Nga phát triển hàng loạt robot sát thủ

Toàn Thắng |

Bộ Quốc phòng Nga vừa hoàn tất thử nghiệm robot chiến đấu cho Binh chủng Tên lửa chiến lược, cùng với hàng loạt hệ thống chiến đấu tự động khác.

Nga thử nghiệm hàng loạt hệ thống chiến đấu tự động

Bộ Quốc phòng Nga vừa tuyên bố đã hoàn tất một cuộc thử nghiệm robot chiến đấu của Binh chủng Tên lửa chiến lược.

Được biết, công việc chuẩn bị thử nghiệm toàn diện của hệ thống robot kỹ thuật phục vụ Binh chủng Tên lửa chiến lược (RVSN) đang được hoàn tất tại bãi thử nghiệm Kapustin Yar, thuộc tỉnh Astrakhan.

Ông Dmitry Andreev, phát ngôn viên của đơn vị tham gia thử nghiệm, đã cho hãng thông tấn Nga Interfax biết rằng, nhân đợt thử nghiệm này, các cơ quan kỹ thuật cũng sẽ thực hiện một trong các giai đoạn chuẩn bị cuối cùng là hiện đại hóa hệ thống truyền tải dữ liệu lập không gian thông tin thống nhất cho thao trường.

Ông Andreev nói rằng, việc hiện đại hóa Kapustin Yar có xem xét đến các thử nghiệm tổ hợp của hệ thống kỹ thuật robot cơ động, bởi đây sẽ là một trong những hạng mục thử nghiệm trọng tâm mà thao trường này sẽ thực hiện trong tương lai.

Hiện nay, trong cơ cấu của Kapustin Yar gồm có bốn đơn vị thí nghiệm khoa học và nghiên cứu, phục vụ hoạt động thử nghiệm của các binh chủng và quân chủng quân đội Nga, cũng như một đơn vị nghiên cứu xử lý thuật toán thông tin và trao đổi thông tin.

Được biết, vào tháng 3-2014, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã bắt đầu thử nghiệm các hệ thống robot cơ động vừa được phát triển để bảo vệ các cơ sở chính của lực lượng tên lửa chiến lược.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch nâng cấp các hệ thống an ninh tự động hiện tại của quân đội Nga.

Vị quan chức quốc phòng này cho rằng, những hệ thống robot này sẽ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu cố định hoặc đang di chuyển và yểm trợ hỏa lực cho các nhân viên an ninh tại những cơ sở được bảo vệ nghiêm ngặt.

Các tổ hợp robot an ninh này sẽ được triển khai tại 5 địa điểm phóng tên lửa đạn đạo khắp nước Nga, có thể đảm bảo tiến hành hoạt động chiến sự trong thời gian ban đêm mà không cần ngụy trang, có khả năng hướng dẫn vũ khí, hỗ trợ và tham gia triệt hạ mục tiêu ở chế độ điều khiển tự động và bán tự động.

Nga đã phát triển các hệ thống robot bảo vệ các cơ sở của lực lượng tên lửa chiến lược
Nga đã phát triển các hệ thống robot bảo vệ các cơ sở của lực lượng tên lửa chiến lược

Nó được trang bị các trạm trinh sát điện quang học và radar có khả năng phân biệt các thành phần trong tổ hợp chiến đấu hiện đại, kể cả các phương tiện được lắp đặt trên khung gầm xe bọc thép và các bệ vũ khí hỏa lực.

Các nhà sáng chế vũ khí Nga đã đi xa hơn các loại robot làm nhiệm vụ phục vụ bảo đảm khi cho rằng, những robot như vậy có thể trở thành một dạng vũ khí tấn công tự động, chẳng hạn như một tổ hợp tên lửa chống tăng hay mẫu xe bánh xích điều khiển từ xa, súng máy hạng nặng.

Thông thường, chuyên viên điều khiển tổ hợp tên lửa chống tăng dễ bị tổn thương, bởi vì hướng hỏa lực vào đối thủ khi đang ở khu vực tầm nhìn trực diện.

Sử dụng tên lửa chống tăng trong thành phần tổ hợp không người điều khiển sẽ mở ra những khả năng mới cho việc thực thi chiến thuật.

Hiện tại, Nga đang xem xét khả năng chế tạo tổ hợp robot khá lớn mang tên lửa chống tăng trên cơ sở xe bọc thép "Tigr".

Các nhà khoa học quân sự Nga đã sáng chế phiên bản thông thường là xe tự hành không người lái của tổ hợp tên lửa chống tăng "Kornet-AM" trên cơ sở "Tigr".

Hệ thống này có thể mang theo 16 tên lửa, có thể gồm ắc-quy tích hợp hoặc phần đầu đạn áp nhiệt Thermobaric và được sử dụng trong các nhiệm vụ chống lại xe tăng và cả bộ binh của đối phương.

Trong phương án không người lái, xe hoàn toàn có thể dùng để thực hiện cuộc tấn công “cảm tử” vào hậu phương của kẻ thù, giáng đòn gây thiệt hại đáng kể.

Trước đây, các xe "Tigr" đã từng được lắp ráp tại Trung Quốc theo giấy phép của Nga và đã tác động rõ rệt tới thiết kế xe bọc thép hạng nhẹ của nước này.

Tầm quan trọng của robot quân sự và vũ khí tự động

Hiện nay, đi tiên phong trong việc sử dụng robot chiến đấu trên mặt đất là Israel.

Các cỗ xe Guardium không người lái được sử dụng để bảo vệ các công trình đặc biệt quan trọng, chẳng hạn như sân bay, quân cảng, căn cứ quân sự...

Một mẫu xe chiến đấu tự hành không người lái của Nga
Một mẫu xe chiến đấu tự hành không người lái của Nga

Israel đã đặc biệt coi trọng việc phát triển và hoàn thiện loại hình kỹ thuật này. Hiện nay, hầu hết các robot của Israel đều được thiết kế để tuần tra và phá bom mìn, giải phóng mặt bằng…

Ngoài ra, ngành công nghiệp Trung Quốc cũng đang nghiên cứu sáng chế nhiều phương án robot bộ binh khác nhau, ví dụ như mẫu tương tự như robot Big Dog của Mỹ.

Tuy nhiên, cũng như Nga, Trung Quốc mới chỉ trong giai đoạn mò mẫm thử nghiệm thiết kế, chế tạo ban đầu.

Trong tương lai, quân đội Nga dự kiến mua những phương tiện không chỉ điều khiển từ xa, mà khi cần có thể làm việc độc lập trong chế độ hoàn toàn tự động.

Điều đó có nghĩa rằng, loại trang bị này sẽ tự xác định mục tiêu và đưa ra quyết định sử dụng vũ khí mà không cần sự “chỉ đạo” của người điều khiển.

Được biết, trong một cuộc phỏng vấn với báo Krasnaya Zvezda tháng 12-2013, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Popov cho biết, Bộ quốc phòng nước này đã phê chuẩn và bắt tay vào thực hiện chương trình phát triển robot quân sự mang tên “Chế tạo Robot quân sự hiện đại cho năm 2025”.

Ông cho biết thêm rằng ngành công nghiệp khoa học quân sự Nga hợp tác với các viện quản lý quân sự đã phát triển được một khái niệm ứng dụng robot quân sự cho các hoạt động của các lực lượng vũ trang Nga, nhằm thay thế binh lính trong những điều kiện đặc thù.​

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thành lập Ủy ban phát triển robot quân sự do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đứng đầu.

Ủy ban này cũng chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác huấn luyện chuyên gia vận hành các mẫu robot hiện đại, việc huấn luyện trực tiếp sẽ do hệ thống giáo dục trực thuộc bộ quốc phòng đảm nhận.

Các hệ thống robot cơ động đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các ứng dụng quân sự và an ninh, giúp các nhân viên quân sự đối phó với những thách thức gây nên bởi những mối đe dọa ngày càng tăng của các cuộc tấn công khủng bố hoặc "chiến tranh du kích".

Một loại “robot sát thủ” chống khủng bố của Nga

Một loại “robot” chống khủng bố của Nga

Ngoài ra, các robot quân sự còn có khả năng đảm nhận chức năng cứu hộ, cứu nạn, rà phá bom mìn ở các địa hình phức tạp và nguy hiểm con người không thể làm được hoặc thậm chí là cả việc chăm sóc y tế cho binh lính trên chiến trường.

Tính đến sự gia tăng của mối đe dọa khủng bố mà Moscow hiện đang đối mặt, cũng như đặc điểm địa hình của các khu vực rừng núi, ven biển của nước này, công nghệ tự động gắn với phát triển tổ hợp vũ khí không người lái hoặc là robot chiến đấu trên mặt đất, đang là trọng tâm phát triển của quân đội Nga.

Xe tự hành không người lái và robot chiến đấu là phương án thích hợp cho các cuộc tuần tra dài ngày ở có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mà việc sử dụng binh lính gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ như những vùng đất lạnh giá ở Bắc Cực hay các khu vực đồi núi ở biên giới phía nam nước Nga.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho rằng, robot sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình vũ khí mới của Nga trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2025.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, các chuyên gia Nga đang chế tạo các robot được thiết kế nhằm giúp sơ tán các quân nhân và thường dân bị thương ra khỏi hiện trường một cuộc tấn công khủng bố và làm vô hiệu hóa những phần tử khủng bố.

Các trang thiết bị chống khủng bố khác mà Nga đang phát triển bao gồm các hệ thống có thể phát hiện và theo dõi những kẻ khủng bố qua những chướng ngại vật và tấn công một cách hiệu quả chúng từ xa mà không làm bị thương các con tin, ông cho biết.

Theo tuyên bố của ông Oleg Martianov, thành viên Hội đồng Quân sự - công nghiệp Nga, việc sản xuất hàng loạt và cung cấp cho quân đội Nga những robot chiến đấu có thể được bắt đầu vào năm 2019, phù hợp với tiến trình hiện đại hóa quân đội Nga vào năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại