Nghi thức đặc biệt ở Hải đội tàu ngầm Việt Nam

Ông Nguyễn Thiện Toản (Hải đội phó Chính trị) nhớ lại, khi tàu ở độ sâu 70m, các thủy thủ sẽ thực hiện nghi thức nhập môn đặc biệt của lính tàu ngầm.

Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam mang tên

Tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam mang tên "Tàu ngầm Hà Nội".

Kíp tàu tốt nhất Trung tâm huấn luyện

Ngay ngày thứ hai đặt chân đến Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Liên Xô (căn cứ tại Riga, CH Latvia), kíp tàu thăm đài tưởng niệm các thủy thủ tàu ngầm đã hy sinh.

Đó là một tàu ngầm của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường quay về thì bị chìm. Đến năm 1968, tàu mới được trục vớt. Tên của thủy thủ đoàn được khắc trên đài tưởng niệm.

Tất cả học viên khi đến trung tâm này đều đến đặt vòng hoa ở đây, như một bài học nhập môn để hiểu thế nào là tàu ngầm. Bài học đầu tiên đủ để những người lính Việt Nam hiểu, mọi chuyện không dễ dàng.

Hai điểm 5 cho Việt Nam

Thủy thủ tàu ngầm có một nghi thức nhập môn, là uống nước biển. Ông Nguyễn Thiện Toản (Hải đội phó Chính trị) nhớ lại, khi đó, tàu ở độ sâu 70m. Mỗi thủy thủ đều được uống nước biển lấy từ van thông đáy. Đó là lúc họ chính thức thành thủy thủ tàu ngầm.

Tháng 3/1986, 55 thủy thủ Việt Nam đã chính thức trải qua nghi lễ đặc biệt ấy trên biển Baltic. Đó cũng là thời điểm đánh dấu thế hệ thủy thủ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam chính thức được công nhận.

Thế nhưng, để có được giây phút ấy thì trước đó, các thành viên thủy thủ đoàn phải trải qua sáu tháng học trên bờ căng thẳng.

Các giáo viên của Trung tâm huấn luyện đã hướng dẫn đoàn Việt Nam không chỉ bằng quan hệ thầy - trò, mà còn có cả sự thân thiện, vô tư như với những người đồng đội.

Ông Vũ Hồng Hảo, khi đó nhận vị trí Ngành phó Ngành Radar, được tạo điều kiện để phát huy tối đa khả năng trời phú của đôi tai.

Sau mỗi giờ học, ông Hảo lại lân la đến thư viện tìm tài liệu. Trên tàu ngầm, vị trí của radar - sonar cực kỳ quan trọng.

Trách nhiệm của ông Hảo là nghe mọi động tĩnh trên biển để báo cáo, tham vấn cho thuyền trưởng. “Mình xác định đi học cho mình, cho cả đồng đội mình”, với tâm niệm như vậy, ông Hảo tận dụng mọi khả năng để tìm hiểu.

Đôi tai ông Hảo cũng được nhiều chuyên gia nể phục. Trưởng khoa Nghiên cứu Radar khi đó phải thốt lên, “Có bao nhiêu vốn liếng anh đã lấy hết của tôi rồi”.

Ông Hảo đã luyện đôi tai đến mức độ thành thục, có thể phân biệt được tàu khối NATO, tàu khối XHCN, các loại tàu, âm thanh.

Thầy Chishkov, giảng viên môn học này, đã ưu ái cho ông Hảo mượn chìa khóa phòng sưu tập âm thanh của thầy.

Thầy có một bộ sưu tập âm thanh của mọi loại tàu. Mỗi ngày sau giờ học tôi lại đến đó nghe. Luyện được một năm thì có thể phân biệt được”, ông Hảo kể.

Ông Nguyễn Thiện Toản cũng kể, thầy giáo Liên Xô nói họ phải rèn luyện nhiều năm mới có được đôi tai như thế, còn ông Hảo là thiên bẩm. Trưởng khoa Nghiên cứu Radar của trung tâm khi đó cũng đặc biệt quý ông Hảo.

Nhờ thế ông được cho mượn thẻ thư viện mật để có thể mượn và đọc các tài liệu mà bình thường rất hiếm người được tiếp cận.

Sau giờ học, ông Hảo lại vào thư viện tìm tài liệu, ghi nhớ các chi tiết máy móc, rồi về phòng nhớ lại, vẽ ra sổ tay. Sau một năm, ông Hảo vẽ hết được sơ đồ máy móc chuyên ngành của mình trên tàu proeckt 613 và proeckt 641.

Môn học mà nhiều thủy thủ đoàn nhớ nhất là Đấu tranh vì sự sống con tàu. Giáo viên phụ trách môn học là một người gốc Á, tên là Lim. Ông Lim đặc biệt nghiêm khắc, nhưng lại rất có cảm tình với các học viên Việt Nam.

Ngay những ngày còn ở trong phòng học, ông Lim đã nhắc nhở: “Mỗi phút lắng nghe trên lớp, sẽ là cả một năm sự sống của con tàu, của bản thân thủy thủ”.

Đây là môn học dễ khiến nhiều học viên buồn chán. Nhưng tất cả sĩ quan từ cấp cao nhất đến chiến sĩ đều phải học nghiêm túc. Ông Trần Văn Thịnh nhớ khi đó, một vị Chuẩn đô đốc của Syria cho rằng ở vị trí cao cấp như ông ta thì không cần phải học.

Nhưng các giáo viên nói: “Nếu ông không biết, ông không thể chỉ huy được”. Ngay cả vị tướng đó cũng phải xuống tàu tham gia thực hành như anh em chiến sỹ.

Ông Hảo còn ghi trong nhật ký, ngày đầu tiên thực hành, ông và ba người đồng đội lúng túng vô cùng. Khoang tàu chật, bộ quần áo cứu hộ nặng nề, khó di chuyển, trong tàu không nói chuyện được, cả bốn đều phải dùng điệu bộ để phối hợp. “Lúc đó mới thấy không hiểu nhau thì thao tác khó khăn đến thế nào”, ông Hảo nói.

Thế nhưng đến ngày thứ ba thì mọi việc suôn sẻ. Thầy Lim dạy nhiều kíp tàu đến từ nhiều nước khác nhau, nhưng ông chỉ có hai điểm 5 (điểm cao nhất) vào thời gian đó, cả hai đều dành cho các học viên Việt Nam.

55 thủy thủ đoàn khung tàu đầu tiên, sau một thời gian xuống tàu đã có thể tự tác chiến độc lập mà không cần các thủy thủ Liên Xô kèm cặp.

Thuyền trưởng đầu tiên

Con tàu thủy thủ đoàn Việt Nam được học là tàu ngầm diesel đề án 613 (gọi tắt là 613), được chế tạo trong những năm 1950 thế kỷ trước.

Theo thiết kế, thân tàu ngầm 613 có hai lớp. Lớp trong hoàn toàn kín, với lớp ngoài được chia thành bảy khoang để chứa nước gọi là các két. NATO gọi 613 bằng cái tên lãng mạn Romeo.

Đại tá Phạm Tân đã từng có thời gian đi thực tế tại Ba Lan, cũng trên tàu 613 nên có cái nhìn rất cơ bản về tàu ngầm.

Ông Phạm Tân kể lại, khi biết ông được cử là thuyền trưởng, phía chuyên gia Liên Xô tỏ ý nghi ngờ khả năng và muốn nói chuyện với ông trước. Ông Tân đã thuyết phục được những ông thầy khó tính bằng kinh nghiệm nhiều năm đi biển và cả thời gian thực tập trên tàu ngầm của Hải quân Ba Lan, trong thời gian học tập tại Học viện Hải quân. Sau buổi nói chuyện, chuyên gia Liên Xô đã bắt tay ông đầy vui vẻ.

Thuyền trưởng tàu ngầm có vai trò cực kỳ quan trọng, là tư lệnh tối cao trên tàu. “Khi tàu làm nhiệm vụ, thuyền trưởng hầu như không ngủ”, ông Tân nhớ lại.

Số mệnh thuyền trưởng gắn với con tàu, khi có sự cố bắt buộc thủy thủ phải rời tàu, thuyền trưởng sẽ phải ở lại, nhấn nút kích hoạt hệ thống chất nổ để phá hủy con tàu và hy sinh cùng nó. Ông Vũ Hồng Hảo nói, mỗi lần tập bắn, ông Tân luôn chỉ huy bắn chính xác mục tiêu. Trong các trận chiến, thành bại nằm ở khả năng phán đoán của thuyền trưởng.

Ngày lễ tốt nghiệp, ông Phạm Tân được trao tặng phù hiệu thuyền trưởng tàu ngầm theo một cách thức đặc biệt. Chiếc huy hiệu được thả dưới đáy một cốc vodka đầy. Giám đốc trung tâm đào tạo Riga hóm hỉnh nói với ông, “Lặn xuống, thì phải nổi” và yêu cầu ông Tân uống cạn. Cạn cốc rượu, chiếc phù hiệu mới thuộc về ông Tân. Chiếc phù hiệu đó, ông Tân vẫn giữ sau hơn 30 năm, cùng tấm bằng chứng nhận loại xuất sắc với bảng điểm hầu hết là điểm 5.

Tháng 6-1986, kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp. Các chuyên gia của Trung tâm huấn luyện, giữa rất nhiều đội tàu đến từ Ba Lan, Đức, Rumani, Cuba, Syria, Ấn Độ, Libya… đều thừa nhận Việt Nam là một trong những kíp tàu tốt nhất họ đào tạo thời điểm đó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại