Giám đốc của Russian Helicopters, Andrey Shibitov cho biết: “Chúng tôi tuyên bố rằng quá trình hiện đại hóa mẫu trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T2 chính thức bắt đầu. Các trực thăng của dòng Mi-26 có những đặc điểm vượt trội và sự hiện đại hóa này sẽ mở rộng khả năng tiềm năng của chiếc máy bay”.
Trước khi chính thức sản xuất loạt, nhà sản xuất Helicopters đã hé lộ khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu siêu trực thăng Mi-26MT2 này. Thông tin này được tạp chí Airrecognition cho biết, theo đó, Nga sẽ bàn giao những chiếc Mi-26T2 đầu tiên cho khách hàng nước ngoài trong năm 2015.
Được biết, đây là lần đầu tiên một biến thể hiện đại hóa của Mi-26 được phép xuất khẩu cho một quốc gia khác ngoài Nga. Người đại diện của Helicopters cho biết, toàn bộ lô trực thăng Mi-26T2 của khách hàng nước ngoài này sẽ được bàn giao trước tháng 4/2016.
Dù nguồn tin không biết khách hàng nào đã mở hàng cho phiên bản Mi-26T2 của Nga, tuy nhiên trước đó Rostvertol đã từng hé lộ về khách hàng bí ấn này. Cụ thể, hồi đầu năm 2013, nhà sản xuất Rostvertol cho biết, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ngỏ ý muốn mua dòng trực thăng này và hai bên đang tiến hành đàm phán trước khi đi đến ký kết hợp đồng chính thức.
Theo nguồn tin, cả Rostvertol và phía Ấn Độ đang rất kỳ vọng vào bản hợp đồng này, tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay không thấy bất cứ thông tin gì thêm về thương vụ Mi-26T2 giữa Nga và Ấn Độ.
Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó cũng không có thông tin về bất cứ khách hàng nào ngỏ ý muốn mua phiên bản trực thăng mới này. Vì vậy, có thể khẳng định rằng quốc gia mở hàng đối với Mi-26T2 không ai khác chính là Ấn Độ.
Theo tiết lộ từ nhà sản xuất, trực thăng Mi-26T2 được trang bị hệ thống điện tử BREO-26 và buồng lái “nhà kính” hiện đại với 5 màn hình LCD hiển thị đa chức năng, hệ thống lái tự động kỹ thuật số, và hệ thống hỗ trợ định vị dẫn đường toàn cầu NAVSTAR/GLONASS.
Mi-26T2 có thể hoạt động trong bất kỳ khu vực nào của thế giới và có thể gia tăng đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang của Nga.
Mi-26T2 có trọng tải cất cánh tối đa là 56 tấn với bình nhiên liệu đầy nặng 880 kg. Nó có tốc độ tối đa 295 km/h, trong khi phiên bản tiết kiệm nhiên liệu sẽ có vận tốc cực đại 255 km/h.
Mi-26T2 có thể mang được 26 tấn hàng, trong khi đối thủ xuất sắc nhất của nó là trực thăng Sikorsky CH-53E của Mỹ chỉ có thể mang được 16 tấn. Nhiều nguồn tin cho biết, sau khi nâng cấp, Mi-26T2 sẽ mang được 25 tấn hàng hóa.
Cùng với đó là bộ hệ thống điện tử mới nhất được trang bị cũng làm cho nó có thể làm giảm số lượng thành viên phi hành đoàn cần thiết từ 5 xuống còn 2 người.
>>> Khám phá trực thăng săn ngầm AgustaWestland có thể bán cho VN