Theo đó, DSCS là hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh cấp chiến lược của Mỹ. Hệ thống này dùng để cung cấp đường truyền thông tin liên lạc vệ tinh cho các lãnh đạo chính trị quân sự cấp cao, lập đường liên lạc từ cấp Bộ Quốc phòng đến cấp lữ đoàn của các quân binh chủng khác nhau trong Quân đội Mỹ. Ngoài ra, hệ thống DSCS cũng thiết lập kênh thông tin cho lãnh đạo ngoại giao, và hoạt động tình báo.
Hệ thống DSCS gồm 6 vệ tinh DSCS-3B và 2 quả vệ tinh dự trữ, hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh. Vệ tinh DSCS-3B đảm bảo hoạt động bình thường và chống được bức xạ điện từ của các vụ nổ hạt nhân tốt hơn các thế hệ DSCS-1 và DSCS-2 trước đó, đồng thời đảm bảo cung cấp các băng thông rộng. DSCS-3B được trang bị hệ thống viễn trắc, hệ thống phát-đáp điều khiển vệ tinh dùng cho trường hợp tổ chức lại khi gặp nhiễu. Băng thông của một vệ tinh DSCS-3B là từ 100 đến 900 Mbit/giây..
Cấu trúc module bên trong vệ tinh DSCS-3B gồm 6 bộ phát đáp độc lập và 1 bộ phát đáp đơn kênh, 3 ăng-ten thu có vùng bao phủ tất cả vùng nhìn thấy trên trái đất, 5 ăng-ten phát có vùng bao phủ toàn bộ trái đất. Module của DSCS-3B làm việc trên băng tần X, trong đó 7900-8400 MHz ở đầu thu và 7250-7750 MHz ở đầu phát. Công suất của bộ phát đáp là 50W. Băng thông của các kênh từ 50 đến 85 MHz. Để điều khiển vệ tinh và truyền viễn trắc sử dụng các dải tần S và X.
Mặc dù Quân đội Mỹ không bao giờ tiết lộ về Hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh DSCS, song giới chuyên gia quân sự Nga cho rằng, hệ thống vệ tinh hiện đại này được Quân đội Mỹ dùng để đảm bảo thông tin liên lạc quân sự ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và một phần lãnh thổ Mỹ.
Bên cạnh đó, theo Topwar, Mỹ đang thực hiện chiến lược phủ vệ tinh quân sự của mình trên toàn cầu bằng việc phát triển các hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh băng thông rộng quốc gia thế hệ mới có tên WGS. Dự kiến, trong tương lai gần WGS sẽ thay thế DSCS. Nguồn tin cho biết, năm 2001, lãnh đạo Mỹ đã ký quyết định phát triển hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh băng thông rộng quốc gia thế hệ mới có tên (Wideband Global Satcom-WGS).
WGS gồm 6 vệ tinh địa tĩnh. Vệ tinh đầu tiên (WGS-1) của hệ thống WGS được phóng năm 2007 phục vụ cho hoạt động của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, trải dài từ bờ tây của Mỹ đến Đông Nam Á; hai vệ tinh tiếp theo (WGS-2, WGS-3) được phóng năm 2009 phụ trách khu vực Tây Nam Á và phục vụ Bộ Tư lệnh châu Âu và châu Phi, đồng thời hỗ trợ khu vực Trung Đông . Đến tháng 1/2012, Mỹ tiếp tục phóng WGS-4 bao quát Trung Đông và Đông Nam Á. Tháng 5/2013, vệ tinh WGS-5 được phóng lên quỹ đạo, vệ tinh này đảm trách khu vực châu Mỹ. Vệ tinh WGS-6 được phóng vào tháng 8/2013 hỗ trợ WGS-5 phụ trách khu vực châu Mỹ.
Hệ thống WGS sử dụng module BSS-702 do công ty Boeing chế tạo, công suất 13Kw, thời gian phục vụ 14 năm. Module này bao gồm hàng chục bộ phát đáp và tổ hợp ăng-ten. Tổ hợp ăng-ten có thể hình thành 19 vùng phủ sóng độc lập và có đặc điểm: 1 ăng-ten băng X (8/7GHz); 1 ăng-ten mảng pha thu phát băng X ở 8 vùng bao phủ,10 ăng-ten parabol thu phát để hình thành 10 chùm sóng ở các băng K và Ka (40/20 GHz và 30/20 GHz). Dải 30/20 GHz được dùng cho hệ thống truyền tin toàn cầu GBS.
GBS là hệ thống truyền hình băng thông rộng để truyền hình ảnh, thông tin bản đồ, hình ảnh khí tượng, trắc địa, thông tin cho các đơn vị quân sự trên toàn cầu của Mỹ. Các thiết bị thu của GBS hoạt động ở băng tần Ka (30 GHz) và có 4 kênh truyền dữ liệu tốc độ 24 Mbit/giây. Băng thông của WGS sẽ sử dụng các thiết bị chuyển mạch, thiết bị phân chia phân cực tín hiệu theo không gian và tần số khi sử dụng GBS có tốc độ từ 2,4 Gbit/giây đến 3,6 Gbit/giây. Để kiểm soát và điểu khiển hệ thống WGS, Quân đội Mỹ đã thành lập 4 trung tâm chỉ huy thông tin liên lạc, mỗi một trung tâm có thể kiểm soát thu-phát dữ liệu qua ba vệ tinh.
WGS được coi là chương trình chủ chốt nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông chính của Quân đội Mỹ, với mục tiêu thay thế hệ thống liên lạc DSCS. Mỗi vệ tinh WGS, do Tập đoàn Boeing chế tạo, sở hữu năng lực cao gấp 10 lần vệ tinh DSCS, cho phép người dùng xử lý và nhận dữ liệu với tốc độ cực nhanh. WGS là hệ thống vệ tinh viễn thông năng lực mạnh nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay.
Giới quân sự Mỹ cho rằng, với việc bổ sung WGS, lỗ hổng về thông tin liên lạc vệ tinh toàn cầu của Mỹ sẽ được lấp đầy. Tuy nhiên, theo giới quân sự Nga, việc duy trì một hệ thống vệ tinh rộng khắp như vậy cũng gặp phải không ít khó khăn, trước hết là về tài chính. Bên cạnh đó, ngay cả Mỹ cũng phải thừa nhận rằng các vệ tinh quân sự của họ hiện cũng đang đứng trước nhiều mối đe dọa, đặc biệt là Trung Quốc-đối thủ rất tích cực phát triển công nghệ tên lửa phá hủy vệ tinh.