Việc Nga đưa Iskander tới Syria không còn là tin đồn khi bản tin truyền hình quân đội Nga “vô tình” để lộ hình ảnh xe MZKT 7930, bề ngoài hoàn toàn giống với xe phóng tổ hợp Iskander.
Không rõ toan tính thật sự của việc triển khai Iskander đến Syria là gì nhưng động thái này có thể không làm Mỹ lo sợ một chút nào mà thậm chí còn ngược lại, Washington sẽ được hưởng lợi.
Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Iskander chẳng “mảy may” đe dọa Mỹ được một chút nào. Cơ sở của nhận định này nằm ở chỗ Iskander là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn. Tầm bắn của Iskander chỉ là 500 km, không đủ để bắn từ Syria tới lãnh thổ của Mỹ.
Mặc dù Mỹ có các căn cứ quân sự cách Syria dưới 500 km như hai căn cứ không quân Incirlik (ở Thổ Nhĩ Kỳ) và Al-Shaheed Muwaff¬aq Salti (Jordan) nhưng kịch bản Nga bắn tên lửa Iskander vào các căn cứ quân sự của Mỹ có lẽ chỉ có trong phim viễn tưởng.
Tầm bắn của Iskander-M có thể vươn tới một số căn cứ quân sự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan
Với tiềm lực quân sự của Nga và Mỹ, sẽ không bên nào dám dại dột khơi mào một cuộc chiến bằng cách sử dụng thứ vũ khí mang tính tấn công như tên lửa đất đối đất. Kể cả căng thẳng nhất thời Chiến tranh Lạnh thì hai bên vẫn chỉ phòng vệ mà không hề muốn tấn công trước.
Syria lại càng không dám có hành động “khiêu khích” Mỹ như vậy.
Sẽ có ích hơn nếu đó là các loại vũ khí mang tính phòng thủ như tên lửa phòng không S-400 hoặc tên lửa đất đối hải Bastion, bởi chúng sẽ ngăn chặn hoặc khiến Mỹ dè chừng, phải cảnh giác khi triển khai các máy bay, tàu chiến để can thiệp vào Syria.
Thứ hai, Iskander sẽ nâng cao vai trò của Mỹ đối với các nước láng giềng của Syria.
Các nước lân cận vốn có ít nhiều mâu thuẫn với Syria và có xu hướng bị ảnh hưởng bởi Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Jordan, Ả-rập Xê-út… sẽ hết sức lo sợ với viễn cảnh tên lửa Iskander hiện diện ở Syria. Trong bối cảnh đó, Mỹ được xem là “anh hùng” có thể giúp họ.
Với vị thế chính trị, kinh tế, quân sự của một siêu cường, Mỹ có thể giúp những nước này lên tiếng trên các diễn đàn.
Với kỹ thuật quân sự phát triển, Mỹ có thể giúp họ xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng cường tiềm lực quốc phòng…và ra tay tương trợ nếu xảy ra chiến tranh với Syria.
Syria càng đáng sợ thì các nước láng giềng của Syria càng phụ thuộc vào Mỹ. Đối với Washington, Iskander hiện diện ở Syria không chỉ có lợi về chính trị mà còn về kinh tế, bởi các hợp đồng mua sắm vũ khí sẽ nhiều hơn trước.
Nếu Iskander hiện diện ở Syria, các hệ thống phòng thủ tên lửa như THAAD sẽ là hàng hot của Mỹ cung cấp cho các nước Trung Đông.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ chê tạo có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi từ 150-200 km. Các đối tác của Mỹ trên toàn thế giới đang tìm cách để mua hệ thống đánh chặn THAAD.
UAE đã trở thành khách hàng đầu tiên với hợp đồng trị giá 3,4 tỷ USD. Saudi Arabia và Qatar đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua hệ thống THAAD.
Thứ ba, Mỹ sẽ vui với viễn cảnh Nga sẽ sa lầy ở Syria.
Một khi Nga đã dùng sức mạnh quân sự để giữ cho chính quyền Assad không bị sụp đổ thì trong tương lai, sức mạnh quân sự cũng trở thành phương thuốc biệt dược duy nhất có hiệu quả.
Hay nói cách khác, Nga dựa vào các vũ khí hiện đại của mình để giữ chính quyền Assad thì sẽ phải tiếp tục duy trì chúng ở Syria.
Syria có nhiều vũ khí hiện đại nên phe nổi dậy và các nước có mâu thuẫn với chính quyền Assad cũng sẽ tăng cường vũ khí theo mức tương xứng. Nếu Nga rút đi, chính phủ Syria sẽ không tránh khỏi rơi vào thế yếu hơn so với các phe phái khác.
Mặc dù tuyên bố rút bớt lực lượng ở Syria nhưng với hoàn cảnh hiện tại, Nga chưa thể yên tâm rút toàn bộ lực lượng và kết thúc chiến dịch quân sự tại đây.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã đem lại vị thế chính trị cho Nga nhưng nó cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế.
Giá dầu do Mỹ và đồng minh chi phối ở mức thấp, các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ tiến hành, các căng thẳng mới nảy sinh với Thổ Nhĩ Kỳ khiến thương mại 2 chiều và dự án ống dẫn khí đốt bị đình trệ.
Ngoài ra, căng thẳng ở Trung Đông khiến Nga cần sự ủng hộ của Trung Quốc (mang lại nhiều thương vụ được cho là có lợi với Bắc Kinh), chi phí duy trì các hoạt động quân sự…là những tác nhân gây suy yếu kinh tế nước Nga.
Bài học của Mỹ ở Iraq, Afghanistan và Pakistan vẫn là lời cảnh tỉnh với Nga.
Dù được nhiều nước đồng minh chia sẻ về mặt chiến phí và được tiến hành mà không bị các nước khác “cản trở”, “trừng phạt” như Nga nhưng Mỹ đã bị sa lầy và tìm mọi cách thoát ra, thậm chí kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ.
Các cuộc chiến ở Trung Động khiến nước Mỹ phải tốn kém không chỉ máu mà cả tiền của. Dự án “Phí tổn chiến tranh” thuộc Trường ĐH Brown đã ước tính các cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Iraq, Afghanistan và Pakistan đến hết năm 2014 tốn gần 4.400 tỷ USD.
Mỹ dù là siêu cường về chính trị, kinh tế, quân sự nhưng đã phải tìm mọi cách để chấm dứt cảnh sa lầy ở Trung Đông
Nếu Nga sa lầy ở Syria và rộng hơn là cuộc chiến chưa có điểm kết thúc với các tổ chức khủng bố, Mỹ sẽ “vui mừng” được chứng kiến sự suy yếu và không loại trừ sự chia rẽ của nước Nga.
Tất nhiên Nga nhận ra nguy cơ này và đang thực hiện giảm dần hoạt động quân sự nhưng hành động triển khai Iskander ở Syria là hoàn toàn không có lợi.
Rõ ràng rất bất ngờ khi tên lửa Iskander hiện diện ở Syria. Để tiêu diệt khủng bố thì chẳng gì hiệu quả bằng các máy bay Su-25 vốn được cho là lạc hậu.
Còn nếu Nga muốn đe dọa phe nổi dậy hay các nước láng giềng của Syria thì chỉ có Mỹ là người được lợi. Nói “Mỹ vui mừng khi Nga triển khai Iskander tới Syria” có vẻ hơi nghịch lý nhưng không phải là không có cơ sở.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.