Hãng Interfax ngày 26/5 dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga phụ trách vấn đề hợp tác kỹ thuật-quân sự, ông Vladimir Kozhin cho biết, các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Iran sẽ được sản xuất theo hợp đồng cũ, nhưng có thể phải thay đổi theo thời giá.
“Công tác sản xuất tương đối phức tạp, trong đó có nhiều kỹ thuật phải thực hiện mới. Hợp đồng cũ, nhưng sẽ được thực hiện sát với thực tế, trong đó bao gồm giá cả và lạm phát”, ông Kozhin nói.
Tuy vậy, theo Trợ lý Tổng thống Nga phụ trách vấn đề hợp tác kỹ thuật-quân sự, bất chấp những biến động về tỷ giá cũng như việc phải thay mới một số bộ phận phức tạp, nhưng hệ thống tên lửa phòng không chuyển giao cho Iran vẫn đảm bảo là S-300 theo đúng hợp đồng.
Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày, Nga đã xác nhận về quyết định chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, song chưa thể thông báo chính xác được thời điểm chuyển giao hệ thống này.
Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Yevgeny Lukyanov cho biết: “Quyết định chuyển giao S-300 cho Iran đã được đưa ra, song việc thực hiện dự án này cần phải có thời gian. Theo tôi biết, thời điểm chuyển giao vẫn chưa đến."
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 25/5 thông báo, việc đàm phán “đã diễn ra thành công”.
Hồi tháng 2/2015, ông Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn Quốc phòng Nga Rostec, cho biết, hiện Nga đã ngừng việc sản xuất S-300.
Những chuyện rắc rối nảy sinh quanh thương vụ tên lửa S-300 bắt đầu từ khi Nga và Iran ký hợp đồng mua bán 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300 năm 2005. Tổng giá trị hợp đồng là gần 800 triệu USD, trong đó Iran đã chuyển 167 triệu USD tạm ứng trước.
Đến năm 2007, chính quyền Nga mới công bố chính thức về thoả thuận này, song vì nhiều lý do khác nhau họ đã không vội thực hiện hợp đồng, lấy lý do có vấn đề kỹ thuật.
Iran đã nhiều năm chờ đợi việc cung cấp các tổ hợp này, dù trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng 300-400 triệu USD.
Đến tháng 6/2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết số 1929 cấm bán cho Iran “mọi loại xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, các hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, tên lửa hoặc hệ thống tên lửa như chúng được xác định cho mục tiêu của Đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên Hợp Quốc”.
Quốc gia Cộng hòa Hồi giáo Iran sau đó đã đệ đơn lên tòa án trọng tài ở Geneva (Thụy Sĩ) kiện Tập đoàn Rosoboronexport của Nga vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, sau đó Nga cho biết sẽ cung cấp cho Iran hệ thống phòng không Antey-2500, thay vì S-300.
Việc nối lại các cuộc đàm phán chuyển giao S-300 được Moscow và Tehran thống nhất nhân chuyến thăm Iran của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi cuối tháng 1 vừa qua.