Nga và Trung Quốc: Giữa niềm tin và nghi ngờ là… muôn trùng vũ khí

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Trong các vấn đề quốc tế, để chống lại ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh, Nga và Trung Quốc thường xuyên có tiếng nói chung. Tuy nhiên khi không có Mỹ, Nga và Trung Quốc luôn luôn nghi ngờ và đề phòng.

Xô - Trung từng đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Trung Quốc trong quá trình hiện thực hóa giấc mộng siêu cường của mình đã gây ra nỗi lo ngại và đề phòng cho cả thế giới. Hàng loạt các quốc gia láng giềng với Trung Quốc đều ít nhiều xảy ra những xung đột biên giới với Trung Quốc. Từ tranh chấp biển đảo với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á hiện nay cho đến những cuộc xung đột biên giới trên bộ với Liên Xô, Ấn Độ, Việt Nam.. trước đây. Trong đó mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện nay khó có thể định nghĩa rõ ràng là đối tác hay đối thủ của nhau.

Trở về cuối những năm 1960, căng thẳng gia tăng dọc theo biên giới dài 4.380 km, nơi mà 658.000 quân Xô Viết đối đầu 814.000 quân Trung Quốc. Năm 1961, Liên Xô có khoảng 12 sư đoàn, 200 máy bay trên vùng biên giới với Trung Quốc; vào cuối năm 1968 họ có 25 sư đoàn, 1.200 máy bay, và 120 tên lửa tầm trung.

Đỉnh cao của mâu thuẫn là cuộc xung đột biên giới năm 1969, lực lượng Xô Viết tuyên bố rằng Trung Quốc thiệt mất 800 người trong khi Xô Viết chỉ có 60 chết hoặc bị thương. Trung Quốc tuyên bố chỉ mất vài mạng người, ít hơn nhiều so với thiệt hại của Liên Xô. Cuộc xung đột này đã dẫn đến Liên Xô có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để xóa sổ Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó vì nhận thức chung là cần phải bỏ qua mâu thuẫn vì kẻ thù chung là Mỹ nên ngòi nổ của cuộc chiến tranh với quy mô lớn đã được tháo bỏ.

Trung Quốc "nuôi quân 3 năm, dụng 1 giờ"?

Nhưng không vì thế mà hai bên thôi đề phòng lẫn nhau. Hiện nay trên biên giới Nga – Trung cả hai đều bố trí một lục lượng quân sự lớn và ưu tiên những vũ khí hiện đại nhất.

Không chỉ vậy mọi động tĩnh về mặt quân sự của Trung Quốc đều được giới phân tích Nga mổ xẻ xem đó có thực sự là mối đe dọa với Nga hay không? Chính những điều này phần nào phản ánh thái độ nghi kỵ của Nga đối với Trung Quốc.

Ông Hramchihin Alexander- Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự LB Nga đăng tải bài viết trên VPK phân tích toàn cảnh bức tranh về quy mô quân đội Trung Quốc cũng như các ý nghĩa đằng sau của nó. Bài viết cho rằng mặc dù mối quan hệ quân sự giữa hai nước đang nồng ấm khi Nga quyết định bán các vũ khí tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc, trong đó có máy bay thế hệ 4++ Su-35K, tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumphf… nhưng Nga vẫn xem Trung Quốc là mối đe dọa. Bởi lẽ, những yêu sách lãnh thổ lớn của Trung Quốc đối với Nga vẫn còn đó.

Bài viết phân tích rằng nếu như xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ, nó sẽ diễn ra trên biển và trên không. Do vậy không có gì đáng ngờ nếu Trung Quốc gia tăng sức mạnh không quân và hải quân, tuy nhiên điều đáng ngờ nhất chính là việc mở rộng quy mô và hiện đại hóa không ngừng của lục quân Trung Quốc.

Trung Quốc đang xây dựng lực lượng xe tăng khổng lồ nhất thế giới. Theo giải mã sâu xa của chuyên gia này, có lẽ nó không dành cho Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước Đông Nam Á bởi hình thái chiến trường không cho phép. Vậy thì nó dành cho ai khác, ngoài Nga với địa hình rộng mênh mông và biên giới hàng ngàn km với Trung Quốc?

Lục quân Trung Quốc đã nhận được không dưới 4.000 xe tăng hiện đại Туре-96 và Туре-99, hơn nữa việc thay thế xe tăng cũ bằng xe tăng mới đang thực hiện theo nguyên tắc một đổi một. Tức là sự đổi mới triệt để về chất không dẫn đến sự cắt giảm về số lượng. Các xe tăng Туре-96/96А đã được biên chế cho tất cả 7 đại quân khu của quân đội Trung Quốc, Туре-99 hiện mới trang bị cho 3 đại quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh và Lan Châu (chính là những đại quân khu tiếp giáp biên giới với Nga). Động thái của việc ưu tiên này là gì?

	Xe tăng hạng nặng hiện đại nhất của Trung Quốc Туре-99

Xe tăng hạng nặng hiện đại nhất của Trung Quốc Туре-99

Trung Quốc đã chế tạo được cả một họ xe chiến đấu lội nước mà đi đầu là xe chiến đấu bộ binh WZ-502 (còn có tên là ZBD-04) lắp tháp của xe chiến đấu bộ binh Nga BMP-3. Lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã được trang bị đến 300 xe này, việc sản xuất đang tiếp tục. Dĩ nhiên là đặc tính bơi nước bị tất cả các chuyên gia trên thế giới đánh giá dưới góc độ sự chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Đài Loan, mặc dù các xe này có thể bơi qua sông Amur hay Ussuri trên biên giới với Nga chẳng hạn.

Tuy nhiên, sau đó, quân đội Trung Quốc nhận ra là khả năng bơi nước dẫn tới khả năng bảo vệ bị suy yếu. Sau đó, họ đã chế tọ biến thể mới của xe chiến đấu bộ binh này là WZ-502G. Nhờ tăng cường vỏ giáp bảo vệ, xe WZ-502G không còn khả năng bơi nữa. Đổi lại, theo các nguồn tin Trung Quốc, tháp xe WZ-502G, cũng như phần trước thân xe chống chịu được đạn xuyên giáp 30 mm bắn từ cự ly 1 km, còn hai bên thân xe chịu được đạn 14,5 mm bắn từ cự ly 200 m.

Một sự trùng hợp thú vị là 30 mm là cỡ đạn của pháo 2А42, vũ khí chính của xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga. Trong khi đó, xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ lắp pháo M242 cỡ 25 mm. Còn 14,5 mm là cỡ đạn rất ít có. Chỉ có duy nhất một súng máy có cỡ đạn này là KPVT, vũ khí chính của tất cả các xe bọc thép chở quân cũng của Nga. Cỡ đạn lớn nhất của các súng máy phương Tây là 12,7 mm. Liệu có phải xe tăng này chỉ được dùng để chống lại Nga?

	Xe chiến đấu bộ binh này là WZ-502G

Xe chiến đấu bộ binh này là WZ-502G

Không chỉ lực lượng thiết giáp, lực lượng pháo binh cũng đang được hiện đại hóa hết sức nhanh chóng. Pháo nòng dài đang phát triển nhanh, chẳng hạn đang đưa vào trang bị pháo tự hành 155 mm PLZ-05 (đã đưa vào trang bị hơn 250 khẩu).

	Pháo tự hành 155 mm PLZ-05

Pháo tự hành 155 mm PLZ-05

	Diễn tập pháo binh của Trung Quốc

Diễn tập pháo binh của Trung Quốc

Đáng lưu ý nhất là lực lượng mạnh nhất của pháo binh Trung Quốc chính là pháo phản lực. Nước này đã chế tạo nhiều mẫu hệ thống rocket phóng loạt trên cơ sở các mẫu của Liên Xô, cũng như các mẫu hoàn toàn tự phát triển. Trung Quốc đã phát triển được hệ thống rocket phóng loạt uy lực nhất và tầm bắn xa nhất thế giới là WS-2 (6х400 mm) mà các biến thể đầu của nó có tầm bắn 200 km, còn các biến thể cuối (WS-2D) có tầm bắn 350-400 km. Cả MRLS và HIMARS của Mỹ lẫn Smerch của Nga thua xa so với WS-2.

Với tầm xa này từ sâu bên trong khu vực Mãn Châu, WS-2D có khả năng tiêu diệt chớp nhoáng tất cả các đơn vị quân đội Nga tại các khu vực Vladivostok-Ussuryisk, Khabarovsk và Blagoveshchensk-Belogorsk.

Còn nếu cơ động ra sát biên giới Nga, hệ thống rocket phóng loạt này sẽ tiêu diệt quân đội và các căn cứ không quân của Nga ở khu vực Chita và các xí nghiệp chiến lược ở Komsomolsk trên sông Amur. Hơn nữa, các quả đạn cỡ nhỏ của WS-2D lại có tốc độ siêu vượt âm, thời gian chúng bay hết tầm tối đa cũng không quá 5 phút. Phòng không Nga không chỉ không thể tiêu diệt, mà ngay cả phát hiện chúng cũng không thể.

Đồng thời, sẽ hoàn toàn không thể phát hiện việc triển khai các hệ thống rocket phóng loạt trên lãnh thổ Trung Quốc bởi lẽ các bệ phóng của chúng trông giống các xe tải bình thường, thậm chí các ống dẫn hướng cũng có hình hộp rất dễ ngụy trang thành thùng xe tải. Và đây không phải là hệ thống vũ khí phòng thủ mà là hệ thống thuần túy tấn công, đột kích.

	Hệ thống pháo phản lực uy lực nhất và tầm bắn xa nhất thế giới WS-2 (6х400 mm) của Trung Quốc

Hệ thống pháo phản lực uy lực nhất và tầm bắn xa nhất thế giới WS-2 (6х400 mm) của Trung Quốc

	Pháo phản lực của Trung Quốc là lực lượng có sức mạnh lớn nhất của Lục quân Trung Quốc

Pháo phản lực của Trung Quốc là lực lượng có sức mạnh lớn nhất của Lục quân Trung Quốc

Trước đây điểm yếu của lục quân Trung Quốc là không có một trực thăng tấn công thực thụ. Nhưng vấn đề này đã được giải quyết với WZ-10, lục quân Trung Quốc hiện đã có 60 trực thăng này và việc sản xuất đang được tiếp tục.

Với những vũ khí kiểu này, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan...có thực sự là đối tượng mà Trung Quốc hướng đến. Phải chăng Nga không nhận ra âm mưu đằng sau đó.

Kremlin chưa bao giờ thôi cảnh giác với "giấc mộng siêu cường Trung Quốc"

Để đề phòng người bạn lớn Trung Quốc bất ngờ xâm chiếm biên giới, tất nhiên Nga cũng phải bố trí ở đây một lực lượng quân sự lớn.

Đảm nhận phòng thủ ở khu vực này trước đây là quân khu Viễn Đông và quân khu Siberia cùng Hạm đội Thái Bình Dương. Trong đó chủ lực là quân khu Viễn Đông, riêng hạm đội Thái Bình Dương bao gồm cả nhiệm vụ chống phong tỏa của Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á.

Hiện nay Nga đã cơ cấu lại tổ chức lực lượng theo tình hình mới, do vậy đảm nhận khu vực phía Đông sẽ là Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Đông (OSK Vostok) với sở chỉ huy đặt tại Khabarovsk trên cơ sở tổ chức lại quân khu Viễn Đông và bộ phận phía Đông quân khu Siberia (quân khu này bị chia cắt theo hồ Baikal) và Hạm đội Thái Bình Dương. Với cơ cấu tổ chức OSK, chu trình ban hành/thực hiện mệnh  lệnh giảm từ 16 xuống còn 3 cấp, việc ban hành và nhận mệnh lệnh chiến đấu bảo đảm tính kịp thời.

	Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Đông (OSK Vostok) trên cơ sở tổ chức lại quân khu Viễn Đông và bộ phận phía Đông quân khu Siberia và Hạm đội Thái Bình Dương

Bộ Tư lệnh chiến dịch-chiến lược Miền Đông (OSK Vostok) trên cơ sở tổ chức lại quân khu Viễn Đông và bộ phận phía Đông quân khu Siberia và Hạm đội Thái Bình Dương

Lục quân Nga ở Viễn Đông khoảng 90.000 quân (15 sư đoàn/lữ đoàn), trong đó 1 sư đoàn ở quần đảo Nam Kuril, 1 sư đoàn ở đảo Sakhalin, 1 sư đoàn ở bán đảo Kamchatka để đề phòng nguy cơ từ Nhật Bản, 12 sư đoàn còn lại đều được bố trí ở khu vực giáp biên giới với Trung Quốc. Không quân tại khu vực Viễn Đông có 1.944 máy bay chiến đấu, 50 máy bay ném bom chiến lược trong đó có máy bay ném bom Tu-22M, Tu-95MS có khả năng tấn công hạt nhân.

Nga ưu tiên dành rất nhiều vũ khí trang bị hiện dại nhất cho các lực lượng tại đây. Ngoài hệ thống phòng không dày đặc các tổ hợp tên lửa S-300, miền Viễn Đông giáp Trung Quốc là nơi đầu tiên được trang bị S-400 Triumph. Sau đó đến trung đoàn S-400 Triumf thứ tư cũng được ưu tiên triển khai gần thành phố cảng Nakhodka ở vùng Primorye, thuộc khu vực Viễn Đông của Nga giáp với Trung Quốc.

	Miền Viễn Đông giáp Trung Quốc là nơi đầu tiên được trang bị S-400 Triumph.

Miền Viễn Đông giáp Trung Quốc là nơi đầu tiên được trang bị S-400 Triumph.

Tiếp theo hai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên thuộc lớp Borey cũng sẽ được điều động tới khu vực này. Trong khuôn khổ chương trình vũ khí quốc gia 2020 và Hợp đồng quốc phòng 2013, đến cuối năm 2013 quân khu miền Đông sẽ được ưu tiên trang bị thêm 20 tiêm kích đa năng thế hệ thứ 4 Su-30; 30 trực thăng Ka-52 Alligator và Mi-8 AMTSH Terminator; 5 máy bay vận tải quân sự An-26. Trong năm 2011 quân khu miền Đông đã tiếp nhận tổng cộng 40 chiếc trực thăng Ka-52, Mi-8 Terminator và Mi-26. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 cũng sẽ có mặt lần đầu tiên ở Viễn Đông.

	Tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Borey

Tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Borey

Bên cạnh đó, từ lâu trong các khu rừng ở Viễn Đông  Nga đã bố trí các tổ hợp tên lửa đạn đạo, là sức mạnh răn đe mà không đối thủ nào được phép coi thường. Ở đây được biên chế 2 sư đoàn tên lửa chiến lược bao gồm Sư đoàn tên lửa Tagil thuộc tỉnh Sverdlovsk và Sư đoàn tên lửa Yasnenskaya thuộc tỉnh Orenburg. Theo các nguồn tin công khai, Sư đoàn tên lửa Tagil được trang bị các tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol (SS-25 Sickle), trong khi Sư đoàn tên lửa Yasnenskaya được trang bị các hệ thống tên lửa đạn đạo RS-20V Voyevoda (SS-18 Satan).

	Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol (SS-25 Sickle)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol (SS-25 Sickle)

Chỉ một phần ưu tiên trong trang bị cho vùng Viễn Đông của Nga cũng thấy Nga hết sức đề phòng với Trung Quốc như thế nào.

Năng lượng, công nghệ quốc phòng và đồng minh

Không chỉ tăng cường tiềm lực quân sự, Nga còn dùng chiêu bài cao tay hơn là năng lượng, công nghệ quốc phòng và đồng minh.

Về năng lượng, Trung Quốc dưới một góc độ nào đó đã phụ thuộc vào nền kinh tế năng lượng của nước Nga trong ít nhất 2 thập kỷ sắp tới. Nga đã tăng cường hợp tác kinh tế bằng các hợp đồng cung cấp nhiên nhiệu cho Trung Quốc trong 25 năm với tổng giá trị lên đến 270 tỷ USD. Lượng dầu cung cấp hàng năm là 46 triệu tấn – bằng 1/9 sản lượng mà Nga khai thác được hàng năm. Nga được hưởng 70 tỷ USD trả trước. Điều kiện này được đặt ra do Trung Quốc đang cố gắng bằng mọi giá đảm bảo cho mình nguồn nhiên liệu do phải đối mặt với nguy cơ không hề che giấu của Mỹ là sẽ cắt con đường thương mại vận tải nhiên liệu trên biển Đông và biển Hoa Đông trong khi thực hiện ý đồ “xoay trục trọng tâm chiến lược” của tổng thống Mỹ Obama. Như vậy Nga đã hoàn toàn không chế được dòng máu nuôi sống nền kinh tế của Trung Quốc.

Về công nghiệp quốc phòng, một mặt Nga bán cho Trung Quốc những vũ khí hiện đại như S-300, Su-27, Su-30, tàu ngầm Kilo... tới đây là cả Su-35, S-400... để Trung Quốc đủ sức đương đầu với Mỹ và đồng minh. Mặt khác Nga luôn giữ lại những phần công nghệ khó khăn phức tạp nhất mà không chia sẻ cho Trung Quốc. Chính sách này khiến Trung Quốc luôn luôn phụ thuộc vào Nga đồng thời Nga luôn luôn kiểm soát được sức mạnh đích thực của Trung Quốc.

Về đồng minh, Mông Cổ là một đồng minh của Nga trong cuộc chiến với Trung Quốc. Mông Cổ có thể có tiềm lực quân sự nhỏ nhưng có vị trí hết sức quan trọng. Lực lượng không quân Trung Quốc muốn oanh kích Nga đều phải bay qua vùng trời Mông Cổ. Do vậy không khó giải thích vì sao Nga luôn tiến hành viện trợ và huấn luyện thường xuyên cho quân đội Mông Cổ đặc biệt là phòng không và chống tăng.

	Mông Cổ có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược đề phòng Trung Quốc của Nga

Mông Cổ có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược đề phòng Trung Quốc của Nga

Bên cạnh Mông Cổ, Ấn Độ thực sự là một thách thức với Trung Quốc. Tại sao Nga hợp tác với Ấn Độ để chế tạo siêu tên lửa BrahMos, bán tàu sân bay cho Ấn Độ. Không quân Ấn Độ luôn được ưu tiên cung cấp những máy bay, tên lửa trước Trung Quốc. Đặc biệt để lách luật không mua bán vũ khí hạt nhân, Nga đã cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân. Ấn Độ có quan hệ đối tác với Mỹ và coi Trung Quốc là đối thủ nên chắc hẳn không phải Nga muốn dùng Ấn Độ chống lại Mỹ mà chắc hẳn đó là Trung Quốc.

	Tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng Project 971 được Nga chuyển giao cho Ấn Độ vào tháng 4.2012 và đặt lại tên là INS Chakra.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng Project 971 được Nga chuyển giao cho Ấn Độ vào tháng 4.2012 và đặt lại tên là INS Chakra.

Với những động thái như trên, Nga và Trung Quốc là bạn hay thù, điều này thật khó trả lời một cách rạch ròi.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại