Nga sẽ thiệt hại như thế nào khi bị phương Tây cấm vận vũ khí?

Hà Dũng |

(Soha.vn)-Với ngành công nghiệp điện tử yếu kém, hầu hết các linh kiện dùng trong quân sự đều phải nhập khẩu, liệu Nga có bị thiệt hại nặng nề vì lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây

Mới đây Mỹ và EU đã nhất trí thông qua lệnh trừng phạt đối với Nga do có liên quan đến tình hình căng thẳng tại Ukraine. Trong các biện pháp trừng phạt này có lệnh cấm vận vũ khí. Chúng ta thử tìm hiểu xem lệnh cấm vận vũ khí này sẽ tác động như thế nào tới nền công nghiệp quốc phòng của Nga?

90% linh kiện điện tử quân sự được Nga nhập khẩu từ Mỹ

Từ lâu vũ khí Nga luôn nổi tiếng về uy lực và sự bền bỉ với thời gian. Nhưng với lĩnh vực công nghệ điện tử phải thừa nhận Nga có khoảng cách nhất định so với Mỹ, EU, Nhật Bản... Nga không được đánh giá cao về các hệ thống radar, tác chiến điện tử, các hệ thống điều khiển…

Trong các lĩnh vực này, tỷ trọng xuất khẩu của Nga là không đáng kể. Ngay cả các nước được coi là bạn hàng trung thành của Nga cũng tìm cách nhập các hệ thống loại này từ phương Tây khi có cơ hội bởi họ nhận thấy được sự vượt trội về chất lượng của chúng.

Do đó trong rất nhiều trường hợp Nga luôn tìm cách tiếp cận gần hơn với các công nghệ điện tử hiện đại phương Tây, nhưng điều này không hề dễ dàng bởi hai bên vẫn đứng trên hai thái cực chính trị khác nhau.

Dạng phổ biến nhất là các hợp đồng nhập khẩu kinh kiện điện tử dạng rời được Nga ký kết với các nước phương Tây dưới vỏ bọc dân sự. Một ví dụ điển hình là mua thiết bị cảm ứng của Pháp để sản xuất camera hồng ngoại tại Nga.

Vụ bê bối đáng chú ý nhất phơi bày năng lực của Nga xảy ra vào năm 2012 khi 11 doanh nhân bị bắt giữ tại Mỹ vì buôn bán các linh kiện điện tử làm từ ferrit, những mặt hàng thuộc diện bí mật quân sự với Nga. Vật liệu này có khả năng chống bức xạ cao tần, do vậy linh kiện ferrit thường được sử dụng trong vệ tinh và các thiết bị quân sự để bảo vệ chống lại bức xạ vũ trụ hoặc nhiễu sóng vô tuyến của đối phương. Cụ thể là dùng cho các hệ thống radar quan sát, dẫn đường và ngòi nổ.

Từ vụ việc này, người ta nhanh chóng thống kê được thực tế là hầu hết linh kiện điện tử sử dụng trong ngành vũ trụ và công nghiệp quốc phòng của Nga là hàng nhập khẩu và gần 90% được nhập từ Mỹ, trong đó có tới gần 50% là phi pháp hoặc nằm dưới dạng dân sự.

Nga chưa có khả năng cung cấp các linh kiện điện tử dùng cho quân sự

Nga chưa có khả năng cung cấp các linh kiện điện tử dùng cho quân sự

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, Ủy ban về Quốc phòng Franz Klintsevich khi đó đã phát biểu vụ bê bối trên sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án quốc phòng của nhà nước bởi Nga đã dự trù sẵn nguyên liệu cho những tên lửa hành trình cũng như cho công nghiệp vũ trụ.

Mỹ cũng từ lâu đã biết rằng phía Nga sử dụng những vi mạch nhập khẩu trong các thiết bị vũ trụ và quân sự nhưng chưa ngăn chặn hoàn toàn. Hiện Nga đang sản xuất linh kiện điện tử từ ferrit tại nhà máy MIT-Kuznetsk nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Nếu nguồn cung từ Mỹ bị cắt, Nga có thể mua nguyên liệu từ nhiều nơi khác để sản xuất vi mạch nhưng để hình thành được quy trình công nghệ sẽ mất khá nhiều năm. Nguyên nhân là do các chuyên gia Nga dù có đủ khả năng nhưng các nhà máy tại Nga gần như không có nền tảng sản xuất những thành phần cơ bản cho máy tính, vi mạch dùng trong quân sự.

Nga tìm mọi cách tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Châu Âu

Một số liệu thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI cho biết từ năm 2000 đến nay, Nga đã đã tham gia vào 10 hợp đồng quân sự với các nhà cung cấp nước ngoài bao gồm: 4 máy bay vận tải hạng nhẹ L-410 từ Cộng hòa Séc; 2 động cơ diesel từ Đức; 8 máy bay không người lái từ Israel; 60 xe bọc thép hạng nhẹ từ Ý; 3 máy bay trực thăng hạng nhẹ và 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral từ Pháp; nhiều nhất là từ Ukraina với 264 động cơ, 34 máy bay vận tải và 100 đầu dò tên lửa.

Hợp đồng nhập khẩu 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral với tổng trị giá 1,2 tỷ USD là hợp đồng có giá trị lớn nhất. Theo phân tích của các nhà bình luận quốc tế, Nga với khả năng của mình hoàn toàn có thể tự chế tạo được các tàu tương tự nhưng họ vẫn thực hiện giao dịch với Pháp nhằm hai mục đích. Thứ nhất là nhằm đáp lại thiện chí của Pháp đã ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng ở Gruzia năm 2008, thứ hai là tiếp cận với công nghệ đóng tàu theo module, công nghệ chế tạo và khai thác các hệ thống điện tử, tự động hóa tiên tiến của phương Tây.

Hợp đồng tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral của Nga với Pháp là cơ hội để Nga tiếp cận công nghệ và khai thác tiên tiến của châu Âu

Hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral là cơ hội để Nga tiếp cận và khai thác công nghệ tiên tiến của châu Âu

Năng lực đóng tàu kiểu module là một điểm yếu của ngành đóng tàu Nga khiến nhiều hợp đồng bị chậm, tăng chi phí. Các hợp đồng tàu sân bay, tàu ngầm cho Ấn Độ là ví dụ đắt giá. Không chỉ giảm thời gian và chi phí, công nghệ đóng tàu theo module còn cho phép thay đổi, nâng cấp một cách nhanh chóng cấu hình của các chiến hạm.

Về khả năng khai thác, Mistral với mức độ tự động hóa rất cao chỉ cần thủy thủ đoàn 160 người cho con tàu lượng giãn nước tới 21.000 tấn với nhiều trang thiết bị hiện đại. Trong khi đó nếu theo công nghệ Nga cần phải số lượng gấp ba. Khoảng 400 thủy thủ Nga được Pháp huấn luyện theo hợp đồng là cách tiếp cận khai thác hiệu quả nhất.

Với những mục đích như vậy nên trong hợp đồng này, Nga còn mua tài liệu kỹ thuật với chi phí không hề nhỏ là 90 triệu euro và giấy phép chế tạo 2 tàu tiếp theo tại Nga.

Ngoài những hợp đồng kể trên, trong thời gian bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga đang tiến hành đàm phán các hợp đồng cung cấp xe bọc thép chở quân với Phần Lan, Pháp, Ý, Hà Lan, Đức và động cơ phản lực từ Pháp.

Theo đàm phán Pháp sẽ cung cấp 500 - 1.000 xe bọc thép lội nước Panhard cho Bộ Nội vụ Nga trong đó một số được sản xuất theo giấy phép tại Nga. Trong một hợp đồng khác, công ty Rheinmetall Chempro GmbH (Đức) sẽ cung cấp vỏ giáp nhẹ với cấp độ bảo vệ khác nhau và trong tương lai cũng có thể sẽ sản xuất theo giấy phép tại Nga.

Trước đó tháng 4/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov nói Nga sẽ mua vỏ giáp nhẹ của Đức do công nghiệp quốc phòng Nga không có các công nghệ tiên tiến chế tạo vỏ giáp.

Trong hợp đồng khác với công ty IVECO (Ý), Nga sẽ lắp ráp theo giấy phép xe ô tô bọc thép LMV M65 Lynx, dự kiến nhu cầu của Quân đội Nga về loại xe này là 1.775 chiếc.

Hãng xe của Ý cũng sử dụng loại giáp phản ứng nổ do công ty của Đức cung cấp. Các hợp đồng trên đều được ký theo dạng mua giấy phép sản xuất tại Nga cho thấy mục đích thật sự là Nga muốn tiếp cận và sở hữu công nghệ tiên tiến từ phương Tây.

Từ việc tìm hiểu các hợp đồng vũ khí của Nga chúng ta thấy rằng, công nghệ điện tử của Nga và một số lĩnh vực như đóng tàu, vật liệu mới… đã tụt hậu khá xa so với phương Tây và không đủ sức đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp quốc phòng. Vì vậy chính Tổng thống Putin đã phải bật đèn xanh cho tư nhân đầu tư vào công nghiệp quốc phòng và sẵn sàng đón nhận những công nghệ nước ngoài.

Ngoài những hợp đồng đáng chú ý ở trên thì một số lượng lớn các hợp đồng loại nhỏ hơn được ký kết liên quan đến hậu cần, súng bắn tỉa... Theo số liệu của EU trong năm 2012 là năm gần nhất đã được thống kê, có 922 giấy phép xuất khẩu vũ khí tới Nga, với tổng giá trị 193 triệu euro.

Còn theo công bố của Tổng giám đốc công ty Rosoboronexport Anatoly Isaikin thì tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Nga khoảng từ 100 đến 150 triệu USD mỗi năm. Ở chiều ngược lại, Nga xuất khẩu sang EU chiếm không quá 1% lượng vũ khí xuất khẩu hàng năm.

Tác động của lệnh cấm vận vũ khí với Nga

Với những số liệu thống kê trên có thể đưa ra được những nhận định sau:

Thứ nhất việc áp dụng lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây sẽ có những tác động nhất định tới Nga. Trong trường hợp này, thiệt hại đáng kể đối với Nga là việc tìm kiếm nguồn cung cấp thiết bị kỹ thuật có chất lượng cao. Nga sẽ buộc phải mua hàng dưới dạng vỏ bọc hoặc đi vòng qua nước thứ ba không bị cấm vận. Đây là cách thức vẫn được nhiều nước áp dụng từ trước đến nay.

Đã lường trước được tác động này nên ngày 28/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu hối thúc ngành công nghiệp quốc phòng nước tập trung vào "đẩy nhanh các nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu trong ngành công nghiệp quốc phòng cũng như cách chuyển hướng nhiều nhất có thể sang các nguyên liệu và linh kiện sản xuất nội địa cho trang thiết bị và vũ khí" . Quá trình này được đánh giá là có thể mất vài năm.

Tác động thứ hai là phương Tây sẽ bị chia rẽ bởi lệnh cấm vận vũ khí này. Đứng trên lợi ích kinh tế, chính trị của mỗi nước sẽ có nhiều điểm khác nhau do vậy không tránh khỏi những mâu thuẫn.

Bằng chứng là Pháp đã bất chấp chỉ trích của các nước khi tiếp tục hoàn thiện hợp đồng cung cấp tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral cho Nga. Nếu hợp đồng bị hủy bỏ, Pháp sẽ thiệt hại nhiều hơn là Nga vì sẽ phải bồi thường khoảng 1,7 tỷ USD.

Một nước khác là Anh cũng đã phá rào lệnh cấm vận, Ủy ban Kiểm soát xuất khẩu vũ khí (CAEC) là cơ quan đã phát hiện trong số 285 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Nga của Anh trị giá gần 224 triệu USD chỉ có 34 giấy phép bị hủy bỏ. Hôm 23/7, ông John Stanley, Chủ tịch CAEC, đã yêu cầu Ngoại trưởng Anh Philip Hammond xem xét thắt chặt hơn nữa các mặt hàng quân sự xuất khẩu sang Nga.

Báo cáo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định áp dụng lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí sang Nga và kêu gọi Pháp hủy bỏ hợp đồng bán tàu chiến Mistral cho Nga. Những tranh cãi vì lợi ích kinh tế đã khiến phương Tây trở nên bị chia rẽ.

Lệnh cấm vận đối với Nga có thể khiến châu Âu mâu thuẫn vì những lợi ích kinh tế riêng rẽ của các nước trong hợp tác quốc phòng với Nga

Lệnh cấm vận đối với Nga có thể khiến châu Âu mâu thuẫn vì những lợi ích kinh tế riêng rẽ của các nước trong hợp tác quốc phòng với Nga

Chưa kể châu Âu sẽ thiệt hại hơn khi Nga đáp trả. Hiện nay Nga đang đóng vai trò là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu cũng như là một đối tác thương mại lớn với kim ngạch hàng năm trên 300 tỷ USD. Các nước châu Âu hiện nhập nhẩu 32% nhu cầu dầu thô và khí đốt từ Nga trong năm 2012.

Rõ ràng lệnh cấm vận vũ khí với Nga sẽ gây tác động nhất định đối với nền công nghiệp quốc phòng của Nga tuy nhiên hiệu quả của nó không thực sự nhiều. Trong số các biện pháp trừng phạt đối với Nga mà Mỹ và đồng minh áp dụng, lệnh cấm vận vũ khí được đánh giá là một mắt xích yếu nhất nhưng cũng là tín hiệu báo động Nga phải đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các lĩnh vực mới, đặc biệt trong công nghệ điện tử nếu không muốn bị thiệt hại nặng nề hơn trong tương lai.

Trực thăng Ka-52 Alligator hoạt động trên tàu Mistral

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại