Năm 1991, lần đầu tiên Tomahawk thực chiến với 297 quả mở màn tấn công vào Iraq trong đó 282 quả trúng đích, 2 quả bị bắn hạ, còn lại bị rơi do trục trặc kỹ thuật.
Tấn công Nam Tư năm 1999 mở màn bằng 218 tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu ngầm của Anh và tàu khu trục Mỹ. Tấn công Iraq lần 2 vào năm 2003 cũng bắt đầu bằng 725 quả tên lửa Tomahawk.
Tại cuộc chiến Lybia năm 2011, chỉ trong ngày đầu 19/3, mở màn Mỹ - Anh phóng tới 124 quả, ngày 22/3 phóng tiếp 159 quả Tomahawk.
Như vậy, Anh, Mỹ đã từng phóng hàng nghìn quả tên lửa hành trình Tomahawk thì việc Nga phóng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr tương đương với Tomahawk thì có gì ghê gớm, đáng quan tâm, mà dư luận, giới quân sự rộn lên như thế?
Sơ đồ công kích mục tiêu của tên lửa hành trình 3M14 Kalibr-NK và PL.
Cơn ác mộng…
Defense One ngày 19/10 đã đăng một cái lời dẫn rất sốc trong bài viết “Nga lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa hành trình - ý định nguy hiểm”, như sau:
“Bốn tên lửa hành trình Kalibr-NK của Nga bị rơi ở Iran đã có thể được mang đầu đạn hạt nhân, đó là lý do vì sao Mỹ nên cấm và không phát triển chúng…”.
Tờ báo cho rằng, lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hành trình là không đáng tin cậy, họ cho rằng, tên lửa hành trình là một loại vũ khí gây bất ổn vô song, vì mục tiêu được chọn không có cách nào biết được họ bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân hay thông thường…
Bài báo khuyến nghị Nga không nên có ý tưởng đó, vì Mỹ cũng không, mà phát triển những “cấu hình tên lửa hạt nhân tinh vi, an toàn hơn” như Mỹ…
Thực tế, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cấm tất cả các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất theo Hiệp ước INF năm 1987, chỉ được phép phóng tên lửa hành trình từ tàu mặt nước và tàu ngầm.
Điều này đã loại Nga ra khỏi nguy cơ bị tấn công bởi loại tên lửa này vì lúc đó họ chưa có tên lửa hành trình phóng từ tàu biển và tàu ngầm. Nhờ đó, Mỹ độc quyền, làm mưa làm gió với tên lửa hành trình Tomahawk.
Việc Hạm đội Caspian phóng thành công 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK đêm rạng ngày 7/10 đã gây choáng váng, tạo nên cú sốc lớn đối với giới quân sự Mỹ.
Thủ đô Badda của Iraq chìm trong khói lửa do bị Mỹ và liên quân không kích năm 2003.
Có 2 sự khác biệt để tạo ra cơn ác mộng…
Thứ nhất, cự ly tiến công của Kalibr-NK là 1.500 km với thời gian bay trong 1 tiếng rưỡi, trong đó có 147 lần thay đổi (tốc độ, hướng, độ cao) đến chính xác 11 mục tiêu đã định. Defense One cho rằng đã có 4 quả rơi tại Iran gây “thiệt mạng” một số con bò!.
Như vậy, chỉ cần tại “ao nhà” Caspian, Nga có thể với tay bao trùm cả Trung Đông và, với những gì đã diễn ra trong chiến dịch tại Syria thì họ thừa khả năng mở một chiến dịch kiểu Mỹ-NATO từng tiến hành là “Sốc và kinh hoàng” tại bất cứ quốc gia Trung Đông nào.
Có thể nói, 26 tên lửa Kalibr cộng hưởng lớn với hoạt động quân sự của Nga tại Syria tạo ra một rung chấn cực mạnh tại Trung Đông.
Liệu một số quốc gia Trung Đông trước đây trung thành với Mỹ với lý do e sợ sức mạnh Mỹ, tin tưởng vào ô bảo vệ của Mỹ thì nay tư tưởng đó đã thay đổi khi Mỹ không phải là thế lực duy nhất?
Đương nhiên, họ sẵn sàng phản ứng lại với Mỹ, không ngoan ngoãn như xưa nếu như Mỹ bất chấp lợi ích quốc gia của họ.
Đây cũng có thể coi như một chấn động địa chính trị tại Trung Đông, tác động lớn đến tình hình chính trị, quân sự thế giới… Đó không phải là cơn ác mộng sao?
Chỉ cần tên lửa Kalibr của Hải quân Nga từ biển Caspian, Biển Đen, hoàn toàn bao trùm châu Âu. Chưa cần đến “mũi dao kề tim” Kaliningrad thì toàn bộ lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu là vô tác dụng.
Nếu với Kh-555 (tấm bắn 2.500 km); Kh-101 (tầm bắn 5.000 km) thì TU-160 chỉ ở trong không phận Nga cũng uy hiếp Bắc Mỹ.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không gian vũ trụ Quốc phòng Bắc Mỹ (NORAD) Đô đốc William Gortney đánh giá: "Nó khiến chúng ta phải bắt một mũi tên thay vì cố gắng để bắn người bắn cung". Đây không phải là cơn ác mộng sao?
Thứ hai, phương tiện phóng. Các tàu mang tên lửa hành trình của Nga thực hiện cuộc phóng là những tàu chiến loại nhỏ.
Với nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, tiên tiến nhất nhì thế giới, người Nga đã chế tạo ra những loại vũ khí, phương tiện phù hợp tối ưu với tư tưởng chiến thuật của họ.
Nhỏ, cơ động, hỏa lực cực mạnh. Nghĩa là thay vì như các tàu khủng của Mỹ, Trung Quốc, với choán nước nhiều nghìn tần mới có thể mang hàng trăm tên lửa thì tàu chiến Nga chỉ dưới ngàn tấn và mang số lượng khiêm tốn từ 6-8 quả mà thôi.
Trong số các tàu tham gia cuộc tiến công bằng tên lửa hành trình có khinh hạm lớp Gepard mang tên Dagestan của Hạm đội Caspian (Nga), tương tự các tàu mà Nga đang và sẽ đóng cho Việt Nam.
Và, quả thật đây mới là điểm nhấn đặc biệt khiến cho giới quân sự phương Tây kinh hoàng.
Tàu khinh hạm lớp Gepard mang tên Dagestan của Hạm đội Caspian (Nga) thực hành phóng tên lửa hành trình Kalibr.
Đây là điều mà buộc giới quân sự phải thay đổi về nhận thức tác chiến hiện đại trên biển, đại dương, thay đổi nhận thức về tổ chức xây dựng lực lượng hải quân nước xanh, hải quân nước vàng…
Liệu có nên tồn tại những con tàu khủng, mang hàng trăm quả tên lửa hành trình nữa hay không? Nguy cơ lớn nhất cho các tàu khu trục khủng, tàu sân bay là máy bay hay tên lửa hành trình diệt hạm? Đây liệu có phải là cơn ác mộng?
Chỉ biết rằng, nếu không “tiến hóa để kịp thích nghi” thì bài học của loài khủng long là cơn ác mộng cho những con “khủng long Hải quân Hoa Kỳ”.
Đáng chú ý là không chỉ người Mỹ, người Trung Quốc cũng đang hoang mang lo lắng.
Trang mạng quốc phòng mil.news.sina.com.cn (Trung Quốc) ngày 12.10 có bài viết dè bỉu các tàu tên lửa của Nga tham gia phóng tên lửa Kalibr diệt quân IS ở Syria.
Họ cho rằng chỉ 1 tàu khu trục lớp Type 052D của Trung Quốc (lượng choán nước đến 7.500 tấn có đến 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng CJ-10 có tính năng và tầm bắn xa tương đương Klub 3M-14) đủ sức thay thế cả 4 tàu tên lửa Nga vừa qua.
Rằng hiện nay, Nga đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng trong việc đóng các tàu khu trục lớn, do vậy đành phải trang bị tên lửa hành trình Kalibr-NK cho các tàu tên lửa cỡ nhỏ và tàu hộ tống cỡ vừa(?).
Chắc chắn đây là tư duy của kẻ thiếu hiểu biết về nghệ thuật quân sự, nhưng cũng có thể là tiếng la hét để che đậy nỗi sợ của một cơn ác mộng đến từ nước Nga.
Tên lửa hành trình Kalibr-NK có tầm bay là 2.000 km được phóng đi từ tàu hộ tống hạng nhẹ lớp Buyan-M trên biển Caspian.
…biến thành sự thật?
Nga chính thức thông báo, tên lửa hành trình Kalibr-NK có tầm bay là 2.000 km và Phó Đô đốc Viktor Bursuk cho biết 10 tàu hộ tống hạng nhẹ lớp Buyan-M trang bị tên lửa Kalibr-NK sẽ được phiên chế vào lực lượng Hải quân Nga vào cuối năm 2019.
Phát ngôn viên Hạm đội Phương Bắc (Nga), Đại tá Hải quân Vadim Serga cho biết:
"Tàu ngầm điện-diesel Rosrov trên sông Đông thuộc lớp Projekt 636.3 thực hiện thử nghiệm các hệ thống vũ khí trên tàu theo kế hoạch ngày 2/10/2015 đã phóng thành công tên lửa hành trình Kalibr vào một mục tiêu trên biển xa hàng trăm km với độ chính xác cao".
Thông tin về 2 điều này để chứng tỏ rằng Kalibr là tên lửa hành trình lợi hại đã được trang bị cho tàu chiến hạng nhẹ và tàu ngầm KILO. Đây là một sự thay đổi tư duy về nghệ thuật tác chiến trên biển của chiến tranh hiện đại mà Nga đã, đang mở màn.
Và, liệu Club-S, loại xuất khẩu của Kalibr, trên các tàu ngầm Kilo có tính năng kỹ chiến thuật như nào? Các tàu mặt nước thế hệ mới đang và sẽ được Nga xuất khẩu sẽ thế nào? Đó là điều thú vị và cũng có thể là ác mộng cho ai đó.
Vấn đề tên lửa hành trình Kalibr có gắn đầu đạn hạt nhân hay không của Nga thì hoàn toàn không phụ thuộc kế hoạch, chương trình cải tổ hạt nhân của Mỹ như Defense One khuyến nghị. Đó là kế hoạch của Nga mà không cần ngó vào Mỹ, Anh để được cho phép hay không.