Sau khi 4 chiếc Su-35S chính thức hiện diện tại Syria, giới phân tích nhận định, số lượng ít ỏi máy bay này không giúp gia tăng nhiều nguồn lực vũ khí và sức mạnh quân sự của Nga tại Syria.
Vì vậy, việc triển khai Su-35 tới Syria cũng được xem là chiêu quảng bá sản phẩm tốt nhất của người Nga.
Tình đến thời điểm hiện nay, Nga mới chỉ bán dòng máy bay này cho khách hàng duy nhất là Trung Quốc dù đang được rất nhiều quốc gia khác quan tâm. Chứng tỏ khả năng thực chiến ở Syria sẽ giúp đạt được mục tiêu đó.
Theo nhận định của TheDiplomat, Nga đang có lợi thế từ lịch sử khi chào hàng tiêm kích Su-35 tại châu Á. Từ lâu, Nga được biết tới là một trong những quốc gia xuất khẩu máy bay chiến đấu nhiều nhất thế giới.
Khi bắt đầu xảy ra Chiến tranh Lạnh, các mẫu MiG, Sukhoi hay Yak của Liên Xô cũ đã trở thành “xương sống” của nhiều đơn vị không quân trên thế giới.
Điều này có được một phần là do chính sách trong thời kỳ đó, các quốc gia có trách nhiệm mua các thiết bị quân sự từ khối mà họ lựa chọn.
Tiêm kích Su-35S đến Syria.
Theo giới phân tích, máy bay Nga được ưa chuộng vì ba lý do, gồm giá cả, chất lượng và không bị ràng buộc bởi những lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có Trung Quốc là khách hàng duy nhất đã chính thức mua Su-35 của Nga.
Ngoài ra, Indonesia được cho là cũng đang đàm phán với Nga để sắm cho mình 2 phi đội Su-35 để thay thế cho dàn máy bay F-5 già nua, trong khi các quốc gia khác như Pakistan hay Triều Tiên được cho là cũng quan tâm tới loại chiến đấu cơ này.
Dù vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nhưng mẫu Sukhoi của Nga đang chiếm ưu thế nhờ nhiều yếu tố, ví dụ như Nga đáp ứng các yêu cầu từ luật pháp Indonesia khi chấp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất Su-35 cho nước này.
Những năm 1980, Jakarta đã mua các mẫu F-16 với ý định sau này sẽ thay thế phi đội F-5E Tiger.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt vì sự can dự của Indonesia trong sự kiện Đông Timor năm 1999, quốc gia này đã thiếu những thiết bị thay thế để bảo dưỡng và nâng cấp các mẫu chiến đấu cơ.
Trước những đòi hỏi mới, Không quân Indonesia đã lựa chọn các mẫu Su-27 và Su-30 của Nga trong những năm qua.
Do vậy, việc quốc gia Đông Nam Á tiếp tục lựa chọn Su-35 cho thấy có khả năng Jakarta không muốn các máy bay chiến đấu của nước này bị “lỗi thời” vì những lệnh trừng phạt trong tương lai.
Ngoài hai quốc gia trên, Triều Tiên được cho là đã bày tỏ sự quan tâm tới mẫu Su-35.
Tờ JoongAng Ilbo cho rằng một phái đoàn quân sự Triều Tiên đã tiếp cận các quan chức Nga hồi tháng 11/2014 để hỏi về khả năng mua máy bay hiện đại của Nga nhằm nâng cấp cho không quân nước này.
Tuy nhiên, do lệnh cấm buôn bán vũ khí quốc tế, Nga đã từ chối đề nghị của Triều Tiên.
Thời gian qua, Pakistan cũng được đánh giá là một ứng viên tiềm năng muốn mua mẫu Su-35 Super Flanker.
Theo chuyên gia Dave Majumbar của tạp chí National Interest, Nga đang đàm phán để bán cho Pakistan các mẫu Su-35 cùng với trực thăng tấn công Mi-35 Hind-E.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nga cần cân nhắc thái độ của Ấn Độ liên quan đến thương vụ này. Nếu mua số lượng lớn, các mẫu Su-35 sẽ giúp Không quân Pakistan đủ khả năng cạnh tranh, thậm chí là vượt trội, trước những mẫu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.
Và khi đó, Ấn Độ có thể sẽ chuyển hướng sang phương Tây để mua các máy bay chiến đấu hiện đại và giàu sức chiến đấu nhằm áp chế các mẫu Su-35 của Pakistan.
Có thể nói Su-35 Super Flanker đang trở thành một mặt hàng “hot” tại châu Á. Tuy vậy, hầu hết các quốc gia muốn mua Su-35 đang phải chịu sức ép từ các lý do chính trị.
Có quốc gia không thể mua thiết bị hay vũ khí của nước ngoài, trong khi có quốc gia lại lo ngại về những lệnh trừng phạt trong tương lai.
Và chính điều này đã mang lại lợi thế cho vũ khí Nga khi xuất khẩu.