Trong một tuyên bố ngày 12.12, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cáo buộc:
Đạo luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine trong đó cho phép cung cấp vũ khí sát thương lẫn không sát thương giúp quân đội Ukraine chống lại lực lượng ở miền Đông cũng như áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga thể hiện "bản chất đối đầu công khai".
Và việc cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ đều phê chuẩn đạo luận này là hành động "vô cùng đáng tiếc".
"Bản chất đối đầu công khai của Đạo luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn (cuối ngày 11.12) mà không cần tranh luận hay bỏ phiếu hợp thức là điều hết sức đáng tiếc...
Chúng tôi sẽ không khuất phục trước hành động hăm dọa, sẽ không thỏa hiệp hay từ bỏ lợi ích quốc gia và không cho phép ai can thiệp vào công việc nội bộ của mình, ông Alexander Lukashevich nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Nga cũng cảnh báo, dự luật trên có thể làm tổn hại quan hệ song phương và cản trở hợp tác trên nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng toàn cầu như an ninh:
"Các nghị sĩ quốc hội Mỹ đang ủng hộ các bước đi của chính quyền Barack Obama, nỗ lực hủy diệt các quan hệ hợp tác (giữa 2 nước). Đã đến lúc Mỹ từ bỏ ảo tưởng về hiệu quả của các chiến dịch trừng phạt chống lại Nga của họ".
Nếu Tổng thống Barack Obama ký thành luật Đạo luật Hỗ trợ Tự do Ukraine, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng, radar chống pháo kích, máy bay trinh sát chiến thuật không người lái do binh sĩ điều khiển, thiết bị thông tin liên lạc và đạn dược.
Dự luật cũng cho phép chính quyền Obama áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mới đối với hoạt động xuất khẩu vũ khí của công ty Rosoboronexport và tập đoàn khí đốt Gazprom do nhà nước Nga kiểm soát.
Đồng tác giả của dự luật, Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee thuộc đảng Cộng hòa cho biết việc Quốc hội Mỹ đồng lòng thông qua dự luật này là nhằm chứng tỏ "cam kết vững chắc của Washington đối với chủ quyền của Ukraine".
Ông này cũng tuyên bố rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá cho cái gọi là "cuộc tấn công nhắm vào nền tự do và an ninh ở châu Âu".