Theo Tiến sĩ Robert Farley của Học viện Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson (Mỹ), mặc dù các tàu chiến cỡ lớn đã không còn được ưa chuộng hơn nữa, trong thời điểm cả Nga và Trung Quốc đang bắt đầu những dự án chế tạo các chiến hạm mới, Mỹ có thể sẽ phải có biện pháp đáp trả.
Chiến hạm lớp Royal Sovereign của Anh vào Thế kỷ 19.
“Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà thiết kế tàu chỉ chế tạo các tàu quân sự mỏng manh hơn rất nhiều so với thời Thế chiến. Chúng có thể tấn công đối phương ở khoảng cách xa hơn, nhưng lại không đủ bền để sống sót trong một cuộc hải chiến.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên quay trở lại với việc đóng các tàu được gia cố chắc chắn hơn”, ông Farley viết trên tạp chí National Interest.
Vị giáo sư cho biết, các chiến hạm thời hiện đại đều được thiết kế dựa trên các tàu lớp Royal Sovereign của Hải quân Anh có từ thế kỷ 19.
Loại chiến hạm này có lượng giãn nước khoảng 15.000 tấn, được trang bị hai hệ thống pháo hai nòng hạng nặng ở đằng trước và sau tàu, và được bọc thép chắc chắn.
Điều này cho phép các tàu chiến có thể chiến đấu hiệu quả và chịu được hỏa lực từ pháo của đối phương.
“Về sau, các nhà thiết kế tàu nhận thấy rằng sức công phá và khả năng sống sót của tàu tỉ lệ thuận với độ lớn của nó.
Vào năm 1915, thế hệ chiến hạm hiện đại đầu tiên có lượng giãn nước 27.000 tấn, đến năm 1920 chiến hạm lớn nhất thế giới thời điểm đó đã nặng đến 45.000 tấn.
Năm 1921, kích cỡ của tàu đã bị giới hạn do một thỏa thuận quốc tế được các nước thông qua, tuy vậy Đức và Nhật Bản tiếp tục thiết kế các tàu chiến kích cỡ lớn”, tiến sĩ Farley cho biết.
Chiến hạm Yamato của Nhật Bản trong thời Thế chiến II.
Tuy nhiên đến thời Thế chiến II, các tàu chiến lớn tỏ ra yếu thế trước các đợt tấn công của máy bay và tàu ngầm. Sau khi cuộc chiến kết thúc, tàu chiến lớn dần dần chìm vào quên lãng.
Dù vậy, trong những năm 1970, Liên Xô bắt đầu dự án chế tạo tàu phóng tên lửa hạng nặng lớp Kirov. Đáp lại, Mỹ nâng cấp bốn tàu lớp Iowa, tuy nhiên chúng chỉ được sử dụng trong vòng vài năm.
“Gần đây, Nga, Mỹ và Trung Quốc đều xem xét chế tạo các tàu chiến cỡ lớn”, giáo sư Farley nhấn mạnh. “Một trong những đề xuất mà Hải quân Mỹ đưa ra đó là họ cần một tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân có lượng giãn nước gần 25.000 tấn”.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thử nghiệm tàu chiến Type 055, được cho là tàu quân sự lớn nhất của châu Á vào thời điểm hiện tại. Hải quân Nga tuyên bố kế hoạch bắt đầu đóng chiến hạm lớp Lidor vào năm 2019.
Các nhà thiết kế cho biết, tàu Lidor của Nga sẽ nặng khoảng 17.500 tấn và được trang bị 60 tên lửa chống hạm, 128 tên lửa phòng không định hướng cùng 16 tên lửa tầm xa.
Tàu sẽ có tốc độ tối đa là 30 hải lý/giờ và có thể hoạt động trên biển trong vòng 90 ngày mà không cần phải tiếp nhiên liệu.
Chiến hạm của Trung Quốc.
Giáo sư Farley nhận định, lợi thế của các tàu chiến loại này đó là chúng có khả năng sống sót trên chiến trường cao hơn trong khi hỏa lực vẫn rất lợi hại.
“Ví dụ, tàu chiến lớn có thể mang theo nhiều tên lửa hơn để làm nhiệm vụ cần thiết.
Sự tiến bộ về công nghệ quân sự cũng cho phép tàu chiến có thể tấn công từ khoảng cách xa hơn với độ chính xác rất cao, đồng thời còn được trang bị các thiết bị định vị và cảm biến, cùng hệ thống tự vệ”.
Có thể thấy rằng, các loại chiến hạm khổng lồ đang dần xuất hiện trở lại, và khác với những con tàu của thời Thế chiến, giờ đây với các loại vũ khí hiện đại cùng hệ thống điện tử tinh vi, chúng có thể sẽ còn nguy hiểm hơn trước rất nhiều.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới.
Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.