Nga toan tính khi cấp phép đóng siêu hạm cho Ấn Độ

Mỹ Đức |

Theo Sputnik, Nga đang cân nhắc việc cấp phép sản xuất chiến hạm thuộc dự án 11356 cho Hải quân Ấn Độ.

"Hiện nay, chúng tôi đang thảo luận về việc phát triển các tàu ngầm dự án 75 dựa theo tàu ngầm diesel điện Amur-1650, cũng như việc bán thêm các tàu hộ tống thuộc dự án 11356 cho Ấn Độ, đi kèm quyền sản xuất nội địa”, Phó giám đốc của tập đoàn Rosoboronexport Sergei Goreslavsky cho biết.

Vậy tại sao Nga không cấp phép sản xuất loại chiến hạm khác cho Ấn Độ mà lại là chiến hạm thuộc dự án 11356? Được biết, đây chính là lớp tàu Hải quân Nga đã tuyên bố dừng đóng do thiếu động cơ nhập khẩu từ Ukraine.

Hồi cuối năm 2015, RIA Novosti dẫn lời ông Vladimir Tryapichnikov, người đứng đầu Cục đóng tàu của Hải quân Nga cho biết, Bộ Quốc phòng Nga không có kế hoạch tiếp tục đóng các khinh hạm thuộc dự án 11356.


Khinh hạm Admiral Grigorovich (745) thuộc dự án 11356

Khinh hạm Admiral Grigorovich (745) thuộc dự án 11356

Theo kế hoạch ban đầu, Nga sẽ đóng 6 khinh hạm dự án 11356. Và tất cả 6 khinh hạm này đều được lắp động cơ chế tạo tại nhà máy của Tập đoàn nhà nước Zorya-Mashproekt (Ukraine).

Nhưng do Kiev đóng băng hợp tác quốc phòng với Nga nên nhà máy Yantar chỉ nhận được 3/6 động cơ đặt mua. Vì lý do này, Nga đã phải rao bán 2 chiếc tàu còn đang đóng dang dở cho Ấn Độ.

"Chúng tôi đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng với hai khinh hạm dự án 11356 thứ tư và thứ năm (trước đó được đặt tên là Đô đốc Butakov và Đô đốc Istomin)", ông Vladimir Tryapichnikov cho biết.

Tuyên bố của ông Tryapichnikov cũng đồng nghĩa với việc Hải quân Nga chỉ được tiếp nhận tổng cộng 4 chiếc khinh hạm thuộc dự án 11356.

Theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua thêm một số khinh hạm thuộc dự án 11356 để mở rộng khả năng tác chiến, các tàu khu trục này đã nhận được những lời khen ngợi là một tàu chiến thành công với những khả năng quân sự tốt.

Để khắc phục tình trạng này, Tổng thống Putin cho biết tại một cuộc họp hồi đầu năm 2015: “Chúng ta có những thách thức mới cần giải quyết bây giờ, đó là tìm ra các phương án để thay thế các hàng nhập khẩu..."

“Nga sẽ dùng 20 nghìn tỷ Rúp (hơn 576 tỷ USD) đã được phân bổ để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. 3 nghìn tỷ Rúp (tương đương 83 tỷ USD) được dùng để hiện đại hóa các công ty quốc phòng”, Tổng thống Putin cho biết thêm.

Tuy nhiên đây chỉ là khoản ngân sách theo kế hoạch ban đầu, trên thực tế để tự chủ được các thiết bị nhập khẩu từ Ukraine, Nga phải bỏ ra số tiền lớn hơn, một số chuyên gia quốc phòng nhận định.

Và để dự án 11356 không bị chết yểu và vẫn có thể kiếm lời từ dự án này, Nga đang cân nhắc bán giấy phép sản xuất cho Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại