Nga nói về cái giá TT Pháp phải trả nếu đánh chìm tàu Mistral

Quang Huy |

Các chuyên gia Nga đưa ra nhiều nhận định bức xúc trước thông tin Pháp cân nhắc phương án đánh đắm 2 tàu đổ bộ Mistral đóng cho Nga, trong trường hợp phải hủy hợp đồng với Moscow.

Tin liên quan: Phương án "sốc nhất" của Pháp nếu phải hủy giao Mistral cho Nga

"Suy nghĩ nảy sinh trong những cái đầu bệnh hoạn"

Phản ứng trước việc Pháp tính đến phương án ý đánh chìm các tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral đóng cho Nga, Đô đốc Vyacheslav Popov, cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc bức xúc nói:

"Không một nhà lãnh đạo sáng suốt ở bất cứ cấp độ nào lại quyết định đánh chìm những công trình kỹ thuật tương tự. Chỉ có kẻ đầu óc bệnh hoạn mới nghĩ ra được những ý tưởng này".

Theo ý kiến của ông, ý tưởng này không hợp lý.

"Cần phải coi thông tin này là một lời thổi phồng mang đậm chất chính trị. Nó được nghĩ ra để thu hút sự chú ý và đẩy vấn đề này vào ngõ cụt", hãng thông tấn Interfax dẫn lời của Đô đốc Popov.

Theo cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc, nếu Pháp không bàn giao cho Nga các tàu đổ bộ Mistral thì có nhiều phương thức hợp lý để quyết định số phận của những chiếc tàu này.

"Có thể tháo dỡ bán sắt vụn, hoặc bán cho đối tác nào đó có nhu cầu", ông Popov nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Popov cho biết Hải quân Pháp hiện không có nhu cầu sử dụng các loại tàu chiến tương tự như Mistral.

"Hồi kết cho sự nghiệp chính trị của ông Hollande"

Còn theo chuyên gia quân sự - Giám đốc Trung tâm nghiên chiến lược (Nga) Ivan Konovalov chia sẻ với hãng tin Sputnik:

"Tất nhiên bán lại những tàu chiến này là điều khó thực hiện bởi vì thứ nhất, lõi tàu là của Nga, thứ hai, thị trường tàu đổ bộ đa năng là không lớn.

Thêm nữa, trên thị trường này có nhiều đối thủ cạnh tranh. Tây Ban Nha, Hà Lan, Hàn Quốc và Mỹ cũng chế tạo các loại tàu tương tự và nhu cầu đối với loại tàu này là không lớn".

Còn về phương án Hải quân Pháp tiếp nhận các tàu đổ bộ Mistral, ông Konovalov nói:

"Hải quân Pháp đã có 3 chiếc tàu kiểu này, họ không có nhu cầu sử dụng thêm. Ngoài ra, ngay trong lực lượng Hải quân Pháp cũng có một bộ phận phản đối việc này.

Họ sợ rằng nếu tiếp nhận sử dụng 2 chiếc tàu đổ bộ chế tạo cho Nga thì họ sẽ phải vứt bỏ các tàu khác - ví dụ như các khinh hạm".

Theo thông tin của tờ báo Le Figaro (Pháp), Paris đang xem xét khả năng bán lại 2 tàu Mistral cho nước khác như Canada, Ai Cập và "một trong các nước khu vực Bắc Âu".

Ông Konovalov cho rằng, nhu cầu của những nước này đối với loại tàu tương tự là rất hạn chế.

Ông Konovalov cho hay:

"Nếu như Mỹ "gây áp lực" đối với ban lãnh đạo Ai Cập thì có thể Ai Câp sẽ mua. Nhưng họ sẽ làm gì với nó?

Ai Cập không cần tàu đổ bộ. Canada lại càng không cần. Nếu có thì là tàu sân bay và phải là tàu sân bay của Mỹ. Chỉ những quốc gia có thể triển khai các chiến dịch quân sự ngoài khơi mới cần tới những tàu đổ bộ này.

Đối với Nga, các tàu chiến Mistral là các sản phẩm để thắt chặt hoạt động hợp tác kỹ thuật - quân sự với Pháp, song các biện pháp trừng phạt đã gây ra hậu quả phản tác dụng.

Còn những quốc gia khác thì có thể mua với mức giá rẻ hơn".

Delays: The first vessel, the Vladivostok (pictured), should have been handed over to Russia in November but French President Francois Hollande has revealed it has now been postponed until further notice

Cựu Tư lệnh Hạm đội Biển Bắc cho rằng đánh chìm tàu Mistral là một ý tưởng "bệnh hoạn". (Trong ảnh: Tàu Vladivostok - chiếc Mistral đầu tiên mà Pháp đóng cho Nga).

Cũng theo lời ông Konovalov, nếu chính quyền Pháp quyết định tiêu hủy hoặc đánh chìm 2 tàu Mistral thì nó sẽ là hồi kết sự nghiệp chính trị của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Ông Konovalov nhấn mạnh:

"Nếu điều đó xảy ra và các tàu đổ bộ này bị đánh đắm thì tất nhiên, ông Hollande sẽ không có bất cứ cơ hội nào trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hơn nữa, vụ Mistral đóng một vai trò quan trọng, khiến chỉ số tín nhiệm của ông Hollande rớt xuống mức thấp nhất chưa từng có.

Và ông Hollande sẽ đi vào lịch sử Pháp như một vị Tổng thống đánh chìm 2 tàu đổ bộ Mistral. Đó sẽ là điều duy nhất người ta nhớ đến ông ta".

"Nga không cần tới tàu Mistral"

Trong khi đó, Đại tá về hưu Mikhail Timoshenko cho rằng các tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral được chế tạo để lắp đặt các thiết bị kỹ thuật của Nga.

Hải quân Nga có thể hoàn toàn không cần tới các tàu đổ bộ này.

Chính Paris mới là bên đang gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết số phận của hai chiếc tàu nói trên.

Ông Timoshenko nói:

"Phía Pháp không có nhiều sự lựa chọn.

Thứ nhất, họ sẽ cố gắng tìm đối tác để bán lại nhưng hai chiếc tàu này được chế tạo để lắp đặt các thiết bị kỹ thuật của Nga.

Tất cả mọi thứ đều theo tiêu chuẩn của phía Nga... Paris khó mà bán được cho ai đó.

Tiêu huỷ, tháo dỡ bán sắt vụn, những điều đó cần nhân công và chi phí. Đó là chi phí để trả lương, rồi dụng cụ, trang thiết bị để tháo dỡ. Không dễ gì!

Như vậy, ít tốn kém nhất có lẽ là phương án đánh chìm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại