Báo Nga một lần nữa xác nhận rằng, Tập đoàn sản xuất súng nổi tiếng Kalashnikov đã bị loại trong cuộc canh tranh hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất súng trường tấn công mới, thay thế cho "huyền thoại" AK-47 của Quân đội Việt Nam - báo Kinh doanh Online của Nga dẫn nguồn tin thân cận trong ngành xuất khẩu vũ khí cho biết hôm 10/2.
Theo nguồn tin giấu tên khẳng định, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lựa chọn 2 phiên bản súng trường tiến công Galil ACE 31 và ACE 32 do Tập đoàn IMI của Israel phát triển, trong tương lai gần, những người lính Việt Nam sẽ thay thế loại súng trường "huyền thoại" có từ thế kỷ trước là AK-47 bằng 2 phiên bản súng mới.
Nguồn tin giấu tên cũng tiết lộ với báo Kinh doanh Online của Nga cũng tiết lộ lý do Bộ Quốc phòng Việt Nam từ chối mua series súng trường AK-100 do Nga đề xuất bởi mức giá được phía Nga đưa ra là quá cao, tới hơn 250 triệu USD so với mức giá 170 triệu USD của Israel.
Thực tế là Việt Nam đã bắt đầu sản xuất 2 phiên bản súng trường Galil ACE 31 và ACE 32 của Israel. Điều đó đã được kênh Truyền hình Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Việt Nam tiết lộ trong chuyến thăm của Thượng tướng Nguyễn Thành Cung tới nhà máy sản xuất vũ khí Z111 ở tỉnh Thanh Hóa - nơi đang được công ty IMI của Israel triển khai sản xuất hàng loạt với 2 phiên bản súng trường tấn công Galil ACE 31 và ACE 32 với loại đạn tiêu chuẩn 7,62x39mm. Trong tương lai, những khẩu súng trường mới này sẽ thay thế cho "huyền thoại" AK-47 mà đã được Việt Nam sử dụng từ năm 1965.
Theo nguồn tin của báo Kinh doanh Online thì các chi tiết trong cuộc cạnh tranh xây dựng nhà máy sản xuất súng ở Việt Nam được công bố từ năm 2013, trong đó có sự tham gia của 3 quốc gia - Israel, Nga và Trung Quốc. Nguồn tin này cũng cho biết, các điều kiện tham gia cạnh tranh phải bao gồm: Nội địa hóa quá trình sản xuất và có khả năng sản xuất lên đến 50.000 khẩu súng mỗi năm.
"Quân đội Việt Nam đã không lựa chọn sản phẩm súng trường mới của chúng tôi, đó là đề xuất tốt nhất AK series 100 (dòng súng AK-100) và những người lính của họ (Việt Nam) sẽ không phải làm quen với các loại vũ khí tự động mới. Tuy nhiên, giá của chúng tôi lại cao hơn nhiều so với đề xuất của Israel", nguồn tin nói.
Theo đó, mức giá mà Nga đề xuất là khoảng 250 triệu USD, trong khi Israel lại chỉ đề xuất mức giá chỉ khoảng 170 triệu USD.
Thông tin về việc Nga bị mất hợp đồng quốc phòng với khách hàng thân thiết (Việt Nam) cũng đã được Giám đốc điều hành Kalashnikov, ông Alexei Krivoruchko khẳng định: "Chi phí sản xuất của chúng tôi khá lớn. Việc sản xuất sẽ được tối ưu hóa nhưng không thể cắt giảm được số khâu làm việc.
Việt Nam là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự chính của Nga, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong bảng xếp hạng các nước mua vũ khí nhiều nhất của Rosoboronexport - Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga.
Theo chuyên gia của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST), ông Konstantin Makienko cho rằng, hiện nay trong hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa 2 nước, một tiền lệ đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam thiết lập. Chuyên gia này công khai lên án phía Nga vì những lợi ích nhỏ khi buôn bán vũ khí mới nước ngoài.
"Sự leo thang về giá là một vấn đề quan trọng trong tất cả các vấn đề hợp tác kỹ thuật - quân sự", ông Makienko nói. Ông này cũng nói rằng, sự tăng vọt về giá sản phẩm là hạn chế chính làm kìm hãm sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác kỹ thuật - quân sự lâu năm giữa hai nước. Vì vậy, hãy tìm cách thoát ra khỏi tình trạng đó bằng việc kiểm soát tài chính.
Dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy từ giới truyền thông Nga tiết lộ, có thể tạm khẳng định, Việt Nam sẽ thay thế AK-47 bằng súng trường Galil ACE của Israel và sẽ khó có chuyện chúng ta tiếp tục sản xuất một vài biến thể mới nào khác từ loại súng trường AK-100 của Nga.