Thông tin trên được ông Ponomaryov đưa ra ngay sau lễ bàn giao tàu Đô đốc Grigorovich cho Hạm đội Biển Đen. Theo đó, do thiếu nguồn cung động cơ từ Ukraine mà các chiến hạm còn lại sẽ không thể hoàn thiện, trừ khi có khách hàng nước ngoài chịu tiếp nhận.
Hải quân Nga dự định trang bị ít nhất 6 khinh hạm Dự án 11356P/M, chiếc đầu tiên mang tên Đô đốc Grigorovich mới được đưa vào biên chế, 2 tàu tiếp theo là Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov sẽ gia nhập hạm đội vào tháng 5 và tháng 8 năm nay.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich Dự án 11356P/M
Tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356P/M lớp Đô đốc Grigorovich là biến thể nội địa dựa trên nguyên mẫu Dự án 11356 lớp Talwar (Krivak IV) thiết kế cho Ấn Độ.
Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.620 tấn và lên tới 4.035 tấn khi đầy tải; chiều dài 124,8 m; chiều rộng 15,2 m; mớn nước 4,2 m; thủy thủ đoàn 200 người.
Hệ thống động lực COGAG gồm 2 động cơ turbine khí hành trình DS-71 (6.300 kW) và 2 động cơ turbine khí đẩy DT-59 (16.000 kW) cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 4.850 hải lý (ở tốc độ 14 hải lý/h), thời gian bám biển 30 ngày.
Vũ khí của Đô đốc Grigorovich gồm hải pháo A-190 cỡ 100 mm, 8 bệ phóng UKSK của tên lửa chống hạm Kalibr, 3 cụm 12 ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm trung Shtil-1, 2 hệ thống CIWS Kashtan, 4 ngư lôi 533 mm và 2 bệ phóng RBU-6000.
Đảm nhiệm vai trò trinh sát và dẫn đường cho vũ khí là radar tìm kiếm trên không Fregat M2EM; radar điều khiển hỏa lực tên lửa chống hạm 3Ts-25E Garpun-B, radar kiểm soát bắn cho pháo JSC 5P-10E Puma FCS, radar MR-90 Orekh của tên lửa phòng không...
Khinh hạm INS Trishul (F45) Dự án 11356 của Hải quân Ấn Độ
Với việc Nga buộc phải thanh lý gấp 3 khinh hạm Dự án 11356P/M chưa hoàn thiện, liệu Việt Nam có nên chớp thời cơ để nhanh chóng tăng cường sức mạnh đội tàu mặt nước?
Nếu chúng ta muốn mua thì rào cản đầu tiên phải vượt qua là đơn giá. Mỗi chiếc khinh hạm trên có giá trị không dưới 600 triệu USD, gấp 3 lần Gepard 3.9, đi kèm theo đó là kinh phí hoạt động cũng như bảo dưỡng cao gấp nhiều lần.
Thêm vào đó, muốn tiếp nhận vũ khí thì kíp tàu phải được huấn luyện làm chủ khí tài từ trước, nhất là với một chiến hạm mạnh và tinh vi như lớp Đô đốc Grigorovich. Trong trường hợp nhắm mắt mua về rồi lại cho nằm cảng vài năm để chờ thủy thủ đoàn thì thật bất hợp lý.
Hơn nữa nhu cầu của Hải quân Việt Nam hiện nay vẫn là bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế cũng như các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng ta chưa có ý định vươn ra thành lực lượng hải quân "nước xanh", nên chiến hạm 2.000 - 3.000 tấn vẫn là lựa chọn tối ưu.
Do vậy, khách hành sẽ mua lại 3 tàu hộ vệ tên lửa Dự án 11356P/M đang đóng dở của Nga gần như chắc chắn chỉ có thể là Hải quân Ấn Độ, khi họ đã có kinh nghiệm vận hành nhuần nhuyễn 6 chiếc Talwar Dự án 11356 từ nhiều năm nay.