về lĩnh vực viễn thám với các hãng, công ty hàng đầu thế giới.

Nhờ đó, độ đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu ngày càng nâng cao, chỉ tính riêng Phòng Bản đồ - Viễn thám (Cục Bản đồ, BTTM) có hơn 80% cán bộ chuyên môn đạt trình độ tiến sỹ chuyên ngành.

Các nội dung trọng tâm của việc nghiên cứu và kết quả ứng dụng thành công công nghệ viễn thám tại ngành Địa hình quân sự nói chung và Cục Bản đồ, BTTM nói riêng trong những năm gần đây, tập trung trên một số lĩnh vực sau:

Nghiên cứu, làm chủ công nghệ, qui trình khai thác sử dụng ảnh vệ tinh cho các mục đích như thành lập, cập nhật bản đồ, xây dựng CSDL địa hình và thông tin địa lý; hỗ trợ trong giải quyết các bài toán phân tích, chiết xuất thông tin chuyên đề (Giải đoán mục tiêu quân sự, hiện trạng sử dụng đất...); đo vẽ mô hình số độ cao (DEM) từ cặp ảnh lập thể ảnh hàng không chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số Vexcel Ultracam XP và ảnh vệ tinh; ứng dụng thiết bị bay không người lái có điều khiển AV) trong thành lập bản đồ tỷ lệ lớn có độ chính xác cao, bản đồ 3 chiều (bản đồ 3D); quay phim và truyền hình ảnh trực tiếp từ hiện trường về Trung tâm Điều hành, chỉ huy trong Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo năm 2013 (ARDEX-13)...

Để cập nhật, trao đổi, năm bắt thông tin chuyên ngành kịp thời, hàng năm, Cục Bản đồ tiếp xúc và làm việc hàng chục lượt với các đối tác là các hãng, công ty đến từ các quốc gia có công nghệ viễn thám phát triển như Nga, Mỹ, Ca-na-đa, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a...

Bên cạnh đó, chủ động tham gia tích cực vào các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế để nắm bắt xu thế phát triển của công nghệ.

Từ đó, mở ra các hướng hợp tác, nghiên cứu thử nghiệm và ứng dụng cụ thể trong qui trình sản xuất, cập nhật CSDL địa hình và thông tin địa lý phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hiện nay Cục Bản đồ đang chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 để xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và thông tin địa lý quân sự nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và bảo đảm địa hình ngoài lãnh thổ” thuộc Chương trình KHCN độc lập cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2012 - 2015 (gọi tắt là Chương trình KHCN-VT/12-15).

Các hạng mục, nội dung nghiên cứu đều bảo đảm chất lượng và tiến độ, đã tổ chức thành công 2 hội thảo khoa học (1 cuộc trong nước tại Vĩnh Phúc và 1 hội thảo quốc tế tại Thủ đô Viêng-chăn, Lào).

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và quản lý trong nước và quốc tế; đồng thời, để quảng bá cho kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài, Cục Bản đồ đã tổ chức 2 khoá huấn luyện đào tạo chuyển giao công nghệ nắn chỉnh hình học ảnh vệ tinh VNREDSat-1 cho đơn vị sản xuất trực tiếp và các cơ quan nghiên cứu, khai thác, ứng dụng ảnh vệ tinh thuộc Chương trình KHCN-VT/12-15.

Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí quốc phòng thường xuyên và tự có, Cục Bản đồ đã chủ động nghiên cứu thành công quy trình bay chụp ảnh bằng thiết bị UAV để thành lập bản đồ 3D có độ chính xác cao.

Kết quả nghiên cứu đã nhanh chóng được áp dụng trong thực tế sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong công tác quy hoạch quản lý sử dụng đất, thiết kế, khảo sát các tuyến đường giao thông, đường điện...

Trong thời gian tới, ngành Địa hình quân sự tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất, từng bước nâng cao khả năng tự động hoá trong khai thác, sử dụng ảnh vệ tinh (đặc biệt đối với một số công nghệ mới như ảnh Radar, Lidar, ảnh siêu phổ, ảnh hồng ngoại...) phục vụ các nhiệm vụ tham mưu và bảo đảm bảo địa hình, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị các cấp.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhanh chóng, kịp thời chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu cho cơ sở sản xuất và các đơn vị bản đồ toàn quân để đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Tích cực tham gia và chủ động báo cáo tham luận tại các hội thảo, hội nghị chuyên ngành viễn thám trong và ngoài nước.

Chủ động tham gia tích cực vào các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về ứng dụng các loại ảnh vệ tinh cho các hoạt động quân sự thuộc Chương trình KHCN vũ trụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại