Nga phát hiện một loạt vấn đề với "chiến binh tương lai" Ratnik

Quang Huy |

Ông Vyacheslav Ganapolsky cho biết do bộ quân trang Ratnik có kết cấu phức tạp nên đã xuất hiện một loạt các vấn đề trong quá trình thử nghiệm.

Các bác sĩ quân y Nga đã thử nghiệm thành công bộ quân phục “Ratnik” dành cho các đơn vị đóng quân và chiến đấu tại Bắc Cực.

Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm cũng đã phát hiện ra một loạt những vấn đề cần giải quyết và cần phải hoàn thiện.

Thông tin này do ông Vyacheslav Ganapolsky, trưởng phòng nghiên cứu của Học viện Quân y mang tên Kirov cung cấp.

Tại Diễn đàn quân sự Army 2015, ông Ganapolsky cho hay:

"Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và phát triển bộ quân trang Ratnik, chúng tôi đã thử nghiệm 2 mẫu (1 dành cho tổ lái xe cơ giới và 1 dành cho binh sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu) ở điều kiện nhiệt độ thấp tối đa trong một khoảng thời gian dài".

Theo ông Ganalopsky, chương trình nghiên cứ được tiến hành từ cuối năm 2013 đến hết tháng 6/2014 với thiết bị lập trình điều kiện thời tiết ở nhiệt độ từ âm 70oC đến 100oC, độ ẩm từ 20 đến 80%, tốc độ gió tối đa 5m/s và độ cao 40km trên mực nước biển.

Người lính cùng bộ trang bị Ratnik.
Người lính cùng bộ trang bị Ratnik tại triển lãm Eurosatory 2014

Bộ quân trang "Ratnik" dành cho Bắc Cực được thử nghiệm trong 2 chế độ - chế độ bình thường (khi người mặc chỉ tiến hành hoạt động tuần tra đơn thuần) và chế độ khi người mặc thực hiện các hoạt động mức trung bình, như chạy bộ.

Ông Ganapolsky cho biết, các bộ quân trang có kết cấu phức tạp, đối với tổ lái xe cơ giới có 6 lớp bảo vệ và 7 lớp đối với lính chiến đấu.

"Chính vì thế đã xuất hiện một loạt các vấn đề. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm còn hơn cả mong đợi" - ông Ganapolsky nói.

Với nhiệt độ -40oC, trong điều kiện tuần tra bình thường thì thời gian mặc bộ quân trang chiến đấu "Ratnik" tối ưu nhất là 60 phút, còn với nhiệt độ -50oC, người mặc có mang ủng chống lạnh thì thời gian tối ưu là gần 80 phút.

Khi vận động mạnh, thời gian tối ưu này có thể lên đến 120 phút và thời gian này bị hạn chế là do người mặc nó xuống sức chứ không phải do mất nhiệt.

"Vì bộ quân trang chiến đấu có nhiều lớp nên người mặc sẽ mất nhiều thời gian để khoác lên người.

Bên cạnh đó, nó phải được mặc trong phòng có nhiệt độ ấm và trong lúc khoác lên người thì người mặc có thể bị đổ mồ hôi, gây ra những khó khăn nhất định khi bước ra ngoài trời, nơi có nhiệt độ không khí lạnh hơn rất nhiều", ông Ganapolsky cho hay.

"Các cuộc thử nghiệm vẫn chưa hoàn tất, bởi vậy những vấn đề được phát hiện cần phải giải quyết. Đó là các vấn đề kỹ thuật phức tạp, ví dụ như kết hợp các lớp vải với lớp chống đạn.

Ngoài ra, các nhà thiết kế sẽ may cả bộ quân phục liền quần và áo, điều đó sẽ giúp giảm bớt số lớp vải và thao tác khoác nó lên người sẽ trở nên dễ dàng hơn", ông Ganapolsky cho biết thêm.

"Ratnik" là bộ quân trang thế hệ mới của quân đội Nga, còn được gọi là "trang phục của chiến binh tương lai".

Ratnik tập hợp khoảng 50 trang, thiết bị khác nhau, bao gồm vũ khí, hệ thống quan sát, giáp bảo vệ, thông tin liên lạc, định vị, dẫn đường, cấp cứu và hệ thống ngắm bắn mục tiêu…

Theo giới thiệu, Ratnik cho phép bảo vệ đến 90% bề mặt cơ thể người lính và có khả năng bảo vệ cao hơn 70% so với các áo giáp thế hệ trước.

Ratnik cũng có khả năng điều chỉnh để phù hợp với nhiều nhiệm vụ khác nhau như lính bộ binh thông thường, lính chống tăng, xạ thủ súng máy, lái xe và trinh sát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại