Tên gọi chính thức của hệ thống này đã có nhưng hiện vẫn được giữ bí mật. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống MLRS mới sẽ gia tăng công suất hỏa lực so với hệ thống pháo phản lực "Tornado-G" cỡ 122 mm từng được đưa vào biên chế của quân đội Nga thời gian gần đây.
Ngay từ thời kỳ Xô Viết, trong trang bị quân đội đã có hệ thống pháo phản lực "Grad" cỡ 122 mm, "Uragan" và "Smerch" cỡ 300 mm. Sau này, theo chủ trương hiện đại hóa quân đội, Nga đã thông qua quyết định chế tạo hệ thống “Tornado” mới.
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch
Các chuyên gia nhận định, vai trò của hệ thống MLRS trong chiến tranh hiện đại và ở những điểm nóng sẽ còn tiếp tục tăng lên, bởi tầm bắn xa của hệ thống này đã vượt hơn rõ ràng so với pháo dã chiến.
Theo tiêu chí hiệu suất hỏa lực (số lượng hỏa tiễn phóng đến mục tiêu trong cùng đơn vị thời gian), MLRS hiển nhiên vượt trội so với pháo thông thường.
Mặc dù pháo thường có thể hơn MLRS ở điểm giá thành đạn dược thấp và độ chính xác khá cao. Tuy nhiên, đây là điểm có thể hiệu chỉnh, kể cả với sự hỗ trợ của phương tiện định vị vệ tinh, khiến đạn pháo thường và MLRS đạt độ chính xác tương đương nhau.
Nhu cầu về MLRS đang tăng cao, nó được xem như một thứ vũ khí đảm bảo triệt hạ cụm mục tiêu trên diện rộng. Bên cạnh đó, số lượng các quốc gia sản xuất MLRS và nỗ lực sản xuất MLRS cũng đang tăng. Hiện nay, có khoảng 60 nước như vậy.
Tổng biên tập tạp chí "Kho tàng của Tổ quốc", ông Viktor Murakhovski nêu ý kiến như sau:
“Chiếm tỷ lệ cơ bản trên thị trường hiện nay là hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Nga chế tạo. Như đang thấy, Nga sẽ bảo tồn được ưu thế này và thậm chí còn nâng cao thêm cùng với sự xuất hiện thế hệ mới loại dàn phóng như vậy. Người Mỹ đang lo chế tạo hệ thống của mình. Thời gian gần đây, cả Trung Quốc cũng tích cực phát triển theo hướng này và cố gắng thâm nhập thị trường các nước thứ ba. Có những nhà sản xuất lớn về MLRS là Brazil, Israel. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang sản xuất hệ thống của họ”.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, trên thế giới, có lẽ không kém phần nổi tiếng so với tiểu liên Kalashnikov (AK) chỉ có hệ thống pháo phản lực "Grad". Liên Xô và sau đó là Nga đã cung cấp những hệ thống này cho hơn 40 quốc gia.
Cũng giống như với khẩu AK lừng danh, đã nhiều lần người ta cố sao chép và sản xuất lậu “Grad” ở Đông Âu, châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa, trên thị trường này vị thế của Nga vẫn là vững vàng và mạnh nhất.
“Cơn mưa” rocket từ BM-21
Vừa qua có thông tin Liên hiệp tập đoàn "Splav” – cơ sở duy nhất ở Nga về chế tạo MLRS – đã ký hợp đồng và sẽ tổ chức liên kết sản xuất đạn tên lửa dành cho hệ thống “Smerch” ở Ấn Độ.