Trang mạng Strategy Page của Mỹ vừa có bài viết cho rằng ngành chế tạo tàu ngầm hạt nhân Nga đang khủng hoảng trầm trọng. Cụ thể, cuối năm 2013, Hải quân Nga thông báo kế hoạch đại tu 9 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula (tên tiếng Nga là Project 971 Shchuka B) sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Trên thực tế, tàu ngầm Akula đầu tiên sẽ phải ngừng hoạt động 3 năm để tiến hành nâng cấp. Công việc nâng cấp 8 chiếc còn lại sẽ được tiến hành nhanh hơn nhưng để hoàn tất toàn bộ công việc này ít nhất cũng phải mất 10 năm hoặc có thể gần 15 năm.
Việc tân trang các tàu ngầm Akula bao gồm thay thế hầu hết các hệ thống dây cáp và hệ thống điện, cũng như thiết bị xử lý tên lửa. Nhiều hệ thống cơ khí khác sẽ được thay thế hoặc nâng cấp. Sau khi nâng cấp, các con tàu sẽ có độ ồn thấp hơn, điều này rất quan trọng đối với hoạt động tác chiến dưới biển.
Trong số 9 chiếc tàu ngầm trên, chiếc đầu tiên đi vào hoạt động từ năm 1984, kể từ đó, đã có 15 chiếc được chế tạo. Việc chế tạo một số chiếc đã bị hủy bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và tới nay, một vài chiếc lớp này đã được nghỉ hưu. Chiếc Akula mới nhất đi vào hoạt động hai năm trước đây và sau đó đã được cho Ấn Độ thuê.
Những chiếc tàu tải trọng 8.100 tấn này dự kiến sẽ được thay thế bằng những tàu ngầm lớp Graney (tên tiếng Nga là Yasen) mới. Tuy nhiên, kế hoạch thay thế này chưa được tiến hành do những trục trặc xảy ra đối với những tàu ngầm Graney. Bên cạnh đó, Hải quân Nga hiện chưa có đủ ngân sách để thay thế những tàu ngầm hạt nhân hiện đang già cỗi nhanh chóng của họ, do đó, họ quyết định phải bỏ ra một hoặc hai năm và với số tiền trên 100 triệu USD để nâng cấp và tân trang mỗi chiếc Akula hiện có để đảm bảo rằng chúng có thể duy trì hoạt động thêm một hoặc hai thập kỷ nữa.
Quá trình tân trang chiếc tàu ngầm Akula đầu tiên sẽ mất nhiều thời gian hơn vì kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh năm 1991, rất nhiều tài liệu kĩ thuật về tàu Akula đã bị mất mát, đồng thời rất nhiều các kĩ sư lành nghề và thợ kĩ thuật đảm nhiệm công việc này đã nghỉ hưu hoặc chuyển qua những công việc dân sự có thu nhập cao hơn nhiều.
Chính vì vậy, khi kế hoạch nâng cấp này được tuyên bố đầu năm 2013, nó không được đánh giá cao. Việc tuyển chọn được những đội ngũ chuyên môn có đủ trình độ và nghiên cứu công đoạn tháo rời và sau đó tái lắp ráp một tàu ngầm Akula cũng đồng nghĩa với việc sẽ tốn nhiều thời gian hơn để nâng cấp toàn bộ 9 tàu ngầm Akula.
Trong khi đó, việc triển khai các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) Graney đã bị trì hoãn hai lần trong năm 2012. Các cuộc thử nghiệm trên biển đã bộc lộ vấn đề lò phản ứng hạt nhân của con tàu không sản sinh ra đủ năng lượng đáp ứng yêu cầu và khả năng duy trì độ ồn thấp dưới biển của con tàu đã không được như mong muốn. Một tàu ngầm thiếu năng lượng và có tiếng ồn cao rõ ràng là không chấp nhận được.
Hải quân Nga hiện yêu cầu nhà sản xuất phải khắc phục toàn bộ điểm yếu này trước năm 2014. Thế nhưng, yêu cầu này là bất khả thi bởi sự thiếu hụt nhân lực đủ trình độ có thể đảm nhiệm công việc này. Vấn đề này đã tạo ra hàng hoạt những thất bại khác.
Trước đó những trục trặc không được công bố với chiếc Graney đầu tiên đã khiến việc đưa nó vào hoạt động bị trì hoãn ít nhất một năm. Những trục trặc này không chỉ giới hạn ở tàu Graney, bởi những tàu ngầm mới khác hiện cũng đang gặp phải vô số những vấn đề về thiết kế và chế tạo.
Ngành chế tạo tầu ngầm của Nga gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991. Tại thời điểm đó, có rất nhiều tàu ngầm đang trong giai đoạn chế tạo bị hủy bỏ, kèm theo đó có một số tránh được điều này thì lại phải bỏ ra hàng thập kỉ hoặc lâu hơn để chờ đợi có đủ tiền để hoàn thiện.
Việc chế tạo chiếc Graney đầu tiên có tên Severodvinsk bắt đầu năm 1993, và theo kế hoạch ban đầu nó phải được hoàn tất và triển khai hoạt động trong năm 1998. Tuy nhiên, sau một vài năm, việc chế tạo con tàu này đã bị gián đoạn, mãi đến năm 2004 mới được nối lại. Nếu như công việc không bị gián đoạn thì chiếc tàu lớp Graney thứ hai có thể sẽ sẵn sàng hoạt động trong vòng chưa đầy 6 năm nhưng với tình hình hiện nay, việc này phải mất ít nhất 7 hoặc 8 năm.
Tàu ngầm Graney được trang bị 24 tên lửa hành trình, các ống phóng như lôi 650mm. Một số tên lửa hành trình có thể có tầm bắn trên 3.000km, trong khi đó những tên lửa còn lại được thiết kế là những “sát thủ diệt tàu sân bay”. Ống phóng ngư lôi kích thước lớn hơn cũng cho phép phóng các tên lửa từ đó, đồng thời có thể phòng các loại ngư lôi lớn và uy lực hơn.
Các tàu Graney được trang bị những ngư lôi dò tìm mục tiêu thông minh, được thiết kế dành riêng cho tàu ngầm này. Có điều, ngay cả những ngư lôi mới này hiện cũng đang gặp nhiều trục trặc trong giai đoạn phát triển và có thể bị hủy bỏ.
Các tàu ngầm lớp Graney có độ tự động hóa cao, đây là lí do số lượng thành viên thủy thủ đoàn chỉ chưa bằng một nửa số 134 người cần thiết để điều khiển tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Thiết kế của tàu Graney dựa trên các tàu ngầm lớp Akula và lớp Alfa trước đó. Nga ban đầu có kế hoạch chế tạo 30 chiếc Graney, tuy nhiên đến nay 8 chiếc được xem là một mục tiêu lạc quan nhất.
Theo Strategy Page, nhu cầu nâng cấp các tàu ngầm từ thời chiến tranh lạnh của Nga có lẽ chỉ phục vụ mục đích làm tăng số lượng các tàu ngầm mà thôi.