Tạp chí National Interest (Mỹ) dẫn nguồn tin từ các quan chức Nga cho biết, dự án máy bay ném bom thế hệ 5 PAK-DA của Nga đã bị trì hoãn. Mẫu máy bay này sẽ không được đưa vào sản xuất trong gần 1 thập kỷ nữa.
Ban đầu, Kremlin có kế hoạch biên chế các máy bay ném bom thế hệ 5 PAK-DA vào năm 2023. Song, theo thông báo mới nhất, Nga sẽ tập trung sản xuất phiên bản nâng cấp của dòng máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 trước.
Hôm 17/7, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố: “Theo kế hoạch, quá trình sản xuất hàng loạt phiên bản mới của Tu-160 (Tu-160M2) sẽ được tiến hành từ năm 2023”.
Các quan chức quốc phòng Nga trước đó cho hay việc tái sản xuất Tu-160 sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất mẫu máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới PAK-DA.
Tuy nhiên, theo ông Borisov: “Dự án PAK-DA sẽ phải dời lại sau năm 2023”.
Theo tờ Russia Beyond the Headlines, quyết định sản xuất phiên bản nâng cấp Tu-160M2 được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong tháng 5.
“Tổng thống Putin và Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định khôi phục dây chuyền sản xuất mẫu máy bay Tu-160M” – Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev nói.
Máy bay ném bom Tu-160 bay qua Quảng trường đỏ trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5/2015.
Quyết định trì hoãn dự án PAK-DA để tập trung hiện đại hóa Tu-160 cho thấy những khó khăn ngày càng lớn mà Kremlin đang phải đối mặt trên con đường hiện đại hóa quân đội.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, giá dầu sụt giảm đã khiến nền kinh tế của Nga suy yếu, dẫn tới những khó khăn trong kế hoạch mua sắm quốc phòng.
Tờ The Moscow Times dẫn lời ông Borisov cho hay:
“Những lý do khách quan khiến các đơn hàng mua sắm quốc phòng không được đáp ứng bao gồm:
Những hạn chế trong cung cấp phụ tùng và nguyên liệu nhập khẩu do các biện pháp trừng phạt trừng phạt; sự ngắt quãng trong quá trình sản xuất và tình trạng thất thoát công nghệ, thiếu cơ sở sản xuất”.
Theo National Interest, quyết định hiện đại hóa Tu-160 trong tình trạng kinh tế khó khăn của Nga hiện nay có thể sẽ khiến Kremlin phải từ bỏ hoàn toàn dự án PAK-DA.
Hơn nữa, những cải tiến trên phiên bản Tu-160M2 sẽ bao gồm nhiều thiết kế được dự định cho PAK-DA và mẫu máy bay hiện đại hóa này dự kiến sẽ có tuổi thọ hoạt động trong khoảng 40 năm.
Tầm bay của Tu-160M2 sẽ tăng hơn ít nhất 1.000km so với phiên bản cũ, nhờ được trang bị bản nâng cấp của động cơ NK-32.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang phát triển một số mẫu tên lửa mới dành cho Tu-160M2 để tăng cường khả năng tác chiến.
Theo trang mạng Business Insider (Mỹ), PAK-DA không phải là dự án duy nhất của Nga vấp phải khó khăn. Kremlin còn đang gặp vấn đề về tài chính trong chương trình xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata.
Học giả Harvard Dmitry Gorenburg ước tính Nga chỉ có thể triển khai tối đa 330 xe tăng Armata vào năm 2020, một phần rất nhỏ so với con số 2.300 chiếc theo kế hoạch ban đầu.
Xe tăng T-14 Armata trong lễ duyệt binh 9/5/2015.
Business Insider cho hay, sự thất bại của Nga trong việc hoàn tất các dự án vũ khí hiện đại không phải chuyện hiếm gặp.
Theo đó, Nga thường mạnh miệng đưa ra những dự án to tát và đầy tham vọng, sau đó lại thu hẹp đáng kể các kế hoạch.
Chẳng hạn, hồi tháng 3, tờ RT thông báo Nga sẽ đủ khả năng triển khai 80 siêu máy bay vận tải PAK TA, trong khi nước này vẫn chưa chế tạo được nguyên mẫu nào của PAK TA.
Business Insider cho rằng, với quyết định thu hẹp dự án Armata và 2 chương trình máy bay tiên tiến, Kremlin có vẻ đã nhận thức được rõ ràng rằng:
Thay vì chế tạo vũ khí hoàn toàn mới, sẽ dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí hơn nếu tiếp tục cải tiến các hệ thống vũ khí cũ để sử dụng trong tương lai.