Nổi bật nhất là sự phát triển về công nghệ viễn thám, trắc địa và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin địa không gian, phục vụ công tác ĐHQS.
Trung tá, TS Phạm Thanh An, Phó trưởng phòng Bản đồ-Viễn thám (Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu-BTTM) cho biết:
Cùng với những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám hiện đại đã hình thành và phát triển, ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, nhất là về quốc phòng và an ninh (QPAN)...
Trong Quân đội ta, Cục Bản đồ BTTM đã triển khai đồng bộ các nội dung nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ viễn thám đáp ứng yêu cầu của ngành ĐHQS.
Cục đã tập trung trên một số lĩnh vực: Nghiên cứu, làm chủ công nghệ, quy trình khai thác sử dụng ảnh vệ tinh cho các mục đích như thành lập, cập nhật bản đồ, xây dựng CSDL địa hình và thông tin địa lý; hỗ trợ trong giải quyết các bài toán phân tích, chiết xuất thông tin chuyên đề; đo vẽ mô hình số độ cao (DEM) từ cặp ảnh lập thể ảnh hàng không chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số Vexcel Ultracam XP và ảnh vệ tinh; ứng dụng thiết bị bay không người lái có điều khiển (UAV) trong thành lập bản đồ tỷ lệ lớn có độ chính xác cao, bản đồ 3 chiều (bản đồ 3D); quay phim và truyền hình ảnh trực tiếp từ hiện trường về Trung tâm điều hành, chỉ huy trong Diễn tập ứng phó thảm họa các nước ASEAN (ARDEX-13)...
Cục Bản đồ đã chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công nghệ viễn thám, ứng dụng ảnh vệ tinh để xây dựng CSDL địa hình và thông tin địa lý quân sự, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và bảo đảm địa hình.
Cục còn chủ động nghiên cứu thành công quy trình bay chụp ảnh bằng thiết bị UAV để thành lập bản đồ 3D có độ chính xác cao.
Kết quả nghiên cứu đã nhanh chóng được áp dụng trong thực tế sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong công tác quy hoạch quản lý sử dụng đất, thiết kế, khảo sát các tuyến đường giao thông, đường điện...
Trong phát triển ngành ĐHQS, trắc địa là một trong những lĩnh vực nền tảng.
Theo Thiếu tá, TS Bùi Yên Tĩnh, Phó trưởng phòng Trắc địa-Địa hình (Cục Bản đồ, BTTM), ngày nay, rất nhiều thành tựu KH-CN đang được ứng dụng sâu rộng trong các hoạt động quân sự với mục tiêu đáp ứng các tiêu chí tác chiến hiện đại là nhanh chóng, kịp thời và chính xác.
Từ hàng chục năm qua, Cục Bản đồ đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ dẫn đường vệ tinh toàn cầu (GNSS), làm thay đổi căn bản lĩnh vực trắc địa quân sự.
Hàng loạt các hướng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu chế tạo liên quan đến công nghệ GNSS đã được triển khai và thu được nhiều kết quả tốt.
Đến nay, cục đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác hạ tầng hỗ trợ định vị và dẫn đường bằng công nghệ GNSS bao gồm 6 trạm thu, phát tín hiệu định vị vệ tinh DGPS đặt tại các vị trí từ Bắc vào Nam và một số đảo nước ta.
Nhờ đó, các hệ thống định vị và dẫn đường GPS/DGPS tích hợp với hải đồ điện tử thu tín hiệu từ các trạm DGPS đã được lắp đặt đồng bộ cho tàu của Quân chủng Hải quân, BTL Cảnh sát biển, góp phần nâng cao công tác bảo đảm an toàn hàng hải và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trên cơ sở khai thác công nghệ GNSS và hệ thống trạm DGPS, Cục Bản đồ đã đo đạc xây dựng lưới khống chế trắc địa các cấp hạng khác nhau, phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất bản đồ địa hình quân sự, xây dựng lưới khống chế pháo binh; thiết kế và sản xuất các hệ thống định vị, dẫn đường và giám sát, lắp đặt cho các phương tiện quân sự; nghiên cứu xây dựng mô hình Quasigeoid cục bộ phục vụ cho nhiệm vụ định vị, dẫn đường trực tiếp bằng công nghệ GNSS của Quân đội...
Hệ thống thông tin địa lý (GIS) ngay sau khi ra đời đã được các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng vào mục đích quân sự. Thượng tá, TS Nguyễn Đức Tuệ, Giám đốc Trung tâm Thông tin địa lý (Cục Bản đồ, BTTM) cho biết:
Cục Bản đồ đã chủ động ứng dụng nhanh những thành tựu mới nhất của công nghệ vũ trụ, điện tử và tin học... để tạo ra những sản phẩm mới có tính lưỡng dụng, phục vụ QPAN và kinh tế.
Nhờ có công nghệ bản đồ số và GIS mà hàng loạt bản đồ các dãy tỷ lệ từ 1/10.000 đến 1/1.000.000 được hoàn thành, nâng cao rõ rệt chất lượng công tác tham mưu và bảo đảm địa hình cho toàn quân, đặc biệt là đã cập nhật, chỉnh lý và hiệu chỉnh kịp thời bản đồ các khu vực có sự thay đổi lớn về địa hình, địa vật...
Các loại bản đồ số, GIS và phần mềm ứng dụng đã được Cục Bản đồ chuyển giao cho các Ban Bản đồ toàn quân để phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập các cấp; hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị xây dựng kế hoạch, văn kiện ngành và chuẩn bị kịch bản trình chiếu trong diễn tập.
Để nâng cao hiệu suất khai thác sử dụng các trang thiết bị, vũ khí mới đưa vào trang bị, Cục Bản đồ đang tập trung nghiên cứu xây dựng CSDL nền địa lý quân sự; ứng dụng công nghệ bản đồ tiên tiến và chủ động lập trình, xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ tham mưu địa hình, viết vẽ và trình chiếu văn kiện tác chiến trên nền bản đồ số địa hình 2D và 3D, nhằm rút ngắn thời gian tác nghiệp, phục vụ hiệu quả công tác huấn luyện và diễn tập trong toàn quân.