Truyền thông Nga đưa tin, công ty Hệ thống phòng không Almaz-Antei của nước này họ đang hướng tới cung cấp hệ thống phòng không hiện đại sang thị trường châu Phi, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang thực hiện việc cấm vận vũ khí đối với Moscow.
Nga đang hướng tới việc xuất khẩu hệ thống tên lửa sang châu Phi
Tại cuộc Triển lãm Quốc phòng và Hàng không vũ trụ châu Phi (Africa Aerospace and Defense 2014 Exhibition) - một trong những triển lãm quốc phòng lớn nhất của châu lục này diễn ra từ ngày 17-21/9/2014 tại Pretoria, Nam Phi, Almaz-Antei đã lần đầu trưng bày hàng loạt các sản phẩm của họ như hệ thống phòng không tầm ngắn Tor-M2, Tor-M2KM và tầm trung Buk-M2E.
Đáng chú ý, Nga hiện đang dự định xây dựng tại đây các trung tâm chăm sóc khách hàng hệ thống tên lửa phòng không trên khắp thế giới. Đây có thể sẽ trở thành xu hướng hợp tác có nhiều triển vọng nhất giữa Nga với các bạn hàng nước ngoài.
Hiện nay, Nga chưa xuất khẩu bất kỳ sản phẩm phòng không nào cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng xung quanh vấn đề Ukraine, thì châu Phi được coi là thị trường tiềm năng để các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga hướng đến.
Đây là một tin tốt lành đối với ngành quốc phòng của Nga, tuy nhiên có lẽ nó sẽ khiến Trung Quốc không vui chút nào, bởi động thái trên tiềm ẩn nguy cơ Trung Quốc có thể bị Nga hất cẳng khỏi thị trường châu Phi, khu vực đang có nhu cầu rất lớn về vũ khí.
Lâu nay châu Phi bị thu hút bởi các loại vũ khí giá rẻ của Trung Quốc cho dù chất lượng của chúng "không biết đâu mà lần". Bắc Kinh luôn đưa ra các khoản vay ưu đãi đối với các nước mua vũ khí, đồng thời bán vũ khí với giá rẻ, thấp hơn so với vũ khí của Nga từ 20 - 40% tùy từng loại. Ngoài ra, vũ khí của Trung Quốc có công nghệ không quá phức tạp vì vậy dễ bảo dưỡng, bảo trì, dễ dàng trong việc đào tạo nguồn nhân lực sử dụng và vận hành.
Theo một bản báo cáo vào tháng 10/2013 của trang Bình luận Quân sự Nga, trong giai đoạn 2004 - 2011, nước nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc trong khu vực châu Phi là Nigeria (251 triệu USD) và Zimbabwe (203 triệu USD).
Các loại xe bọc thép chở quân do Trung Quốc sản xuất sao chép lại các mẫu của Nga và phương Tây ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia Đông Phi như Burundi, Kenya và Ethiopia.
Các nước châu Phi được mua vũ khí với giá rẻ, đổi lại Trung Quốc cũng được lợi bởi việc chi trả thường được tiến hành thông qua việc cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận nguồn tài nguyên. Ví dụ, Zambia đã nhiều lần thanh toán với Trung Quốc bằng việc cho phép Trung Quốc khai thác đồng; Kenya đang đàm phán mua vũ khí của Trung Quốc bằng việc thanh toán dần bằng hải sản.
Trong bối cảnh nước Nga đang vướng phải lệnh trừng phạt của châu Âu, phải mở rộng hướng xuất khẩu vũ khí sang các thị trường khác thì khả năng được Nga ưu đãi về giá là hoàn toàn có thể. Một ví dụ điển hình của sự ưu đãi là khi Nga ký hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD với Trung Quốc nhằm tránh phụ thuộc vào một khách hàng là châu Âu, mức giá mà Trung Quốc phải trả cho mỗi mét khối khí của Nga rẻ hơn so với mức giá Nga vẫn bán cho châu Âu. Vì vậy, châu Phi hoàn toàn có thể được ưu đãi nếu mua vũ khí của Mátxcơva.
Một khi lợi thế cạnh tranh lớn nhất của vũ khí Trung Quốc bị mất đi, các quốc gia châu Phi hẳn sẽ chọn vũ khí Nga thay vì hàng "made in China" vốn không được các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá cao về chất lượng.
Bởi thế, dù quan hệ Nga - Trung được ca ngợi là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử nhưng vì lợi ích, Trung Quốc hẳn không tránh khỏi hậm hực trong lòng.