Theo Arsmtrade ngày 10/11, Bộ Quốc phòng Indonesia công bố danh sách các nhà thầu lọt vào vòng chung kết gói thấu tìm mua máy bay chiến đấu mới thay thế các đơn vị máy bay F-5E/F Tiger II đã lỗi thời. Theo nguồn tin từ giới quân sự nước này, các ứng viên bao gồm: Su-35 Super Flanker, JAS 39 Gripen và F-16 Block 52+.
Dù nguồn tin không cho biết Indonesia sẽ mua bao nhiều chiếc nhưng theo chương trình mua sắm trước đó được công bố, Indonesia sẽ cần khoảng 16 máy bay chiến đấu mới, nhưng chưa rõ thời điểm vòng chung kết của gói thầu trên được tổ chức.
Theo yêu cầu của phía Indonesia, nhà thầu thắng cuộc phải chuyển giao công nghệ máy bay được chọn và tổ chức lắp ráp máy bay mới tại đảo quốc này.
Một đại diện của hãng chế tạo hàng không PT Dirgantara Indonesia, Badi Santozo việc lắp ráp máy bay tại Indonesia sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia được tiếp cận các công nghệ hàng không tiên tiến và giảm chi phí hợp đồng.
Để Su-35 có nhiều cơ hội hiện diện ở Đông Nam Á, Nga đã tiến hành vận động hành lang bằng cách cho Su-35 biểu diễn tại hội chợ hàng không Indo Defense-2014 tại Jakarta đầu tháng 11/2014.
Hiện nay, Không quân Indonesia hiện sở hữu 16 máy bay chiến đấu Su-27SK và Su-30MK. Mới đây, giới chức quân sự Indonesia từng khẳng định sẽ mua tới 180 máy bay chiến đấu dòng Sukhoi trong tương lai.
Việc Indonesia có kế hoạch mua tiêm kích Su-35 của Nga không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, tuần san "Bình luận quân sự độc lập" Nga hồi giữa năm 2013 dẫn lời phi công bay thử của Công ty Sukhoi Nga là Bogdan cho biết.
Theo đó, việc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về thương vụ Su-35 chuẩn bị đến hồi kết, thương vụ này có tác động rất nhiều đến tình hình khu vực Đông Nam Á, có thể suy đoán chắc chắn rằng, việc xuất hiện loại máy bay chiến đấu xuất sắc này trong kho vũ khí trang bị của Không quân Trung Quốc ít nhất sẽ kích thích Indonesia và một số nước tiếp tục mua máy bay của Nga.
Báo Nga bình luận rằng, "để đối phó với thực lực tác chiến trên không ngày càng tăng của Trung Quốc, Indonesia và các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc trên biển sẽ buộc phải mua sắm Su-35. Ngoài ra, Trung Quốc sở hữu Su-35 sẽ tạo điều kiện tiên quyết cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 của Nga tiến quân vào thị trường Đông Nam Á".
Mặc dù số lượng mua 24 máy bay Su-35 của Trung Quốc không quá lớn, nhưng nó sẽ làm nảy sinh những hệ quả về địa-chính trị, thương mại tương đối lớn.
Su-35 Super Flanker là máy bay tiêm kích đa nhiệm tầm xa thuộc thế hệ 4++. Tốc độ tối đa của chiếc Su-35 có thể lên tới 2.500 km/h và tầm hoạt động vào khoảng 3.500 km. Vũ khí của Su-35 là một súng đại bác bắn nhanh 30mm và 12 giá treo vũ khí bao gồm các loại bom, tên lửa có điều khiển hoặc thông thường.
Các chuyên gia quân sự đánh giá tính năng của Su-35 sẽ vượt trội hơn hẳn so với các máy bay thế hệ 4 hiện nay của phương Tây và là đối thủ đáng gờm của “Thú ăn thịt” F-22 của Mỹ.