Hư trương thanh thế
Trung tâm khoa học quốc gia Krylov là cơ sở nghiên cứu khoa học lớn nhất của Nga trong lĩnh vực đóng tàu quân sự và dân dụng.
Trung tâm này vừa chính thức nhận được giấy phép để đưa mẫu sản phẩm mới của mình đi trưng bày ở nước ngoài - mẫu tàu sân bay với lượng giãn nước lên tới gần 100.000 tấn!
Với giấy phép này, từ nay Nga có thể chính thức đưa mẫu tàu sân bay đầy tham vọng tham gia các triển lãm hải quân trên thế giới.
Thiết kế sơ bộ tàu sân bay tương lai của Nga
Báo chí Nga bình luận rằng động thái này của Nga nhằm gửi tới các quốc gia đã và đang có kế hoạch đóng các tàu sân bay cùng cỡ một thông điệp rằng Nga cũng có khả năng tương tự và họ có thể “nhờ” các doanh nghiệp của Nga trong quá trình đóng tàu sân bay.
Hồi tháng trước, báo chí Nga đã đưa tin về việc Trung tâm Krylov đang tích cực tiến hành công việc liên quan tới chế tạo tàu sân bay khổng lồ này.
Phó Tổng giám đốc trung tâm, ông Valery Polyakov khi đó cho biết ngắn gọn rằng trung tâm của ông đã xây dựng một mô hình tàu sân bay tương lai.
Dù chưa phải là một dự án song mẫu tàu sân bay mới dự định sẽ tích hợp các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại nhất phù hợp với các yêu cầu thực tế của hải quân.
Mẫu thiết kế của Trung tâm Krylov được đánh giá là cơ sở khởi đầu để định hình một tàu đa năng trong tương lai cũng như các chỉ số thiết kế của các hệ thống chủ chốt như động cơ, hệ thống năng lượng, vũ khí…
Một lãnh đạo khác của Trung tâm Krylov là Valentin Belonenko cho biết mẫu thiết kế sơ bộ tính tới khả năng tàu sân bay có thể mang được tối đa 100 máy bay, trong đó có tiêm kích thế hệ 5 T-50 phiên bản hải quân, trực thăng Ka-32 và các máy bay phát hiện radar tầm xa.
Khả năng này của tàu sân bay sẽ được đảm bảo nhờ thiết kết vỏ đặc biệt, giảm tới 20% lực cản của nước.
Ông Belonenko cho biết mẫu tàu sân bay mới của Nga cũng sẽ tính toán tới khả năng cho phép máy bay chiến đấu và trực thăng cất cánh trong điều kiện biển động.
Ngoài ra, tàu sẽ được trang bị các máy phóng bên cạnh thiết bị lấy đà truyền thống trên các tàu sân bay của Liên Xô trước đây.
Thiết bị phóng có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó sẽ cho phép tàu sân bay có thể mang theo các máy bay phát hiện radar tầm xa “nặng nề”.
Động cơ của các máy bay này, khác với các máy bay tiêm kích, không đủ sức đưa máy bay cất cánh chỉ với sự trợ giúp của thiết bị lấy đà.
Chính vì lý do này, các tàu sân bay của Liên Xô trước đây không thể mang theo máy bay phát hiện radar tầm xa nên không có khả năng độc lập tiến hành các chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Đua với Mỹ
Các chuyên gia dự đoán, Nga sẽ phải tiêu tốn 10 - 12 tỷ USD và mất không dưới 10 năm để đóng tàu sân bay mới. Đánh giá này được đưa ra dựa trên những chi phí của Mỹ cho dự án chế tạo tàu sân bay lớp Gerald Ford.
Tuy nhiên, đó chỉ là dự toán đối với chiếc tàu đầu tiên. Những chiếc sau đó có thể rẻ hơn từ 10 - 15%. Vấn đề đặt ra là ai và khi nào sẽ đặt hàng tàu sân bay mới của Nga!
Tàu sân bay lớp Gerald Ford của Mỹ
Để dễ hình dung “đẳng cấp” tàu sân bay mới mà Nga đang có tham vọng chế tạo, cần so sánh nó với tàu sân bay lớp Gerald Ford của Mỹ.
Với lượng giãn nước lên tới 112.000 tấn, Gerald Ford trở thành tàu sân bay lớn nhất thế giới. Tàu dài 337 m, chi phí sản xuất lên đến 12,8 tỉ USD. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới cung cấp năng lượng cho phép hoạt động liên tục 20 - 25 năm.
Tàu sân bay Gerald Ford được trang bị hệ thống máy phóng điện từ thế hệ mới, có khả năng mang hơn 75 máy bay gồm F/A-18, F-35C, UAV, máy bay cảnh báo sớm (tương đương máy bay phát hiện radar tầm xa của Nga), trực thăng, máy bay vận tải hạng nhẹ.
Thủy thủ đoàn và phi hành đoàn phục vụ trên tàu gồm khoảng 4.600 người. Dự kiến, chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này sẽ được chuyển giao cho hải quân Mỹ vào năm 2016.
Trong chương trình phát triển tàu hải quân của Nga đến năm 2050, việc tự chế tạo tàu sân bay cũng đã được tính tới.
Phó tư lệnh hải quân Nga Viktor Bursuk mới đây tuyên bố rằng khó có thể chờ đợi chiếc tàu sân bay mới đầu tiên của Nga trước năm 2030. Việc chế tạo đã được lên kế hoạch và sẽ được hoàn thành theo những thời hạn tương ứng.