Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine không chỉ đẩy quan hệ chính trị-kinh tế giữa Kiev và Moscow rơi vào căng thẳng mà còn khiến hợp tác quân sự giữa hai nước bị đình trệ. Ngày 4-4 vừa qua, Ukraine đã tuyên bố ngừng hợp tác quân sự với LB Nga với lý do Moscow di chuyển quân tới gần biên giới Ukraine. Tuy nhiên, việc “đóng băng” hợp tác quân sự có thể gây phương hại đến cả hai nước...
"Lợi bất cập hại"
Ukraine có các mối liên hệ rất gần gũi trong lĩnh vực công nghiệp quân sự với Nga bởi lẽ, toàn bộ tổ hợp công nghiệp quân sự của nước này gắn chặt với các đơn hàng của Moscow. Tuy nhiên, theo như lời Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine, Vitaly Yarema, Kiev buộc phải dừng cung cấp các sản phẩm quân sự cho Nga vì lo sợ chúng có thể được sử dụng để chống lại Ukraine nếu căng thẳng quân sự gia tăng.
Việc Ukraine dừng hợp tác quân sự với Nga có thể gây bất lợi về mặt kỹ thuật quân sự cũng như gây thiệt hại về kinh tế cho cả hai nước. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu quân sự của Ukraine, trong đó có các động cơ của tên lửa, radar, động cơ cho trực thăng…, chiếm tới hơn một nửa hàng nhập khẩu quân sự của Nga. Nhà phân tích quân sự Ukraine Sergey Zgurets ước tính, Kiev có thể mất khoảng 600 triệu USD/năm từ việc ngừng hợp tác quân sự với Moscow. Không có đơn hàng từ Nga, các xí nghiệp quân sự Ukraine sẽ nhanh chóng phá sản.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng, cảnh báo việc Ukraine hủy các hợp đồng quân sự với Nga sẽ làm hủy hoại ngành công nghiệp Ukraine vì "những động cơ, sản phẩm hàng không và ngành công nghiệp quốc phòng mà Ukraine cung cấp cho Nga đang giúp tạo ra hàng chục nghìn việc làm và là nguồn thu lớn nhất của Ukraine hiện nay".
Tuy nhiên, việc Ukraine quyết định “đóng băng” hợp tác quân sự với Nga có thể làm phương hại đến khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang Nga, bởi lẽ các lực lượng này phụ thuộc khá nhiều vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị-xã hội Nga Vladimir Evseev cho rằng, sự lệ thuộc này là khá lớn, nhất là trong việc duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của các tên lửa hành trình RS-20V Voevoda (Mỹ và NATO gọi là SS-18 Satan) được bố trí dưới lòng đất.
Theo báo Độc lập (Nga), tên lửa hành trình RS-20V Voevoda là tên lửa mạnh nhất của quân đội Nga. RS-20V Voevoda được sản xuất vào những năm 80 của thế kỷ trước tại một nhà máy công nghiệp quốc phòng của Liên Xô đóng tại Dnepropetrovsk (Ukraine). Mặc dù được sản xuất cách đây nhiều năm, song tên lửa này vẫn là một trong những phương tiện hiệu quả nhất trong việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Về kỹ thuật, hệ thống tên lửa này của Nga không có phiên bản tương tự trên thế giới, vì vậy, việc duy trì khả năng tác chiến cao của các tên lửa này là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của quân đội Nga.
Cho đến nay, nhà máy của Ukraine vẫn bảo đảm việc bảo vệ bản quyền và bảo hành cho các tên lửa đang được sử dụng ở Nga. Nếu tiếp tục được các chuyên gia Ukraine bảo dưỡng tốt, số tên lửa này vẫn có thể trực chiến đến giai đoạn 2019-2021. Vì vậy, trong trường hợp hợp tác kỹ thuật-quân sự với Ukraine bị gián đoạn, các chuyên gia Nga sẽ phải tự kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các tên lửa này hoặc phải thay bằng loại tên lửa khác với giá thành rất cao.
Ngoài ra, Kiev còn có thể “chọc gậy vào bánh xe Nga” trong một số lĩnh vực khác như chế tạo tàu chiến, máy bay chiến đấu. Ukraine hiện là nhà cung cấp duy nhất các loại tuốc-bin cho ngành công nghiệp đóng tàu chiến của Nga và thực hiện việc bảo dưỡng, giám sát tình trạng hoạt động của các hệ thống phát điện trên tàu chiến.
Tất nhiên, với trình độ công nghệ và nguồn chất xám hiện có, Nga hoàn toàn có thể loại bỏ sự lệ thuộc vào Ukraine. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thời gian và tốn kém chi phí lớn.
Ai sẽ thế chân Ukraine?
Trong bối cảnh chính quyền lâm thời Kiev đã nghiêng hẳn sang phía Tây, Nga tuyên bố cần điều chỉnh hoạt động của các tổ hợp công nghiệp quân sự nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Ngoài việc chuyển hướng vào công nghệ và sản xuất nội địa, Moscow đang tìm đến Belarus, nước có thể thế chỗ cho Ukraine trong các đơn đặt hàng quân sự với Nga.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại thủ đô Minsk ngày 1-4 vừa qua, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã khẳng định rằng, Belarus sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng của Nga hơn nữa khi Nga rút bớt các hợp đồng quân sự với Ukraine.
Đương nhiên, được “hưởng” thừa kế các hợp đồng quân sự với Nga là một mối lợi không thể bàn cãi với Minsk bởi nếu như không có các đơn đặt hàng của Nga, nhiều khu phức hợp công nghiệp-quốc phòng của Belarus có thể sẽ phá sản. Ngược lại, nếu Belarus hợp tác chặt chẽ với Nga, các khu phức hợp công nghiệp-quốc phòng của Belarus sẽ phát triển, sẽ được hiện đại hóa. Vì thế, không có lý do gì Belarus lại từ chối Nga.
Vấn đề ở chỗ, liệu Belarus có thể lấp đầy khoảng trống Ukraine để lại trong nền công nghiệp-quốc phòng Nga hay không? Các chuyên gia Belarus hiện đang nghi ngại về việc Belarus dựa vào khả năng nào để có thể thay thế Ukraine. Thực tế, Ukraine có bề dày lịch sử trong việc đáp ứng tới hơn 50% nhu cầu tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga và những tên lửa này chứa hơn 80% số đầu đạn hạt nhân của Nga. Nền công nghiệp quốc phòng Belarus chắc chắn sẽ không thể bù đắp con số này, cũng như không thể “lấp đầy khoảng trống mà Ukraine để lại cho Nga”, khi hai bên “đóng băng” các hợp đồng quân sự song phương. Hơn nữa, nền kinh tế Belarus cũng đang trong tình trạng èo uột, khó đứng vững nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Một điều trớ trêu khác là hầu hết các thiết bị quân sự mà Nga đang triển khai tại Crimea và biên giới với Ukraine lại được sản xuất bởi ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Những thiết bị này bao gồm các động cơ trên trực thăng, một phần lớn động cơ trên tàu chiến và khoảng 50% số tên lửa không đối không trên các máy bay chiến đấu của Nga…
Tuy nhiên, động thái Nga chuyển hướng sang Belarus cho thấy, nước này đang quyết tâm tìm hướng đi mới, bất chấp mọi hậu quả từ việc ngừng hợp tác quân sự với Ukraine.